Đường đến trường không còn xa

16/09/2020 - 12:00

PNO - Học bổng tuy không đủ trang trải mọi chi phí học hành, nhưng nó đã tiếp sức cho nhiều nữ sinh có hoàn cảnh vững bước trên hành trình theo đuổi ước mơ.

“KHÓ ĐI MẸ DẮT CON ĐI”

Buổi sáng cuối tuần, trời lất phất mưa, căn nhà nhỏ trên đường số 10, khu phố 3, P.Linh Trung, Q.Thủ Đức, TP.HCM của gia đình em Nguyễn Thị Hiền Trúc, 17 tuổi, vắng tiếng nói cười. Bà Tăng Sớt, 61 tuổi, mẹ Trúc, chăm chú cắt chỉ cho từng chiếc áo mới. Mỗi ngày làm 200 cái, được trả 50.000 đồng tiền công. Ngồi cạnh mẹ, Trúc cầm kính lúp soi từng bức vẽ trong tuyển tập tác phẩm đoạt giải thưởng Nét vẽ xanh lần thứ 20 năm 2017, trong đó có bức vẽ Hội nghị giao lưu văn hóa trẻ em các nước ASEAN, tranh trên bình gốm sứ của Trúc đoạt giải khuyến khích. Trúc nói, với em, vẽ giống như bản năng, đam mê, qua đó em thấy mình không vô dụng, không đơn độc. 

Trúc đang học lớp 12 Trường THPT Linh Trung, Q.Thủ Đức. Mục tiêu của em là theo đuổi chuyên ngành mỹ thuật hoặc công tác xã hội. Nhìn con gái lặng lẽ soi chữ, soi tranh, bà Sớt quay lưng lau nước mắt: “Tôi không định sinh Trúc. Hai anh em con bé cách nhau tới 13 tuổi là vì vậy. Thằng lớn bị não úng thủy, động kinh suốt. Vợ chồng tôi theo con trai vô bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Lúc có bầu Trúc, tôi cứ cầu nguyện cho con khỏe. Nào ngờ bị sinh non, bé chỉ nặng hơn 900 gram, bị đục thủy tinh thể”. 

Trong từng bước đi của Hiền Trúc đều có bóng hình của mẹ

Đôi mắt chỉ thấy lờ mờ, ngay từ khi tập đi, Trúc đã phải vật lộn với những bức tường và những con đường sỏi đá. Kính lúp, ống nhòm là hai vật bất ly thân của em. Mười mấy năm qua, Trúc đến trường trên những vòng xe đạp nhọc nhằn của mẹ. Bà Sớt, dù mang trong người đủ thứ bệnh như tim mạch, huyết áp, đau lưng, thần kinh tọa… nhưng mỗi ngày vẫn thức dậy từ hơn 4g sáng để lo cơm nước, đưa đón con. Bà cho biết: “Các cô giáo từ bậc mầm non đã rất kiên trì dạy Trúc viết chữ. Ở nhà thì tôi học cùng con. Con đánh vần, tôi cũng đánh vần. Con nguệch ngoạc viết chữ, tôi cũng làm theo. Trúc rất thích học. Cháu nói muốn vào đại học, xin mẹ đừng bắt con nghỉ. Nghe vậy, tôi nỡ lòng nào. Tôi khẳng định: khó đi mẹ dắt con đi!”. 

Trước đây, vợ chồng bà Sớt làm công nhân cao su ở H.Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Vì con trai phải nhập viện liên tục nên vào năm 2001 ông bà quyết định chuyển nhà lên Q.Thủ Đức, chồng đi phụ hồ, còn vợ buôn bán lặt vặt kiếm sống qua ngày. Nhưng mấy năm trở lại đây, do sức khỏe yếu nên bà Sớt không buôn bán nữa mà nhận hàng gia công tại nhà. Gánh nặng cơm áo, thuốc men chồng chất khiến nhiều lúc bà chỉ muốn buông xuôi, nhưng những tấm lòng của người dưng đã níu bà lại. “Vì dịch bệnh nên chồng tôi cũng không có việc. Nhờ các cô bên Hội Phụ nữ thương, tháng nào cũng cho gạo, mắm. Mỗi tháng, Chi hội Phụ nữ khu phố 3 còn tặng nhà tôi 500.000 đồng. Chuyện học hành của cháu Trúc thì có Báo Phụ Nữ TP.HCM hỗ trợ hai năm nay. Tôi biết ơn rất nhiều”, bà Sớt bộc bạch. 

“HẠT CƯỜM NHỎ” VỮNG BƯỚC

Phan Lê Anh Thy, 17 tuổi, ở tổ 6, khu phố 3, P.Thới An, Q.12 có dáng người nhỏ nhắn, hay cười. Em hiện là học sinh cuối cấp Trường THPT Võ Trường Toản. Mấy hôm nay mưa nhiều, nhà thường xuyên ngập lụt nên hai mẹ con mướt mồ hôi dọn dẹp, kê bàn ghế lên cao. Xong việc, họ lại cắm cúi kết cườm lên áo dài, có khi tới 2-3g sáng. Tiền công mỗi chiếc là 50.000 đồng. Cứ 2 ngày họ kết được 3 chiếc áo. Ấy vậy mà từ đầu năm đến nay cũng không có nhiều hàng để làm. Chị Lê Thị Thu Thảo, 45 tuổi, mẹ Thy, giãi bày: “Vợ chồng tôi chẳng có gì cho con nên chỉ động viên nhau ráng lo cho chúng học hành đàng hoàng. Con vô năm học mới, tôi lo sốt vó, đành “chai mặt” hỏi các cô bên Hội coi có học bổng nào giúp Thy. Con bé ham học lắm, 11 năm đều học giỏi. Thật may Báo Phụ Nữ TP.HCM lại dang tay cho chúng tôi”. 

Anh Thy biết phụ mẹ kết cườm từ năm 8 tuổi
Anh Thy biết phụ mẹ kết cườm từ năm 8 tuổi

Cha Thy bị sốt bại liệt từ nhỏ, phải đi nạng và hiện đang làm nhân viên thiết kế thiệp cưới, bảng quảng cáo. Thy còn anh trai, đang du học tại Nhật Bản, chuyên ngành vật lý trị liệu. Thy tâm tình: “Anh hai “giật” học bổng toàn phần nên em cũng áp lực lắm, sợ mình dở thì cha mẹ buồn. Mỗi lần thấy em căng thẳng chuyện học, mẹ lại rầy. Mẹ nói, mẹ chỉ cần các con khỏe mạnh, vui vẻ”.

Học mẹ, Thy biết kết cườm lên áo từ năm 8 tuổi. Cô gái nhỏ làm việc rất siêng năng, nhiều lúc lưng đau, mắt mỏi, bàn tay tê cứng, nhưng vẫn mỉm cười. Thy rất thích môn tiếng Anh. Để rèn kỹ năng, ngày nào em cũng dành từ 1-2 tiếng đứng trước gương tự nói chuyện với mình bằng ngôn ngữ này. Mùa tuyển sinh 2021, Thy quyết tâm theo đuổi ngành truyền thông đa phương tiện.

Hiền Trúc, Anh Thy là hai trong số hơn 300 nữ sinh nhận học bổng “Nữ sinh hiếu học, vượt khó” lần thứ 30, năm học 2020-2021 của Báo Phụ Nữ TP.HCM. Đây cũng là năm thứ ba liên tiếp, hai em được báo tiếp sức. 

Thảo Nguyên

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI