Cứ mỗi khi dư luận lên tiếng về nguy cơ ô nhiễm từ những núi chất thải khổng lồ từ nhà máy của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa), lãnh đạo Tổng cục Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đều khẳng định, tất cả chất thải phát sinh ở Formosa được kiểm soát chặt. Nhưng với những gì đã và đang diễn ra trên thực tế, sự thật lại không phải như thế.
Hàng ngàn tấn xỉ không có hóa đơn
Như Báo Phụ Nữ TP.HCM đã đề cập trong bài đầu tiên của tuyến bài Đường đi của chất thải ở Formosa, sau khi số gang xỉ phát sinh tại Formosa Hà Tĩnh được Tổng cục Môi trường xác nhận là phế liệu - hàng hóa, Công ty TNHH Đầu tư Phát triển MHD Việt Nam (MHD) lập tức vận chuyển hơn 20.000 tấn gang xỉ bán cho nhiều cơ sở ở tỉnh Thái Nguyên.
Theo phản ánh của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Hà Tĩnh, gang xỉ phát sinh trong quá trình sản xuất được Formosa chuyển giao cho MHD để công ty này đưa ra Thái Nguyên bán cho sáu cơ sở làm nguyên liệu sản xuất. Trong sáu cơ sở này, có bốn công ty và hai hộ kinh doanh nhỏ lẻ.
Từ phản ánh của Sở TN-MT tỉnh Hà Tĩnh, Sở TN-MT tỉnh Thái Nguyên tổ chức kiểm tra và xác định, đến giữa tháng 4/2019, có hai công ty nhận chuyển giao gang xỉ của Formosa thông qua MHD, hai công ty đã ký hợp đồng mua gang xỉ từ MHD nhưng chưa nhận chuyển giao.
Đối với hai trường hợp hộ kinh doanh, điều đáng lo ngại là chủ hộ thu mua gang xỉ của MHD thông qua một trung gian khác và chưa cung cấp cho cơ quan chức năng hợp đồng thu mua cũng như khối lượng gang xỉ đã thu mua. Hiện cũng chưa rõ gang xỉ có nguồn gốc từ Formosa do hai hộ này thu mua được dùng vào việc gì.
Trở lại 20.000 tấn gang xỉ do Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trường Huy và Công ty cổ phần Công nghiệp Bắc Thái nhận chuyển giao từ MHD, theo xác định của Sở TN-MT tỉnh Thái Nguyên, mẫu gang xỉ có nguồn gốc từ Formosa tại đây đều có hàm lượng pH vượt ngưỡng nguy hại (theo quy định, số gang xỉ này là chất thải nguy hại). Đến lúc này, hơn 11.000 tấn gang xỉ tập kết tại Công ty Trường Huy vẫn còn lưu chứa trong khuôn viên nhà máy, chưa nghiền tuyển.
Tại Công ty Bắc Thái, đoàn kiểm tra ghi nhận, vào thời điểm kiểm tra, nhà máy có lắp đặt một dàn tuyển gang xỉ, nhưng đây là hoạt động không phù hợp với quy trình sản xuất được nêu trong đề án bảo vệ môi trường. Mặt khác, trong gần 9.000 tấn gang xỉ có nguồn gốc từ Formosa nhập về, chỉ có gần 6.000 tấn xuất trình được hóa đơn, còn lại 3.000 tấn không xuất trình được.
Những “lỗ hổng chết người”
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong hai công ty ở Thái Nguyên được cho là có thu mua gang xỉ từ Formosa thông qua MHD, đến nay, một đơn vị đã hủy hợp đồng và một đơn vị chưa ký hợp đồng do thấy nguyên liệu không phù hợp, đó là Công ty cổ phần Cơ khí Gang thép và Công ty TNHH Minh Bạch.
Công ty Minh Bạch là đơn vị sản xuất thép từ phế liệu gang thép, không hoạt động nghiền tuyển gang xỉ nên đơn vị này đã hủy hợp đồng với MHD, không nhận gang xỉ từ Formosa chuyển ra. Trong khi đó, Công ty cổ phần Cơ khí Gang thép là đơn vị sản xuất thép từ phế liệu gang thép, không có hoạt động nghiền tuyển gang xỉ nên chưa ký hợp đồng để nhận gang xỉ từ Formosa.
Như vậy, có thể thấy, dù được Tổng cục Môi trường xác nhận là phế liệu - hàng hóa để bán cho các cơ sở sản xuất thép nhưng số gang xỉ do Công ty MHD đưa từ Formosa Hà Tĩnh ra Thái Nguyên lại không phù hợp với các nhà máy sản xuất thép, chỉ mới được sử dụng để tuyển xỉ gang do Công ty Công nghiệp Bắc Thái thực hiện. Song, đây là hoạt động chưa được cơ quan thẩm quyền cho phép (trái với hoạt động đã nêu trong đề án bảo vệ môi trường). Chưa hết, mẫu bùn thải sau tuyển xỉ của Công ty Bắc Thái lại bị phát hiện có hàm lượng pH vượt ngưỡng nguy hại.
|
Hai công ty ở tỉnh Thái Nguyên mua gang xỉ có nguồn gốc từ Formosa bị yêu cầu dừng tiếp nhận xỉ vì không thực hiện đầy đủ các cơ sở pháp lý về bảo vệ môi trường |
Từ những vấn đề trên, Sở TN-MT tỉnh Thái Nguyên đề nghị Tổng cục Môi trường yêu cầu Công ty MHD dừng hợp đồng chuyển giao gang xỉ từ Formosa Hà Tĩnh cho Công ty Bắc Thái và Công ty Minh Bạch do hai đơn vị này chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý về môi trường đối với hoạt động nghiền tuyển xỉ gang.
Diễn biến vụ việc cho thấy, việc Tổng cục Môi trường xác định gang xỉ của Formosa là phế liệu - hàng hóa để bán ra thị trường không chỉ gây ra những sai phạm dây chuyền mà còn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường do số chất thải khổng lồ này không được kiểm soát.
Tổng cục Môi trường xác nhận ẩu?
Theo tài liệu chúng tôi thu thập được, Tổng cục Môi trường xác nhận gang xỉ của Formosa Hà Tĩnh là phế liệu - hàng hóa vào tháng 9/2018, văn bản do ông Hoàng Văn Thức - Phó cục trưởng Tổng cục Môi trường - ký, sau khi có công văn đề nghị của Công ty MHD.
Điều khó hiểu là nếu căn cứ theo Nghị định 38/2015/NĐ-CP quy định về quản lý chất thải rắn, Formosa Hà Tĩnh - chủ nguồn thải - phải là đơn vị chịu trách nhiệm phân loại, phân định chất thải rắn để báo cáo cho cơ quan quản lý chuyên ngành, chứ không phải là Công ty MHD - đơn vị ký hợp đồng thu gom gang xỉ của Formosa.
Sau khi được Tổng cục Môi trường xác nhận gang xỉ của Formosa Hà Tĩnh là phế liệu - hàng hóa, Công ty MHD ký hợp đồng mua gang xỉ của Formosa bán cho nhiều cơ sở ở tỉnh Thái Nguyên. Hợp đồng này được thực hiện tháng 10/2018. Theo thông tin tra cứu, Công ty MHD có trụ sở tại đường Nguyễn Khang, P.Yên Hòa, Q.Cầu Giấy, TP.Hà Nội. Công ty này bắt đầu hoạt động từ tháng 9/2016 với các ngành nghề chế biến rau củ quả, bán lẻ thực phẩm, dịch vụ phục vụ đồ uống, thu gom rác thải độc hại…
|
|
Formosa được lợi, môi trường chịu rủi ro
Theo ghi nhận của chúng tôi, trong khuôn viên nhà máy của Formosa Hà Tĩnh đang tồn đọng hàng núi chất thải rắn, trong đó có một số khu vực gang xỉ bị để lẫn lộn bên cạnh xỉ thép, có nguy cơ phát tán ô nhiễm ra môi trường. Việc được xác nhận gang xỉ là phế liệu - hàng hóa không chỉ giúp Formosa Hà Tĩnh đỡ tốn tiền xử lý số chất thải này mà còn được bán chúng để lấy tiền. Trong khi đó, gang xỉ đưa ra Thái Nguyên được xác định là chất thải nguy hại.
Trao đổi với chúng tôi, nhiều chuyên gia về môi trường cho rằng, việc xác định gang xỉ của Formosa là phế liệu - hàng hóa là không bình thường, bởi nếu đây là phế liệu thì Formosa hoàn toàn có thể tận dụng để sản xuất thép. Mặt khác, nếu đã là phế liệu, tại sao khi đưa ra Thái Nguyên lại phải nghiền tuyển lấy nguyên liệu? Vậy sau khi nghiền tuyển lấy nguyên liệu, phần bột xỉ còn lại là chất gì, độc hại ra sao, sẽ được xử lý như thế nào? Đây là những vấn đề chưa được Tổng cục Môi trường làm rõ.
|
|
Nhóm phóng viên