Đường lỏng chế biến từ bắp biến đổi gen của Trung Quốc vẫn 'đổ' vào Việt Nam

25/05/2018 - 17:45

PNO - Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) từng đưa ra nhiều cảnh báo về tác hại của loại đường này nhưng hàng năm vẫn có một lượng lớn đường lỏng từ Trung Quốc nhập về Việt Nam.

Cách đây đúng một năm, các nhà sản xuất đường trong nước cho biết: mỗi năm có hàng trăm ngàn tấn đường HFCS (High Fructose Corn Syrup), từ Trung Quốc đưa về Việt Nam.

Đến nay nguồn đường này nhập về vẫn tiếp tục gia tăng. Đại diện Hiệp hội mía đường Việt Nam ngày 25/5 cho biết, nguồn đường lỏng nhập về Việt Nam hiện đến từ Trung Quốc và Hàn Quốc, nhưng chủ yếu là từ Trung Quốc, lượng đường có nguồn gốc từ Hàn Quốc không đáng kể.

Ông Phạm Hồng Dương, Phó chủ tịch VSSA cho biết, chưa nắm được số lượng cụ thể nhưng hàng năm một lượng lớn đường này vẫn được nhập về Việt Nam sử dụng làm nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất thực phẩm (bánh kẹo…), đồ uống… Do đặc tính là dạng lỏng, dễ chế biến, giá thành rẻ… nên loại đường này vẫn được các nhà sản xuất thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam ưa chuộng.

Tuy nhiên, theo ông Dương quá trình sản xuất loại đường này theo dạng thủy phân sử dụng rất nhiều hóa chất độc hại, đường HFCS thuộc danh sách đường hóa học chứ không phải là đường tự nhiên. Mặt khác nguyên liệu chính để sản xuất loại đường này là bắp biến đổi gen, loại cây trồng đang có những thông tin trái chiều có thể tác động đến sức khỏe người tiêu dùng.

Duong long che bien tu bap bien doi gen cua Trung Quoc van 'do' vao Viet Nam
Đường bắp được các đơn vị phân phối hóa chất rao bán khá phổ biến.

“Hiệp hội đã tổng hợp kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học về tác hại của loại đường này và đã gửi lên Bộ Công thương nhằm có biện pháp kiểm soát nguồn đường bắp, hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng…”, ông Dương nói.

Đường HFCS là hợp chất sinh-hóa học chiết xuất từ lõi cây bắp, thường là bắp biến đổi gien (GMO). Quan sát bằng mắt thường, đường HFCS giống đường cát nấu lỏng, đặc sánh như si-rô nên còn gọi là si-rô bắp.

Ngoài những nguyên nhân dễ chế biến, giá rẻ, độ ngọt cao…, theo ông Phạm Hồng Dương loại đường này được nhập khẩu về ngày một nhiều còn bởi lý do là mặt hàng không chịu thuế nhập khẩu.

Điều này không công bằng với các nhà sản xuất đường mía trong nước vì rất nhiều nước khác đánh thuế loại đường này cao, chẳng hạn Thái Lan là 20%, Brazil thậm chí là cấm nhập khẩu để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng trong nước; đồng thời thúc đẩy ngành đường mía nội địa phát triển, trong khi tại Việt Nam thuế suất nhập khẩu loại đường này vẫn là 0%.

Đăng Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI