Câu hỏi đặt ra là nguồn gốc của những chiếc mắt kính “hàng hiệu” trôi nổi trên thị trường đến từ đâu?
Khách hàng bị “ăn quả lừa”
Nhân dịp sinh nhật người bạn thân, chị Thu Hồng (Q. Thủ Đức, TP.HCM) quyết định mua tặng bạn một chiếc mắt kính đắt tiền. Vì khá mù mờ thương hiệu và không tin tưởng vào các địa điểm kinh doanh online nên chị Hồng quyết định ghé vào một cửa hiệu khá hoành tráng trên đường Võ Văn Ngân (Q. Thủ Đức) để lựa chọn.
Tại đây, chị được nhân viên cửa hàng giới thiệu nhiều mẫu mắt kính với mức giá dao động từ vài chục ngàn đến vài triệu đồng. Sau khi cân nhắc, chị Hồng quyết định chọn mẫu kính “mắt mèo” có phần gọng được làm bằng inox (khá chắc chắn) đi kèm với phần tròng được tráng gương, trông khá sang trọng, trẻ trung.
Sản phẩm được quảng cáo là “hàng Dior” nên chị Hồng càng thích thú. Ưng ý chiếc mắt kính này từ đầu nên khi nhân viên cửa hàng báo giá 780.000 đồng/cái, chị My quyết định mua ngay mà không mặc cả.
“Chị yên tâm, hàng này tụi em bán rất chạy. Mỗi ngày khách mua cả chục chiếc, không có hàng mà bán. Mặc dù chỉ là fake 1 nhưng đảm bảo chất lượng không thua kém so với hàng gốc”, nói rồi nhân viên nhanh tay đưa ra hình ảnh thật của chiếc mắt kính trong bộ sưu tập của thương hiệu Dior. Trông xa thì chị Hồng khá yên tâm khi mẫu mã hoàn toàn trùng khớp.
Thời gian sau khi chuyển món quà đến người bạn thân, chị Hồng khá bất ngờ khi không thấy bạn sử dụng thường xuyên. Gặng hỏi thì người này ngại ngần kể rằng, mắt kính rất đẹp, nhưng mới dùng đến lần thứ tư thì mặt trên của tròng kính bị bong tróc nham nhở, trông rất xấu và y hệt… hàng chợ.
Khá bất ngờ, chị Hồng quyết định đem mắt kính đến cửa hàng đã mua để chất vấn thì nhận được lời giải thích khá mập mờ. Nhân viên cho rằng, bạn chị Hồng đã… “dùng cước sắt để lau chà mặt kính nên mới xảy ra tình trạng như thế”.
Câu chuyện của chị Hồng chỉ là một trong rất nhiều vụ “tiền mất tật mang” vì tin tưởng các cửa hàng mắt kính lớn mà không tìm hiểu kỹ nguồn gốc sản phẩm. Hiện nay, tại TP.HCM, dọc các con đường như Hồ Xuân Hương, khu vực chợ Phạm Văn Hai, chợ Bà Chiểu… hàng chục, thậm chí hàng trăm quầy bán mắt kính được quảng cáo “hàng hiệu giá rẻ”, “hàng xổ siêu rẻ” bày bán công khai trên các vỉa hè.
Theo khảo sát, hầu hết các quầy hàng này đều trưng bày rất nhiều mẫu mã với giá dao động từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng. Trong đó, sản phẩm nào cũng được in rõ logo của các thương hiệu nổi tiếng: Ray-Ban, Police, Chanel, Dior…
Đặc biệt, dù rao giá vài trăm ngàn đồng nhưng chỉ sau một hồi mặc cả, giá có thể giảm xuống chỉ còn… vài chục ngàn đồng. Đi kèm là lời cam kết: “Hàng này xài cả năm không hư, mua hai, ba cái thay đổi cho sướng. Một số cửa hàng lớn tại Sài Gòn giờ cũng nhập hàng của em về để bán trong quầy với giá gấp ba. Mình mua ở đây là lời hơn nhiều lắm nên yên tâm”.
Bên kia biên giới chỉ 2.000 đồng một chiếc mắt kính giá sỉ… chờ về Việt Nam
Tìm đến một người quen, chúng tôi được giới thiệu anh K. - đầu nậu chuyên buôn mắt kính tại Thái Lan và Quảng Châu (Trung Quốc). Anh cho biết, nghề buôn mắt kính lời lãi theo thời vụ.
Tuy nhiên, hầu hết ai chịu đi xa và buôn liền tay cũng đều thu lãi cao. Một trong hai địa điểm chuyên lấy hàng là Thái Lan và Quảng Châu, tuy nhiên Quảng Châu đi cực hơn nên nhiều đầu nậu thường sang Thái để tuyển hàng về cho mau lẹ.
Theo chân anh K. sang Thái trong chuyến hàng tiếp theo, chúng tôi được giới thiệu hai khu chợ lớn chuyên bỏ mối hàng sỉ cho đầu nậu tứ phương. “Tại Thái, người buôn bán chỉ cần nằm lòng hai khu chợ này. Giá rẻ, hàng đa dạng mà khi nào cũng có sỉ để cho dân buôn. Tuy nhiên, một trong hai khu chợ có thời gian mở cửa khá chênh, chỉ thứ Bảy và Chủ nhật nên đầu nậu chuộng khu chợ kia hơn”, anh K. nói.
Anh K. cũng chia sẻ kinh nghiệm, mỗi chuyến hàng, đầu nậu lâu năm thường đi bằng đường bộ chứ không đi bằng máy bay. Bởi lẽ số lượng mắt kính mang về cả ngàn chiếc, chuyển về bằng đường hàng không là điều… không thể.
Chúng tôi được dẫn đến “khu chợ bán sỉ” nổi tiếng tại Thái, nơi có hàng trăm mặt hàng đa dạng được bày bán la liệt trên các sạp, kệ. Điểm chung là dù chỉ nằm trên những sạp hàng nhỏ xíu, chưa tới 10m2 nhưng bạn muốn mua bao nhiêu cũng có.
Lanh lẹ lách qua một đường nhỏ, vào phía sau khu chợ, chúng tôi rất bất ngờ khi lạc vào “thủ phủ” của hàng trăm nghìn loại mắt kính được đặt chen chúc hai bên lối đi.
Đến cửa hàng, anh K. lại tiếp tục giới thiệu một phụ nữ Thái (chủ cửa hàng) cùng một số người quen chuyên lấy hàng và phụ giúp đầu nậu chuyển ra xe. Cửa hàng nhỏ chưa đến 30m2 bày hàng chục thùng giấy chất đống.
Mỗi thùng chứa một loại mắt kính khác nhau. Khi được ngỏ ý mua hàng, bà chủ nhanh tay đưa ra một số mẫu mắt kính trông khá bắt mắt đi kèm lời giới thiệu: “Muốn hàng nào cũng có, giá nào cũng có. Thậm chí muốn gắn thương hiệu ngoại nào thì chỉ cần báo trước để đặt nhân viên chế tác tem”.
Bên cạnh đó, bảng giá đưa ra cũng cực kỳ hấp dẫn. Với mỗi loại mắt kính gọng nhựa không kể kiểu dáng, mua số lượng vài ngàn cái thì mức giá chỉ tầm 3-4 baht (tầm 2.000-3.000 đồng/chiếc). Nếu giảm số lượng lại vài trăm thì mức giá theo đó tăng lên 10 baht/chiếc (từ 7.000-8.000 đồng/chiếc).
Riêng với dòng mắt kính gọng sắt, inox thì giá nhỉnh hơn, từ 20.000 -30.000 đồng/chiếc. Khi được ngỏ ý muốn xem dòng mắt kính hàng hiệu, vị chủ quán lập tức từ chối và giới thiệu rằng, hàng hiệu thiệt không có, tuy nhiên nếu muốn mua hàng fake 1, 2 thì “vô tư”.
“Hàng fake thì giá cũng fake, chỉ bằng 1/10 so với hàng thiệt. Chất lượng và độ tinh xảo là 6/10 hoặc 7/10 nhưng đảm bảo tốt hơn hẳn so với hàng trôi nổi trên thị trường”, người đàn bà này khẳng định.
Sau khi lựa chọn một số mặt hàng, chủ cửa hàng cũng khẳng định rằng, mắt kính sẽ được chuyển ra xe cho đầu nậu. Việc còn lại là thanh toán tiền và đem hàng về Việt Nam.
“Mắt kính sau khi tuyển về thì anh bỏ cho nhiều mối quen ở Sài Gòn, phần còn lại đổ đống vì dân chuộng hàng rẻ sẽ mua nhiều. Một số loại mắt kính mẫu mã đẹp sẽ được chuyển vào các cửa hàng lớn để bỏ sỉ. Hầu hết các cửa hàng này vì chi phí nhân công, mặt bằng nên mới đội giá lên gấp 2, 3 lần. Từ đó mới có chuyện giá hàng trăm ngàn đồng nhưng chất lượng không khác gì… vài chục”, anh K. chia sẻ.
Đối với dân buôn quen đường, thường chi phí đi lại mỗi chuyến tốn tầm 3 triệu đồng; thêm vài triệu đồng để “dễ qua cửa khẩu”. Đối với trường hợp không kịp chuẩn bị sẵn hộ chiếu, các đầu nậu vẫn có thể vượt biên sang Thái bằng cách nhờ người dân gần biên giới dắt sang.
Nguy cơ khi dùng kính dỏm
Theo các chuyên gia, mắt kính dỏm không có khả năng lọc tia cực tím, khiến một lượng lớn tia này lọt vào mắt, gây tổn thương như viêm giác mạc, phỏng võng mạc, tổn thương đáy mắt, thậm chí có thể bị mù.
Những chiếc mắt kính ‘hàng hiệu’ với giá chỉ từ vài ngàn đồng tại chợ Thái sẽ được đội giá gấp hàng chục lần khi về đến Việt Nam
|
Thái Nguyễn