edf40wrjww2tblPage:Content
Không hiểu lắm việc học của con, nhưng chị Chín vẫn thích được ngồi bên, nhìn ngắm con học bài
“Biết đâu mà đục, mà trong”
Với cô sinh viên năm nhất Trường đại học Công nghiệp TP.HCM Đặng Thị Thu Thảo, hình ảnh của ba vừa buồn vừa đẹp. “Đẹp vì hình ảnh của ba gắn với quãng thời gian mẹ còn chồng, em còn cha”, Thảo mỉm cười lý giải, “Còn buồn, là vì ba trong ký ức bao giờ cũng hom hem, bệnh tật; và thấp thoáng bên cạnh luôn là dáng mẹ tiều tụy, đăm chiêu”.
Chị Nguyễn Thị Chín, mẹ Thảo, kể, chồng chị mất năm 2005 sau bao nhiêu năm bệnh tật liệt giường, kết thúc chuỗi ngày phập phồng lo âu, nhưng lại trải ra trước mắt hai mẹ con một cuộc sống thiếu hụt, chông chênh. Anh khuyết tật tứ chi, ở nhờ người quen tại Thủ Thiêm; lại phải lòng chị, cô gái lành lặn, làm phục vụ trong một quán bún riêu đắt khách. Lúc anh đưa chị đi giới thiệu với bạn bè, ai nhìn chị cũng ngại ngùng, ngờ vực. Rồi chị về làm “dâu”, theo anh lên tận Hóc Môn sinh sống. 11 năm vợ chồng, anh càng lúc càng suy kiệt, chị phải sấp ngửa vào ra bệnh viện để chăm sóc. Chứng kiến cảnh ấy, những người bạn của anh luôn nghĩ cho cái ngày chị “chịu hết thấu”, dứt áo ra đi. Bạn bè chị thì lắc đầu, trách, phải chi lúc ấy lấy người lành lặn cho đỡ khổ. Chị bảo, “là duyên phận cả, biết đâu mà đục, mà trong”.
Chị thú thực, từ ngày theo anh về, nên nghĩa vợ chồng bằng một bữa cơm họp mặt bạn bè; đến khi anh qua đời, chị không được một ngày thảnh thơi. “Cưới” nhau một tháng, còn đang phải sắp xếp, tính chuyện kiếm tiền sống qua ngày, chị… rụng rời hay tin mình mang thai. Thời điểm cơ thể anh yếu dần, phải nằm liệt trên giường bệnh, là lúc bé Thảo ra đời với hai chân co quắp. Chị ở cữ đúng một tháng rồi gượng dậy, lầm lũi bám mặt đường với xấp vé số. Bốn năm sau, khi Thu Thảo được một tổ chức từ thiện phẫu thuật đôi chân tật nguyền cũng là lúc cả nhà hay tin anh mắc thêm bệnh xơ gan. Căn bệnh thường khiến anh bấn loạn, chốc chốc lại thốt lên mấy tiếng chửi lẫn trong tiếng rên, rồi tắt ngúm trong hơi thở thoi thóp. Biết cái chết chỉ là chuyện sớm muộn, anh chẳng buồn bước khỏi giường, cũng không buồn thuốc thang. Mỗi ngày đi làm về, chị Chín lại bế chồng ra ngoài, tắm rửa sạch sẽ, tươm tất. Chị nói “sao cũng được, miễn ảnh còn nằm đó để vợ con còn thấy mặt”.
Anh qua đời, chỉ còn hai mẹ con, tiền chị làm ra chẳng thu vén được chuyện nhà khi Thảo nhiễm vi rút viêm gan siêu vi B, sốt cao liên miên. Có lần, Thảo sốt 39 độ, nhập viện, ở nhà, người chị kết nghĩa đang xoay xở viện phí thì trong bệnh viện, hộ lý nhắc đi nộp tiền, chị Chín hốt hoảng bế con… chạy trốn. Hoảng loạn ôm đứa trẻ đang lịm đi vì sốt về đến nhà, chị òa lên khóc. “Vừa buồn, vừa tủi, xấu hổ nữa, tới giờ tui cũng còn ngượng khi nghĩ tới cái lần mình trốn viện ấy. Rất may là con cũng khỏi bệnh”, chị tâm sự.
Chị Chín bên chị Hoài Thương, người đã cưu mang cả gia đình chị 20 năm nay
Trắc trở đường đến trường
Anh mất. Chị nhớ trước quên sau, ngoài thời gian chăm chỉ đi bán vé số khắp cùng ngõ hẻm, chị trở về thường ngẩn ngơ ngồi nhìn ngắm con học bài. Chị nói, giai đoạn ấy, ngày nào cũng mơ thấy con đậu đại học, tỉnh dậy lại ôm ngực thở dốc vì… mừng quá. “Thảo ham học lắm. Bệnh mấy cũng không chịu nghỉ học, ở đâu có lớp dạy thêm miễn phí, Thảo đều tìm đến”, mẹ nuôi Văn Thị Hoài Thương, người đang cưu mang hai mẹ con chị Chín, chia sẻ.
Năm học lớp 11, nghe nói có một lớp luyện thi đại học trên đường Võ Thành Trang, Q.Tân Bình giảm học phí cho học sinh nghèo, Thảo vội vã đi đăng ký. Biết đường rất xa, các giờ học rơi vào buổi tối, các mẹ trong mái ấm đều khuyên can. Thảo không dám cãi, chỉ xin được đi học thử một, hai buổi. Sau mấy buổi “học thử”, Thảo vẫn lẳng lặng đi học, không mảy may ý định từ bỏ. “Nhìn vẻ im lặng, kiên quyết của nó, không ai còn nỡ ngăn cản”, chị Thương nói.
Có lần, vừa bị kẻ xấu giật gần trăm tờ vé số, về nhà lại nghe con thông báo số học phí cộng dồn hai tháng, chị Chín đâm hoảng loạn, bế tắc. Lần lữa mãi, sáng hôm sau, chị đem chuyện xấp vé số bị giật ra kể, rồi tần ngần dò hỏi con “có muốn đi làm không”. Thảo vừa nghe đã hiểu ý, vội bưng mặt khóc. Khóc rồi, em quay sang, lay lay tay mẹ, xin, “con sẽ đi kiếm tiền để học, mẹ đừng bắt con nghỉ”. Chị Chín khóc òa, tự nhận mình “nói dại”, rồi ôm lấy con.
Căn phòng nhỏ được chị Hoài Thương ưu ái dành làm tổ ấm cho hai mẹ con Thu Thảo
Không để cái nghèo làm nhụt chí, Thảo lại tiếp tục kiên gan tiến bước trên đường học gập ghềnh. Em suýt lỡ thi đại học vì... không có chứng minh nhân dân. Dắt díu nhau lên huyện mấy lần, chị Chín bất lực trước những cái lắc đầu, vì hai mẹ con không có hộ khẩu thường trú ở TP.HCM. Nhiều người tốt bụng, muốn giúp, cũng đành chịu. Nhìn con âu sầu suốt những ngày sau đó, chị hiểu mình không được phép từ bỏ giấc mơ này. Chị trở lên huyện, hỏi thăm lần nữa thì được hướng dẫn về Bình Thuận, nơi chị đăng ký hộ khẩu thường trú để làm chứng minh nhân dân cho con.
Ngày Thảo đậu đại học, hai mẹ con vui mừng mất mấy đêm không ngủ. Thảo nhận phát tờ rơi sau mỗi giờ học, trang trải cuộc sống của “tân sinh viên”. Nhưng chỉ được vài hôm, vì đôi chân khuyết tật, em không thể làm được việc này. Ít lâu sau, Thảo may mắn được nhận vào phục vụ ca đêm tại một quán cà phê gần nhà.
Thảo tự hào: “Giờ em bệnh thì còn mẹ, mẹ bệnh thì còn em, không đến nỗi cùng quẫn, bế tắc như xưa nữa”. Thảo vui vẻ khui gói quần áo từ thiện mà mẹ Hoài Thương vừa mang về, chọn vài chiếc áo, ướm thử. Mẹ Chín, mẹ Hoài Thương chăm chú nhìn theo rồi mỉm cười, gật gù khen đẹp. Tôi lặng nhìn họ, nhìn nét hồn nhiên thiếu nữ rạng rỡ của Thảo. Chừng ấy tuổi, cuộc sống với em là nỗ lực từng ngày trong thể trạng yếu ớt, dáng bước xiêu nghiêng. Việc học đã trở thành mục đích sống, niềm đam mê, để em tựa vào mà vươn lên.
Thanh Tân
Mời bạn đọc chia sẻ câu chuyện của mình qua địa chỉ: vuotlennoidau@baophunu.org.vn