PNO - Ngày 16/5, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cử đoàn công tác đến tỉnh Thái Nguyên để xác minh những đơn vị mua gang xỉ có nguồn gốc từ Formosa Hà Tĩnh nhằm làm rõ những nội dung mà Báo Phụ Nữ TP.HCM đã nêu.
Theo báo cáo của Công an tỉnh Hà Tĩnh, mỗi năm, nhà máy của Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa Hà Tĩnh) làm phát sinh hơn 3,3 tấn chất thải rắn, trong đó có nhiều loại chất thải chưa được phân định rõ ràng, gây khó khăn cho công tác quản lý, giám sát của cơ quan chức năng tại địa phương.
Hợp thức hóa chuyện đã rồi
Theo ghi nhận của chúng tôi, giống với phản ánh của Công an tỉnh Hà Tĩnh, thời gian qua, luôn trong tình trạng tồn đọng một lượng chất thải rắn khổng lồ tại nhà máy của Formosa Hà Tĩnh. Trong đó, lượng xỉ phát sinh chất chồng cao như núi, không phân biệt được đâu là nơi chứa xỉ thép an toàn (có thể làm vật liệu xây dựng) và đâu là nơi chứa gang xỉ có lẫn tạp chất (chưa xác định mức độ nguy hại). Kế bên các núi xỉ thép của nhà máy Formosa là những hồ nước chuyển màu xanh rất lạ, đặt ra nghi vấn về việc phát tán các chất thải làm tăng độ pH ra môi trường.
Dù được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ giám sát chặt mọi hoạt động của Formosa Hà Tĩnh nhưng đến nay, với hiện trạng môi trường nói trên, công tác giám sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) chưa khiến người dân yên tâm. Cụ thể, chỉ với hai vụ mà Báo Phụ Nữ TP.HCM phản ánh, đã cho thấy hoạt động xử lý chất thải rắn tại Formosa Hà Tĩnh chưa được kiểm soát: vụ dùng xỉ thép làm núi nhân tạo không phép và vụ biến gang xỉ có hàm lượng pH vượt ngưỡng nguy hại thành phế liệu - hàng hóa.
Đủ loại chất thải rắn chất đống như núi trong khuôn viên của nhà máy Formosa Hà Tĩnh
Trở lại vụ dùng xỉ thép làm núi nhân tạo, đến nay, theo nguồn tin của chúng tôi, Bộ TN-MT đã chấp thuận cho tồn tại công trình này sau khi thông qua báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM, do Viện Khoa học và Kỹ thuật môi trường thực hiện). Một trong những lý do được Bộ TN-MT viện dẫn cho sự hợp lý của công trình này đó là xỉ thép của Formosa Hà Tĩnh đã được Bộ Xây dựng cấp giấy chứng nhận hợp chuẩn để làm vật liệu xây dựng, không ảnh hưởng gì đến môi trường.
Khác với khẳng định của Bộ TN-MT, tài liệu chúng tôi thu thập được cho thấy, xỉ thép của Formosa được Bộ Xây dựng cấp giấy chứng nhận hợp chuẩn để làm vật liệu xây dựng vào tháng 5/2018, trong khi công trình dùng xỉ thép làm núi nhân tạo được đơn vị này thông báo thi công từ tháng 3/2018. Như vậy, trước khi được Bộ Xây dựng cấp giấy chứng nhận “hợp chuẩn”, căn cứ vào đâu để xác định xỉ thép này có thể dùng làm vật liệu xây dựng?
Mặt khác, sau khi cơ quan chức năng của tỉnh Hà Tĩnh phát hiện Formosa dùng xỉ thép xây dựng công trình không phép, Tổng cục Môi trường (thuộc Bộ TN-MT) mới yêu cầu dừng thi công để lập ĐTM. Điều đó cho thấy, việc lập ĐTM không được thực hiện ngay từ đầu mà giống như phương án “chữa cháy” để hợp thức hóa cho công trình đã xây dựng. Chưa kể, ĐTM cũng chưa làm rõ có lấy mẫu xỉ thép đã xây dựng núi giả để phân tích hay không, cũng chưa làm rõ hàm lượng pH trong xỉ thép này sẽ ảnh hưởng đến môi trường như thế nào.
Tạo kẽ hở, dễ phát sinh tiêu cực
Về vụ phát hiện gang xỉ của Formosa có hàm lượng pH vượt ngưỡng nguy hại (theo quy định, chúng là chất thải nguy hại), chính việc lãnh đạo Tổng cục Môi trường ký văn bản xác nhận gang xỉ của Formosa là phế liệu - hàng hóa đã dẫn đến những rắc rối, gây tốn công sức cho nhiều đơn vị liên quan. Hiện việc chuyển giao gang xỉ đã dừng lại, nhưng hệ quả của nó vẫn tiếp diễn.
Nhiều mối nguy khi pH vượt ngưỡng nguy hại
Giáo sư - tiến sĩ, chuyên gia về độc học môi trường Lê Huy Bá cho rằng, việc phát hiện pH trong gang xỉ vượt ngưỡng nguy hại là rất đáng lo ngại. “pH là một trong những chỉ tiêu đầu tiên dễ nhận biết để đánh giá tác động của chất thải đến môi trường. Hàm lượng pH vượt ngưỡng nguy hại sẽ tạo ra nhiều phản ứng khác gây tác động xấu đến môi trường cũng như sức khỏe của con người. Do đó, khi phát hiện chất thải có pH vượt ngưỡng nguy hại thì phải kiểm soát chặt, không để nguồn chất thải này phát tán ra môi trường” - giáo sư Lê Huy Bá giải thích.
Giám đốc một nhà máy thép ở Việt Nam cho biết, nếu gang xỉ có pH vượt ngưỡng nguy hại thì những người tiếp xúc với chất thải này sẽ bị choáng, chóng mặt. “Trên nguyên tắc, phải xử lý hết pH khi thải gang xỉ ra; nếu pH vượt ngưỡng nguy hại thì không thể xem đây là nguồn phế liệu để tận dụng lại được. Đây là trách nhiệm của chủ nguồn thải (Formosa). Cần phải làm rõ vì sao Formosa không xử lý hết pH mà vẫn được phép bán số gang xỉ này cho đơn vị khác làm nguyên liệu sản xuất thép” - vị này đặt vấn đề.
Dù vậy, sau khi sự việc vỡ lở, người đứng đầu các đơn vị chuyên môn thuộc Tổng cục Môi trường vẫn cho rằng, gang xỉ này là nguồn phế liệu dùng để sản xuất thép vì trong đó, lượng sắt thu hồi chiếm hơn 71%. Trong khi đó, qua hình ảnh chúng tôi cung cấp, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực sản xuất thép nhận định, tỷ lệ thu hồi sắt trong phế liệu từ gang xỉ của Formosa rất thấp nên không thể xem đây là nguồn phế liệu dùng để sản xuất thép.
“Tỷ lệ thu hồi sắt từ phế liệu sản xuất thép khoảng 80% mới được xem là nguồn phế liệu tốt. Trong khi đó, hình ảnh từ những đống gang xỉ của Formosa cho thấy, có rất nhiều bụi mịn nên chắc chắn tỷ lệ sắt thu hồi sẽ rất thấp. Đó là chưa nói đến việc gang xỉ này có pH vượt ngưỡng nguy hại. Điều lạ là tại sao Formosa lại không xử lý hết pH mà lại bán ra thị trường? Với tình trạng gang xỉ như thế này thì hầu như không có nhà máy thép nào ở Việt Nam có thể tận dụng trực tiếp được” - một chuyên gia nhận định.
Ngoài vấn đề tỷ lệ sắt có thể thu hồi từ gang xỉ của Formosa, việc Tổng cục Môi trường đăng thông báo dẫn giải rằng “gang xỉ có hàm lượng pH vượt ngưỡng nguy hại chỉ là chất thải nguy hại khi chất thải này phát tán ra môi trường” còn gây hoang mang cho công tác quản lý, xử lý vi phạm. Vì theo quy định, bất cứ chỉ tiêu nào trong chất thải có kết quả phân tích vượt ngưỡng nguy hại đều có nghĩa là chất thải đó nguy hại.
Một cán bộ thanh tra môi trường cấp tỉnh có hơn 20 năm công tác trong ngành phân tích thêm: “Một thùng phuy bằng sắt nhưng có dính cặn sơn, nếu cặn sơn đó là chất thải nguy hại thì thùng phuy đó cũng phải được quản lý, xử lý như chất thải nguy hại. Không thể nói rằng sắt chiếm tỷ lệ hơn 90% cái thùng phuy nên thùng phuy đó là phế liệu được. Nếu hiểu theo cách lý giải gang xỉ là phế liệu vì có thể thu hồi sắt như cách thông báo của Tổng cục Môi trường thì không thể kiểm soát được hoạt động mua bán chất thải nguy hại trái phép”.
Lập đoàn kiểm tra vụ mua bán gang xỉ từ Formosa
Tổng cục Môi trường vừa có quyết định thành lập đoàn công tác, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong việc vận chuyển, chuyển giao gang xỉ của Công ty TNHH Đầu tư Phát triển MHD và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Theo đó, trong ngày 16/5, đoàn kiểm tra của Tổng cục Môi trường đã đến tỉnh Thái Nguyên và bước đầu xác định, có hai đơn vị đã nhận chuyển giao hơn 20.000 tấn gang xỉ có nguồn gốc từ Formosa (Báo Phụ Nữ TP.HCM đã phản ánh trong bài 2 của tuyến bài Đường đi của chất thải ở Formosa, đăng ngày 15/5). Dự kiến, trong những ngày tới, đoàn công tác sẽ kiểm tra các đơn vị liên quan, trong đó có cả Công ty MHD - đơn vị ký hợp đồng mua gang xỉ của Formosa rồi bán cho các doanh nghiệp ở tỉnh Thái Nguyên.
Graffiti (nghệ thuật vẽ tranh tường) được giới trẻ rất yêu thích nhưng đang bị thả nổi, dẫn đến tác phẩm nghệ thuật thì hiếm mà tranh vẽ bậy thì nhiều.