Đường lát gỗ lim dọc sông Hương: Cứ thấy Hàn Quốc cho tiền là vui?

13/04/2016 - 10:49

PNO - Theo chuyên gia, với đặc điểm thời tiết khắc nghiệt Huế, nắng mưa phức tạp, thậm chí là lụt thì làm đường đi bộ tuổi thọ không cao.

Trong những ngày qua, dư luận đang rất quan tâm về việc tỉnh Thừa Thiên- Huế đang lên kế hoạch xây dựng dự án đường đi bộ nằm dọc bờ Nam sông Hương (TP Huế). Theo đề án, đường đi bộ được kết cấu bằng bê tông, sàn lát gỗ có dài 380 m.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này với báo Phụ nữ TP.HCM, một chuyên gia về văn hóa có tiếng tại Thừa Thiên - Huế nhận định: "Dự án này của KOICA tài trợ để chỉnh trang 2 bờ sông Hương, đây là dự án lớn, người dân Huế rất mong chờ. Tuy nhiên, bây giờ đề án vẫn chưa được lên một cách chi tiết. Cũng đã có rất nhiều ý kiến tranh luận về vấn đề này".

Duong lat go lim doc song Huong: Cu thay Han Quoc cho tien la vui?
Phối cảnh đêm của đề án làm đường đi bộ bên bờ Nam sông Hương.

Đây là dự án thí điểm trong quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương do Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) thực hiện với kinh phí tài trợ 6 triệu USD, tổng chiều dài dự án 16 km. Dự án thí điểm này do KOICA đề xuất, được tư vấn bởi Công ty tư vấn kỹ thuật Dohwa và Viện Nghiên cứu đô thị Han – A (Hàn Quốc).

Dự án này sẽ tiến hành thi công từ tháng 7/2016 và hoàn thành trước tháng 4/2017.


Chuyên gia cũng đã tham khảo rất kỹ các ý kiến, thông tin để có thể có nhìn nhận khách quan nhất: "Sẽ có rất nhiều hạng mục cần làm chứ không phải chỉ có mỗi đường đi bộ lát gỗ, ví dụ như làm công viên tại 2 bờ sông Hương và làm cầu đi bộ nối từ đường Nguyễn Đình Chiểu bắc ngang qua sông.

Cũng có nhiều ý kiến cho rằng đây là một dấu ấn tốt cho sông Hương nhưng có người lại cho rằng điều này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến Huế, bởi vì sông Hương vốn đã đẹp rồi".

Về quan điểm cá nhân, ông bày tỏ: "Dự án thì nên làm nhưng vấn đề là triển khai như thế nào, rồi thiết kế chi tiết cũng chưa có nên chưa thể hình dung được đầy đủ".

Vị chuyên gia cũng đánh giá, với đặc điểm thời tiết khắc nghiệt tại Huế, nắng mưa phức tạp, thậm chí là lụt thì làm đường đi bộ tuổi thọ không cao.

Duong lat go lim doc song Huong: Cu thay Han Quoc cho tien la vui?

"Kim loại còn dễ hỏng nữa huống chi là gỗ, nhất là gỗ lim. Còn sau khi đưa vào sử dụng một thời gian rồi, đường hỏng hóc, xuống cấp mà không có kinh phí tu sửa thì trở thành hoang phế thì nó không hay", ông phân tích.

Ông chia sẻ: "Chúng tôi chờ đợi dự án này nhưng làm thế nào để nó tôn dòng sông Hương lên, đừng để nó ảnh hưởng. Đoạn sông đó bên bồi bên lở, rất thơ mộng".

Vị chuyên gia nhận xét, sông Hương không chỉ đẹp, quan trọng mà còn thiêng liêng với người Huế. Vì vậy phải hết sức cẩn trọng khi mình can thiệp lên trên dòng sông. Nếu can thiệp sai thì hậu quả vô cùng khó lường. Sông Hương là sự sống chết của Thừa Thiên - Huế. Nếu không có sông Hương thì không phải là Huế nữa.

Theo phương án đề xuất của KOICA, dự án sẽ đóng cọc bê tông xuống sông Hương đoạn ven bờ, sau đó đổ dầm bê tông, phía trên được lát sàn bằng gỗ lim rộng 4 m.

Trước thông tin này, chuyên gia cho rằng: "Việc làm đường kè thật đẹp bên dòng sông thì có nhiều cách nhưng làm trên dòng sông thì tôi hơi băn khoăn vì nó sẽ làm hẹp dòng sông đi, mà tôi thì hơi tâm linh một chút, dòng sông mà mình đi lên trên, ăn trái cây xong và và nhiều thứ nữa ném xuống dưới nó không được tốt lắm.

Tôi cảm tưởng rằng các bạn Hàn Quốc muốn có con đường này, bởi vì chỉ làm tượng đài, công viên,... hai bên bờ sông thôi thì dấu ấn văn hóa Hàn Quốc không rõ nét, mà có cầu ra giữa sông Hương thì đây là cái của Hàn Quốc, thì nó rõ ràng hơn".

Ông cho rằng cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng tránh những hậu quả đáng tiếp: "Nhiều người khác không quan quan tâm lắm đến những khả năng có thể gây ảnh hưởng đến dòng sông, họ chỉ thấy rằng Hàn Quốc giúp đỡ thì họ vui".

Tuyết Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI