Chợ phiên tại Sa Pa
Tăng số lượng tour, tăng điểm đến
Trước đây, đi du lịch Sa Pa mà chỉ mất có hai ngày là điều không tưởng đối với du khách, nhất là du khách miền Trung, miền Nam. Nhưng nay, tuyến đường cao tốc mới Hà Nội - Lào Cai hiện đại nhất, dài nhất (245 km) và đẹp nhất nối liền Hà Nội với Vĩnh Phúc - Phú Thọ - Yên Bái - Lào Cai cùng nhiều tuyến đường cao tốc, đường bay ở khắp các tỉnh thành trong cả nước đã giúp rút ngắn một nửa thời gian cho nhiều tour du lịch tương ứng, để du khách dễ dàng chinh phục điểm đến thú vị, hấp dẫn này và nhiều điểm khác trên hành trình.
Đường lên đèo Pha Đin giờ rất dễ đi
Theo đại diện của Saigon Tourist, sau khi thông tuyến đường cao tốc, các tour Sa Pa đã trở thành sản phẩm du lịch nội địa hấp dẫn hàng đầu và tour Sa Pa càng thêm đa dạng với: tour Sa Pa đơn tuyến, tour Sa Pa liên tuyến kết nối các tỉnh Đông - Tây Bắc, đến với Sa Pa bằng đường cao tốc/xe lửa… Đại diện Lửa Việt tour phấn khởi cho biết: “Con đường này đã giúp Lửa Việt có tour đi Sa Pa mỗi ngày, so với trước đây mỗi tuần chỉ có hai tour đi bằng tàu hỏa đêm”. Nguyễn Thế Công, hướng dẫn viên của Fiditour phân tích thêm, mỗi tour Hà Nội - Lào Cai đi đường cao tốc hiện có thể tiết kiệm ít nhất gần một triệu đồng cho du khách”. Đặc biệt, vào dịp cuối tuần hay lễ tết, các đơn vị lữ hành không còn phải lo lắng về việc vé tàu hỏa không đủ đáp ứng nhu cầu khách tham quan. Quan trọng hơn là du khách tiết kiệm được rất nhiều thời gian, nếu đi tàu từ 8g30 tối hôm trước, phải đến 5g30 sáng hôm sau mới chỉ đến Lào Cai; tiếp theo du khách lại phải di chuyển bằng xe thêm 35km mới đến được Sa Pa. Đến nay, đi từ Hà Nội lên Sa Pa chỉ mất năm giờ.
Hoa cải trên đỉnh Hàm Rồng, Sa Pa
Không chỉ tiết kiệm tiền, thời gian, du khách còn có cơ hội khám phá thêm nhiều điểm đến trên cung đường này. Đại diện của LienBang Travel Link cho biết: hiện tại, đi bằng tuyến cao tốc, tour sẽ dừng ở Bảo Hà (Lào Cai) để khách tham quan đền ông Hoàng Bảy. Đền được xây dựng vào cuối đời Lê Cảnh Hưng, thờ danh tướng Hoàng Bảy họ Nguyễn, một anh hùng miền sơn cước, người có công bảo vệ và xây dựng Tổ quốc ở cửa ải Lào Cai. Tuyến điểm này, với tour đi tàu lửa thì không tham quan được. Hay như trường hợp của Fiditour, nhờ đi bằng đường cao tốc, trên hành trình đến Sa Pa, đơn vị này đã kết hợp để du khách tham quan thêm một điểm đến đặc biệt mà ai cũng muốn một lần ghé thăm là di tích Đền Hùng (Phú Thọ).
Lợn bản Sa Pa
Lâu đài trong sương sớm Sa Pa
Hoa đào trên đỉnh Hàm Rồng, Sa Pa
Trước đó, các tuyến cao tốc như đại lộ Nam Thăng Long dài 30km cũng giúp du khách dễ dàng thực hiện những chuyến dã ngoại lên làng cổ Đường Lâm hay Ba Vì, Sơn Tây; giúp giảm thời gian cho các tour đi Thanh Hóa, Nghệ An được khoảng 40 phút, đồng thời còn giảm tải cho quốc lộ 1A. Cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên (64km) cũng giúp rút ngắn thời gian di chuyển cho các tour khám phá địa danh di tích lịch sử cách mạng Cao Bằng - Bắc Kạn.
Làng cổ Đường Lâm, Hà Nội
Đình Mông Phụ ở Đường Lâm
Cũng thông qua cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ mà hàng loạt các tour tham quan thắng cảnh của Ninh Bình đã giảm được một giờ đồng hồ/lượt. Cùng thời gian một ngày, thay vì trước đây du khách chỉ tham quan được hai điểm Tràng An - Bái Đính thì nay có thể ghé thăm thêm di tích cố đô Hoa Lư (lăng vua Đinh, vua Lê), chứ không chỉ lướt qua và ngồi nghe hướng dẫn viên nói suông trên xe như trước đây.
Tam Cốc - Vịnh Hạ Long trên cạn ở Ninh Bình
Tràng An cảnh đẹp như tranh thủy mặc
Tuy không có sự cải thiện rõ rệt như cao tốc Hà Nội-Lào Cai, ở miền Trung và miền Nam, việc mở rộng tuyến Sơn Trà - Điện Ngọc (Đà Nẵng - Quảng Nam) từ hai làn lên sáu làn xe; đưa vào khai thác các cao tốc TP.HCM-Trung Lương, Long Thành-Dầu Giây cũng giúp rút ngắn thời gian, đặc biệt là thời gian chờ do bị kẹt xe trong những dịp lễ tết khi đi du lịch Đà Nẵng - Hội An; các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam bộ, từ 30 phút đến một giờ đồng hồ/lượt.
Bên cạnh đường bộ, khi các hãng hàng không tăng thêm đường bay mới như Cần Thơ - Đà Nẵng, TP.HCM - Thanh Hóa, các hãng lữ hành lập tức đã có tour mới để phục vụ du khách. Chẳng hạn, Saigontourist thiết kế tour du lịch miền Tây bốn ngày cho du khách miền Trung khởi hành từ Đà Nẵng vào thứ Năm, Bảy hàng tuần; Vietravel chào bán tour theo chiều ngược lại cho khách từ Cần Thơ và các tỉnh miền Tây ra miền Trung với hành trình Đà Nẵng - Huế - Quảng Bình - Đà Nẵng, năm ngày; Fiditour ưu ái cho du khách bay từ Cần Thơ với nhiều lựa chọn bốn đến năm ngày, khởi hành thứ Bảy hàng tuần. Ngay khi khởi động vào tháng 7/2014, các hãng lữ hành đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của du khách ở cả hai miền. Đường bay TP.HCM - Thanh Hóa hiện đang có Saigontourist tiên phong khai thác với tour Thành nhà Hồ.
Du khách có thể kết hợp tham quan Tràng An - Bái Đính với di tích cố đô Hoa Lư trong một ngày
Cần tăng tốc phát triển hạ tầng giao thông
Ngoài một số điểm sáng kể trên, ở Việt Nam, di chuyển từ điểm này đến điểm khác bằng đường bộ vẫn là khó khăn lớn cho các đơn vị lữ hành. Cái mà Việt Nam đang thua kém so với các nước khu vực là thời gian di chuyển trên xe quá nhiều. “Muốn du lịch phát triển thì giao thông phải tốt, không nước nào mà trên quốc lộ xe ô tô phải di chuyển chậm như ở nước ta, chỉ 45-50km/g, một phần vì đường xấu, một phần do quy định hạn chế tốc độ”, một hướng dẫn viên bức xúc.
Hơn nữa, “ngay như đường cao tốc Lào Cai vẫn còn nhiều bất cập, dễ thấy là không có trạm dừng chân, nhà vệ sinh sạch sẽ hay dịch vụ ăn uống. Du khách chỉ có thể đi vệ sinh tại trạm xăng, vốn rất bẩn, nhếch nhác mà không có lựa chọn khác”, hướng dẫn viên Huỳnh Thanh Việc, Lửa Việt Tours cho biết. Không chỉ tuyến cao tốc mới, trên những quốc lộ cũ ở khu vực miền Trung từ Đà Nẵng đến Phong Nha, động Thiên Đường (Quảng Bình), La Vang (Quảng Trị), suốt 200 cây số đó cũng không có những trạm dừng chân hiện đại, tiện nghi cho du khách “giải quyết” các nhu cầu căn bản. “Chúng tôi chỉ có thể đưa du khách vào trạm xăng để đi vệ sinh và ở đó thì không vệ sinh chút nào. Du khách rất sợ, đặc biệt là du khách quốc tế”, hướng dẫn viên Trần Nhật Long, Fiditour, chia sẻ.
Thưởng thức cái lạnh Sa Pa
Nhiều đơn vị lữ hành cho biết, những đường tour theo các tuyến đường cao tốc hiện đang được khai thác tối đa công suất cho những dịp lễ tết cuối năm. Theo đại diện của Công ty du lịch Carnaval, sau khi có đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai, tour đi Sa Pa đã tăng lên 20% so với trước đây. Ông Nguyễn Ngọc An, giám đốc thị trường du lịch trong nước của Fiditour, phấn khởi: tour “Trải nghiệm đường cao tốc dài nhất Việt Nam” theo cung đường Ninh Bình, Hà Nội, Lào Cai, Sa Pa… khởi hành trong dịp tết dương lịch tại Fiditour đã không còn chỗ trống.
Nét ngây thơ của trẻ em Sa Pa
Dịp nghỉ Tết Nguyên đán năm nay kéo dài chín ngày, các tour Sa Pa, Ninh Bình, Yên Tử… sẽ “nóng” và tần suất khai thác tăng lên bốn-năm lần so với ngày thường. Theo dự báo từ bộ phận bán tour của một số đơn vị lữ hành, dòng tour này có thể sẽ tiếp tục “cháy vé”. Điều này cho thấy tác động to lớn và vai trò quan trọng của hạ tầng giao thông đối với ngành du lịch. Để phát huy tối đa công suất, tiềm năng du lịch của đất nước, rất cần sự tăng tốc hơn nữa của ngành giao thông.
AN HÀ