Đường đua nhạc Việt nóng trở lại

25/01/2022 - 18:55

PNO - Với nhiều dự án, album đồng loạt ra mắt, nhạc Việt báo hiệu một sự bùng nổ mới trong năm tiếp theo.

Chỉ mới bước sang tháng đầu năm mới, nhưng các nghệ sĩ đang trở lại ngày càng nhiều bằng các sản phẩm âm nhạc chất lượng, sau khoảng thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Từ các dự án phát hành online cho đến đĩa than, MV, show diễn… có thể thấy sự sôi nổi của nghệ thuật trình diễn, và ý thức trả phí cho các sáng tạo nghệ thuật từ khán giả trẻ.

Nhiều dự án ra mắt 

Với chuỗi dự án trở lại thời hậu đại dịch, không thể không nhắc đến Tóc Tiên với EP Yêu rồi yêu rồi yêu. Lột bỏ hình tượng gợi cảm, quyến rũ trước đây, Tóc Tiên ở dự án này trưởng thành, đằm thắm và nhiều chiêm nghiệm hơn qua các sáng tác của Hứa Kim Tuyền, Trang, Kai Đinh… đem đến những bất ngờ thú vị. Tuy nhiên, cách xử lý còn hơi đơn điệu là một hạn chế của dự án này.

Về phía album, sự trở lại của Lê Cát Trọng Lý với tận hai album được coi như một điểm sáng hiếm hoi sau những khó khăn. Nếu Cây lặng, gió ngừng như một đĩa nhạc chữa lành, dễ nghe, nhiều ý nghĩa thì Có dừng được không? lại nặng về tính thể nghiệm, khi các sáng tác của Nguyễn Thanh Tú được chuyển soạn sang tứ tấu cellos, mang sức nặng cũng như đòi hỏi sự tập trung đáng kể. 

EP Yêu rồi yêu rồi yêu của Tóc Tiên; album Có dừng được không? của Lê Cát Trọng Lý và album Ở giữa cuộc đời của Tạ Quang Thắng
EP Yêu rồi yêu rồi yêu của Tóc Tiên; album Có dừng được không? của Lê Cát Trọng Lý và album Ở giữa cuộc đời của Tạ Quang Thắng

Ngoài Lê Cát Trọng Lý thì Tạ Quang Thắng - giọng country rock hiếm hoi của nhạc Việt - cũng trở lại với album thứ ba - Ở giữa cuộc đời. Đĩa nhạc bao gồm những bài ca đầy phóng khoáng và tự do như những album trước đây trong chất blues, soul kết hợp với rock như làn gió mới cho nhạc Việt vốn dĩ rất thiếu màu sắc này.

Ngoài ra, các nghệ sĩ độc lập cũng ghi nhiều dấu ấn đặc biệt trên thị trường quốc tế. Nếu trước đó, album thể nghiệm Ngủ ngày ngay ngày tận thế của nhóm Rắn Cạp Đuôi là đĩa nhạc đầu tiên được chuyên trang phê bình thế giới Pitchfork chấm điểm, thì Trần Uy Đức - nghệ sĩ nhạc thể nghiệm 18 tuổi - với đĩa Came mới đây cũng được đánh giá với số điểm 7,5 - khá cao so với mặt bằng chung - mở ra tiềm năng cho các nghệ sĩ với âm nhạc không biên giới.

Những sản phẩm đầu tư bài bản 

Bên cạnh các dự án dài được lên ý tưởng và phát triển rõ ràng, thì các đĩa đơn (single) cũng được các nghệ sĩ tập trung quảng bá nhằm giới thiệu cho các sản phẩm của mình. Hoàng Thùy Linh sau thành công của dự án Hoàng, mới đây cũng vừa cho ra mắt Gieo quẻ hợp tác với Khắc Hưng. Gieo quẻ vẫn sử dụng cách làm đặc trưng của cô trước đây, với sự kết hợp các yếu tố dân gian, truyền thống trên nền EDM bằng những cú hook ghi điểm. MV bài hát cũng được phát hành đồng thời, gây nhiều ấn tượng. Chất nhạc do Khắc Hưng đảm nhận tuy hiện đại hơn, nhưng lại thiếu sự giễu nhại, bông lơn của đĩa nhạc trước, thành ra đây vẫn là bài ca thăm dò, chưa gây được hiệu ứng lớn thực sự.

Một tên tuổi nhiều tiềm năng khác, Phùng Khánh Linh, cũng trở lại với Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén. Cùng sử dụng chất liệu dân gian (quan họ) như Hoàng Thùy Linh, thế nhưng đĩa đơn này hiện đại và nhiều mới mẻ hơn so với mặt bằng chung. MV nặng yếu tố đông phương cũng được cô và ê-kíp tập trung quảng bá.

Nổi bật nhất trong số các dự án riêng chắc hẳn là Đen, với Mang tiền về cho mẹ. Thành công khi kết hợp được các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa; Đen chiếm 4/10 vị trí trên bảng xếp hạng billboard vừa mới ra mắt. Nội dung ý nghĩa, kết hợp chất dân gian (khúc ru truyền thống) cùng rap, phần khối khí cũng bao quát hơn… đã mang đến cho Đen thêm một thành công mới.   

MV Nhật ký của Thắng - Tạ Quang Thắng

Khán giả “chịu chi” hơn

Nếu hơn một thập kỷ trước, những phong trào như “Nghe có ý thức” ra đời nhằm kêu gọi khán giả có trách nhiệm hơn với những sáng tạo nghệ thuật; thì ngày nay, sự xuất hiện của các nền tảng streaming ở mảng âm nhạc, truyền hình, cũng như các phương tiện thanh toán tiện lợi; nghệ sĩ và khán giả đã tìm được điểm giao thoa nhau, để cùng có nhiều cảm hứng trong nghệ thuật. 

Chỉ trong những tháng cuối năm, đã có tới ba đĩa than được sản xuất và cho ra mắt. Thùy Chi và nhạc sĩ Đức Trí ra mắt Nỗi yêu bé dại tập hợp những sáng tác mới nhất, trong khi Một chiều thu bao gồm các bài về mùa thu lại là một trải nghiệm nghe nhạc thực sự với các giọng ca có chất lượng. Ngoài ra, Cơn mưa phùn tập hợp các bản nhạc tình nổi tiếng thập niên 80-90 cũng được Lân Nhã và Nguyên Hà xử lý mới lạ.

Bên cạnh đó, các show diễn bán vé cũng đồng loạt trở lại. Đêm nhạc Đức Trí diễn ra ở Dinh Thống Nhất hồi cuối tuần trước đã cháy vé trước khi diễn ra, phần vì do phải giới hạn khán giả để phòng chống dịch. Với một sự kiện được diễn ra trong thời điểm hậu dịch bệnh, có thể thấy đây là một dấu hiệu vô cùng tích cực cho loại hình trình diễn tưởng chừng đang dần thoái trào này.

Mỹ Tâm trong  show My Soul 1981
Mỹ Tâm trong show My Soul 1981

Mỹ Tâm với My Soul 1981 cũng là một thử nghiệm tiên phong trong việc tổ chức show diễn online với chất lượng như khi xem offline. Với một giọng hát được mến mộ đông đảo như Mỹ Tâm, hệ thống bán vé đã quá tải ngay những phút đầu mở bán, sau đó, ban tổ chức chương trình phải bán thêm 5.000 vé, dẫu mức giá không kém cạnh đi xem trực tiếp. Đây là hình thức có thể được tiếp cận sau này, trong thời buổi dịch bệnh khó dự đoán như hiện tại.

Có thể thấy với những dự án trên, nhạc Việt báo hiệu một sự bùng nổ mới trong năm tiếp theo. Sự thâm nhập của các tổ chức streaming cũng như đánh giá quốc tế giúp nghệ sĩ có thêm động lực đóng góp những sáng tạo của mình. Người nghe cũng dần hình thành thói quen trả phí cho những sáng tạo này, tạo nên không gian thưởng thức nghệ thuật sạch, đầy văn minh. 

Thuận Phát

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI