Ở liên hoan phim (LHP) quốc tế Tokyo (TIFF) lần thứ 36, diễn ra từ ngày 23/10 - 1/11 tại Nhật Bản, Việt Nam không có tác phẩm tham gia tranh giải nhưng lại có được một dấu ấn lớn: bà Trần Thị Bích Ngọc - nhà sản xuất đứng sau nhiều tác phẩm ấn tượng như Tro tàn rực rỡ (Bùi Thạc Chuyên), Cha và con và… (Phan Đăng Di), (Victor Vũ)… - có mặt trong thành phần ban giám khảo. Đây là lần đầu một nhà sản xuất từ Việt Nam có vinh dự “cầm cân nảy mực” ở một LHP lớn như TIFF.
Poster giới thiệu phim Kẻ ăn hồn đã được bán bản quyền thành công tại các nước Đông Nam Á - Nguồn ảnh: ProductionQ
Tại LHP Busan (BIFF) diễn ra từ ngày 4 - 13/10, chương trình truyền hình thực tế Let’s Feast Vietnam - Hành trình kỳ thú cũng được đề cử tại hạng mục Best Reality & Variety (Chương trình thực tế và tạp kỹ hay nhất). Đây là chương trình tôn vinh con người, văn hóa, ẩm thực Việt Nam, có sự xuất hiện của các nhà sáng tạo nội dung quốc tế. Chương trình từng đứng số 1 trên bảng xếp hạng của Netflix Việt Nam trước khi lọt vào danh sách đề cử.
Bên cạnh các phim dự thi, BIFF cũng là điểm đến thông lệ để giới thiệu, trao đổi bản quyền của các tác phẩm châu Á ra thế giới. Về phía Việt Nam, năm nay, đơn vị phân phối Skyline Media mang đến BIFF hơn 75 tựa phim đặc sắc để giới thiệu với đối tác quốc tế, trong khuôn khổ hội chợ phim hàng đầu châu Á (Asian Contents & Film Market). Các phim được giới thiệu trong dịp này có thể kể đến những tác phẩm mới của bộ đôi nhà sản xuất Hoàng Quân và đạo diễn Trần Hữu Tấn: Kẻ ăn hồn chuyển thể từ tiểu thuyết Ngủ cùng người chết của tác giả Thảo Trang; Con cám - bộ phim có kinh phí sản xuất khá cao, thể hiện một góc nhìn khác về truyện cổ tích quen thuộc. Đây cũng chính là ê kíp đứng sau loạt phim Tết ở làng Địa Ngục hiện đang chiếu trên nền tảng K+ và Netflix.
Ngoài ra còn có tác phẩm độc lập Dốc sương mù, kể về câu chuyện của nhiều người xa lạ thông qua những cuộc gặp gỡ với một đầu bếp nhà hàng. Gà ác ra mắt lần đầu tại LHP Cao Hùng (Đài Loan - Trung Quốc) cũng nằm trong danh sách này, khi tập trung khai thác số phận người phụ nữ trước sự khắc nghiệt của vấn đề trọng nam khinh nữ trong xã hội Việt Nam xưa. Những tác phẩm khác cũng được mang đến, hy vọng sẽ được giới thiệu thêm ở các thị trường quốc tế: Em và Trịnh, Thưa mẹ con đi, Chuyện ma gần nhà, Tro tàn rực rỡ, Đêm tối rực rỡ...
Đạo diễn Trần Anh Hùng cùng diễn viên Trần Nữ Yên Khê (Pháp) cũng đã góp mặt tại đây, khi phim điện ảnh The Pot-au-Feu (tạm dịch: Hương vị của mọi điều) tham gia tranh giải tại hạng mục quan trọng nhất - Gala Selection - gồm nhiều tác phẩm nổi bật từ khắp nơi trên thế giới. Trước đó, tác phẩm trên cũng được Pháp chọn đại diện cho vòng tranh giải Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại Oscar năm sau, vượt qua cả tác phẩm mạnh nhất chiến thắng Cành cọ vàng tại LHP Cannes - phim Anatomy of a Fall.
Những tín hiệu đáng mừng
Kết thúc hội chợ phim hàng đầu châu Á, Skyline Media đã giao dịch thành công 2 tác phẩm là Kẻ ăn hồn và Chuyện ma gần nhà. Trong đó Kẻ ăn hồn hiện đang trong giai đoạn hậu kỳ cuối cùng, đã bán bản quyền cho GaragePlay - một trong những nhà phân phối hàng đầu của Đài Loan (Trung Quốc) và Westec Media Limited (WML) - nhà phân phối phim lớn nhất ở Lào, Campuchia và 9 nước Đông Nam Á khác.
Khu vực của nhà phân phối Skyline Media tại BIFF năm nay - Nguồn ảnh: Skyline Media
Ngoài các quốc gia láng giềng, Skyline Media cũng đạt được thỏa thuận với World Pictures của Nga để phân phối bản quyền Chuyện ma gần nhà tại khu vực CIS (Cộng đồng các quốc gia độc lập) gồm Armenia, Azerbaijan, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Moldova, Nga, Tajikistan và Uzbekistan. Trước đó, tác phẩm này cũng được phân phối ở Bắc Mỹ, Úc, Nhật Bản và Đông Nam Á.
Trao đổi về hành trình này với Báo Phụ nữ TPHCM, bà Tuyết Hồ - đại diện Skyline Media - chia sẻ: “Con đường đưa phim Việt ra nước ngoài luôn đầy gian nan. Dù chất lượng phim Việt ngày càng phát triển và chúng ta đang cố gắng khẳng định vị thế của phim Việt, nhưng thị trường quốc tế còn rất hạn chế và kén phim Việt Nam, đặc biệt khi luôn bị so sánh với các đất nước phát triển về ngành phim trước chúng ta như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và thậm chí là cả láng giềng như Thái Lan hay Indonesia”.
Bà Tuyết Hồ nói thêm: “Khán giả quốc tế thích những thể loại phim kinh dị, giật gân, hành động… Số lượng phim điện ảnh Việt Nam được sản xuất mỗi năm còn ít so với thị trường quốc tế. Đó cũng là một trong những khó khăn khi giới thiệu phim Việt Nam ra nước ngoài”.
Dẫu vậy, điện ảnh Việt cũng có những tín hiệu đáng mừng trong khâu chuyển nhượng bản quyền. Bà Tuyết Hồ cho biết: “Tuy còn nhiều khó khăn nhưng mỗi năm đều có từ 2-3 phim điện ảnh Việt ra rạp cùng năm sẽ được phát hành ra quốc tế. Còn đối với các phim library (phim của những năm trước đó), theo số liệu của các phim do Skyline Media đại diện thì trung bình từ 35-45 lượt phim mỗi năm được phát hành ra thị trường nước ngoài. Con số này tăng nhẹ mỗi năm từ 5-7 lượt phim”.
Với nỗ lực mang phim Việt ra thế giới của các nhà phát hành, phim Việt đang dần gây được dấu ấn, có được sự đón nhận từ khán giả quốc tế. Trong tương lai, với chất lượng phim Việt ngày càng nâng cao, khả năng được phát hành đến các thị trường mới sẽ càng khả quan hơn.
Techcombank gửi tới khách hàng món quà tri ân cuối năm bằng sự kiện âm nhạc và trình diễn nghệ thuật “The Global Celebration Party” tại The Global City-TPHCM