Đầu tư tiền tỷ, đường vẫn ngập
Cơn mưa chiều 13/7 khiến đường Phan Anh (quận Tân Phú) ngập sâu gần 3 giờ. Nước mưa không có lối thoát nên đường phố thành dòng chảy.
Từ đầu tháng Sáu đến nay, các tuyến đường Phan Anh, Tô Hiệu, Nguyễn Văn Yến… của quận Tân Phú đã gánh chịu ít nhất ba trận ngập. Cách đây không lâu, UBND quậnTân Phú đã triển khai dự án cải tạo kênh Hiệp Tân (dọc đường Tô Hiệu) với tổng mức đầu tư 191 tỷ đồng và đưa vào hoạt động năm 2019 để giải quyết ô nhiễm, ngập nước.
Kênh Hiệp Tân được lắp đặt cống hộp bê tông cốt thép thay thế kênh hở với tổng chiều dài khoảng 1.257,2m (từ đường Hòa Bình đến rạch Bàu Trâu), lắp cống ngang nối từ hố ga trên vỉa hè và đầu các hẻm, đường nhánh cống chính, trên mặt trải nhựa để làm đường đi. “Hàng trăm tỷ đồng đổ xuống để cải tạo kênh Hiệp Tân, sao đường vẫn ngập?” - anh Nguyễn Văn Khương, ở đường Tô Hiệu, đặt vấn đề.
|
Cơn mưa chiều 13/7 khiến nhiều tuyến đường của TPHCM bị ngập sâu |
Trận mưa ngày 13/7 có vũ lượng không quá lớn (đo tại trạm Lý Thường Kiệt từ 13g45 đến 15g45 là 89,7mm) nhưng lại khiến nhiều tuyến đường ở trung tâm thành phố như Lê Lai, Phạm Ngũ Lão, Bùi Viện (quận 1), Cách Mạng Tháng Tám (quận 3) đều bị ngập trong và sau cơn mưa. Trên đường Ba Tháng Hai, đoạn từ Nhà hát Hòa Bình đến nút giao với đường Lê Hồng Phong (quận 10), nước mênh mông như sông; đường Tô Hiến Thành, Sư Vạn Hạnh (quận 10) cũng ngập nặng.
Trước mùa mưa năm 2020, đường Hồ Học Lãm (quận Bình Tân) được nâng cấp. Thế nhưng, chỉ sau vài cơn mưa đầu mùa, đường lại ngập, người dân lại phải be bờ, đắp đập trước nhà để ngăn nước. Những tấm chắn ngăn nước được hai doanh nghiệp trên tuyến đường này dựng lên tưởng chừng đã “lỗi thời” sau khi nâng đường, nhưng một lần nữa lại phát huy tác dụng.
Trong một báo cáo về giải pháp giảm ngập, Phòng Quản lý đô thị quận Bình Tân cho biết, đường Hồ Học Lãm ngập là do hệ thống thoát nước các trục chính chưa được đầu tư, chưa đảm bảo khả năng tiêu thoát nước.
Đường Nguyễn Văn Quá (quận 12) vẫn triền miên ngập do mưa sau khi được nâng cấp và lắp cống hộp với kinh phí hơn 160 tỷ đồng. Chị Diễm Hương (phường Đông Hưng Thuận, quận 12) cho biết, tính từ tháng Năm đến nay, đường Nguyễn Văn Quá ngập nặng ít nhất năm trận.
Mực nước trong trận ngập gần đây nhất ở đường này lút cả bánh xe, nhất là đoạn từ giao lộ đường Song Hành đến gần đường Quang Trung, dài khoảng 2km. Nước từ dưới cống tràn lên mặt đường khiến hàng loạt phương tiện chết máy. Người dân khổ sở, bì bõm dắt xe trong dòng nước đen ngòm về nhà sau một ngày làm việc mệt mỏi.
Theo chị Hương, trước khi được nâng cấp, thay cống hộp, tuyến đường Nguyễn Văn Quá cũng bị ngập nhưng khi tạnh mưa, nước rút hết. Sau khi nâng đường, thay cống, nước ngập càng sâu, thời gian ngập càng dài hơn. Người dân nhiều lần phản ánh nhưng chính quyền địa phương gần như bất lực, không giải quyết được.
Dự án này chờ dự án kia
Theo một tài liệu chúng tôi có được, ba trận mưa lớn gần đây đã gây ra khoảng 20 điểm ngập trên các tuyến đường của TPHCM.
Phân tích nguyên nhân gây ngập trên đường Phan Anh (quận Tân Phú), một số đơn vị liên quan cho biết, dù dự án cải tạo kênh Hiệp Tân đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhưng phía cuối nguồn là rạch Bàu Trâu chưa được nạo vét nên nước không có lối thoát. Dự án cải tạo rạch Bàu Trâu do Ban Quản lý dự án hạ tầng đô thị TPHCM làm chủ đầu tư, nên dự án cấp quận dù đã làm xong, vẫn phải chờ dự án cấp thành phố thực hiện, mới có thể hết ngập.
Giải pháp căn cơ để chống ngập cho đường Phan Anh và các tuyến lân cận là phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án cải tạo rạch Bàu Trâu, còn giải pháp tạm thời là tăng cường khơi thông hệ thống thoát nước và vận hành trạm bơm 8.000m3/giờ tại cửa xả đường An Dương Vương (quận 6).
Trong khi các điểm ngập nói trên phải chờ các dự án thực hiện đồng bộ thì những điểm ngập lâu nay cũng không biết đến bao giờ mới hết cảnh đường hóa thành sông. Chẳng hạn, ba tuyến đường Thảo Điền, Quốc Hương, Nguyễn Văn Hưởng nhiều năm liền là rốn ngập của quận 2, đến nay vẫn chưa thoát ngập.
Một số báo cáo của các đơn vị liên quan cho rằng, nguyên nhân gây ngập ba tuyến đường này là do cao độ mặt đường thấp hơn mực nước triều, chỉ cần mưa tập trung trong thời gian ngắn là gây ngập. Ngoài ra, nguyên nhân gây ngập ở đường Thảo Điền còn do dự án vệ sinh môi trường TPHCM đã đấu nối một số đường nhánh vào, làm quá tải trạm bơm chống ngập.
|
Khu Thảo Điền (quận 2) bị ngập dữ dội, kéo dài nhiều năm nhưng vẫn chưa biết đến khi nào hết ngập. Trong ảnh: người dân khổ sở vì đường ngập nước mênh mông sau cơn mưa chiều 16/6 - Ảnh: Đỗ Minh |
Để giải quyết điểm ngập nói trên, Công ty Thoát nước đô thị TPHCM đề xuất, phải tăng cường công tác nạo vét, duy tu, cải tạo miệng thu, vớt rác trước miệng thu, vận hành trạm bơm Thảo Điền, đồng thời phải lắp đặt trạm bơm di động công suất 1.000m3/giờ tại giếng tách dòng (CSO) 06 ở công viên Thảo Điền. Hiện CSO 06 vẫn đang thi công.
Về tình trạng ngập đường Quốc Hương, hiện nay, các đơn vị đã lắp đặt tuyến cống 400mm ở đường 65 để mở hướng thoát nước về tuyến rạch Nguyễn Văn Hưởng 8, nâng đường trũng cục bộ từ đường 65 đến hẻm 76 và tăng cường công tác duy tu, nạo vét, vớt rác miệng thu trước, trong và sau mưa.
Tuy nhiên, do gói thầu số 6 thuộc dự án vệ sinh môi trường TPHCM giai đoạn 2 vẫn đang thực hiện và dự án bờ tả sông Sài Gòn (từ rạch Cầu Ngang đến khu đô thị mới Thủ Thiêm) vẫn đang thi công nên cũng chưa xác định cụ thể khu vực này bao giờ mới hết ngập.
Tương tự, đường Nguyễn Văn Hưởng bị ngập là do cao độ mặt đường thấp hơn mực nước triều. Ngoài ra, còn do người dân xây dựng trên cửa xả làm sụp cửa dẫn đến mất hướng thoát nước chính của khu vực. Từ cuối tháng 6/2017, đơn vị chức năng đã đấu nối cống D800 mở hướng thoát mới vào cống đường Nguyễn Cừ thay thế cho hướng thoát chính tại cửa xả số 1, đồng thời tăng cường bơm ứng cứu trước chung cư Hoàng Anh Gia Lai nhưng vẫn chưa giải quyết được ngập.
Giải pháp căn cơ để “giải cứu” các tuyến đường trên khỏi tình trạng ngập là Ban Quản lý đầu tư công trình hạ tầng đô thị TPHCM cần đẩy nhanh tiến độ thi công dự án bờ tả sông Sài Gòn, dự án cải thiện môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè giai đoạn 2 và dự án nâng cấp hệ thống thoát nước Thảo Điền - Xuân Thủy - Nguyễn Văn Hưởng - Quốc Hương. Việc nạo vét, khơi thông dòng chảy hay vận hành trạm bơm thoát nước chỉ là giải pháp tạm thời.
Hoàng Lâm