Đường hoa rực rỡ bên mương nước đen

10/09/2024 - 06:15

PNO - Chi hội Phụ nữ khu phố 17, phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức (TPHCM) vừa bàn giao công trình đường hoa cho bà con hẻm 606/32 Quốc lộ 13. Nhờ có sự đồng lòng của mọi người, con hẻm ven mương nước đen đã trở thành đường hoa rực rỡ.

Những gạch nối đầu tiên

Con hẻm 606/32 Quốc lộ 13, một bên là nhà dân, còn bên kia là mương nước. Trong ký ức của bà Bùi Thị Lệ (53 tuổi) mương nước trước nhà từng rất sạch, là nơi vui chơi, tắm táp của trẻ nhỏ. Nhưng từ năm 2010, rác bắt đầu tràn về, ùn ứ, nước dưới mương chuyển dần sang màu đen, bốc mùi hôi thối.

Xưa kia hẻm là đường đất nhỏ, sau này thành đường bê tông khang khang, xe cộ qua lại nhiều, kéo theo rác nhiều và tình trạng té mương cũng thường xuyên hơn. Thỉnh thoảng lại có người, thường là trẻ nhỏ, lọt xuống mương. “Đằng sau mặt tiền hẻm có nhiều xóm trọ. Trẻ em ở đây khá đông. Đã nhiều lần tôi chứng kiến cảnh các cháu chới với trong dòng nước đen cùng chiếc xe đạp, trái bóng. Người lớn cũng té hoài vì khúc này ôm cua” - bà Lệ kể.

Để giữ an toàn cho trẻ em, bà Lệ đã gầy dựng nên giàn hoa che mương nước
Để giữ an toàn cho trẻ em, bà Lệ đã gầy dựng nên giàn hoa che mương nước

Trước năm 2021, vợ chồng bà Lệ còn đi làm công ty nên cuối tuần mới có thời gian dọn dẹp đoạn mương trước nhà. Nhưng dọn bữa nay bữa mai lại thấy rác. Nhà nào trong hẻm cũng phải đóng cửa tránh mùi hôi. Sau khi nghỉ việc ở nhà chăm sóc cháu nội và quản lý 6 phòng trọ, bà Lệ định làm rào sắt cao 1m trước mương để giữ cho trẻ nhỏ khỏi té xuống nước.

Nhưng lại nghĩ, rào vậy chưa chắc an toàn, nên bà nhờ chồng mua khung inox cao gần 3m về dựng ở đó. Rồi bà tận dụng chai nhựa cắt làm chậu trồng cây, trồng hoa treo lên. Tiếp nối hàng rào hoa của bà Lệ, vợ chồng bà Lưu Thị Hương ở gần bên, cũng dựng rào treo hoa, trồng cây. Nhờ vậy mà chuyện lọt mương thưa dần.

Thành quả của sự đồng lòng

Vào tháng 4/2024, bà Trần Thị Như Phương nhận trọng trách Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 17. Thấy những giàn hoa đầu hẻm đẹp và góp phần giữ an toàn cho trẻ nhỏ, bà Phương tìm gặp bà Lệ, bà Hương nhờ hỗ trợ thực hiện tuyến đường hoa từ vật liệu tái chế.

Kế hoạch này được bà con đồng lòng, người góp tiền, người góp sức, nạo vét khơi thông dòng chảy, gia cố bờ và phát quang toàn tuyến mương với 120 ngày công. Sau đó, khung thép được dựng lên để treo hoa, treo cây, dưới đất xây bồn trồng hoa.

Cán bộ  địa phương và người dân cùng tham quan đường hoa từ rác thải tái chế tại hẻm 606/32 Quốc lộ 13
Cán bộ địa phương và người dân cùng tham quan đường hoa từ rác thải tái chế tại hẻm 606/32 Quốc lộ 13

Để có hàng trăm chậu nhựa cho toàn tuyến đường, bà Lệ cặm cụi suốt nhiều tháng. Bà Hương cùng các chị em khác thì ươm cây, giâm cành, vô chậu… Sự đồng lòng của mọi người đã biến con đường dài 112m ven bờ mương nước đen thành đường hoa rực rỡ. Chẳng những thế, hẻm còn trở thành điểm tham quan trải nghiệm dành cho nhiều em nhỏ bậc mầm non.

Cuối tháng Tám vừa qua, Chi hội Phụ nữ khu phố 17 chính thức bàn giao tuyến đường hoa cho bà con hẻm 606/32 Quốc lộ 13. Mỗi gia đình sẽ trực tiếp chăm sóc giàn hoa phía đối diện nhà mình. Riêng bà Lệ vẫn tiếp tục cho ra những chậu nhựa tái chế, những loại cây cảnh mới để thay thế chậu cũ, cây chết. Mảnh đất trống giữa 2 nhà bà Lệ và bà Hương cũng được 2 bà cải tạo phủ xanh rau trái.

Một chị đạp xe ngang qua nói với chúng tôi: “Con đường đẹp nhất khu này đó”. Còn một bác tài xe ôm công nghệ thì tấm tắc: “Sao mà làm được mớ chậu này, hay quá”. Nghe khen, bà Lệ cười. Bà không thể ngờ từ những hành động rất nhỏ của mình và hàng xóm mà giờ con hẻm đã thật sự đổi thay.

“Chị Lệ cắt 100 chậu nhựa thì những hộ dân trong hẻm cũng cắt mỗi nhà ít nhất 1 chậu, đó là cách chúng tôi cùng hiệp sức cho con đường này. Một số đoạn vẫn còn thưa chậu cây, thành ra công việc sẽ còn tiếp nối. Định hướng của chi hội là toàn tuyến đường đều treo cây trồng trong chậu nhựa tái chế, chậu cũ hư có chậu mới thay ngay” - bà Trần Thị Như Phương thông tin.

Mẫn Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI