Đường đến giáo dục thông minh còn xa

02/12/2020 - 07:22

PNO - Thiếu thiết bị hiện đại, năng lực ứng dụng công nghệ thông tin của giáo viên còn hạn chế là thách thức mà nhiều trường học ở TP.HCM gặp phải trong quá trình xây dựng mô hình trường học thông minh.

Cả trường chỉ có 1-2 bảng tương tác 

Thầy Lê Phương Trí, giáo viên Trường tiểu học Đống Đa (Q.4), nhấn mạnh điều này khi nói đến hoạt động dạy học hướng đến mô hình giáo dục thông minh. Bởi, điều kiện cơ sở vật chất rất quan trọng, quyết định cả phương pháp dạy học.

Điều kiện của trường tới đâu thì chắc chắn giáo viên sẽ dạy học theo phương pháp tương ứng với điều kiện tới đó. Ví dụ, mỗi lớp học đều có bảng tương tác thì chắc chắn giáo viên phải cố gắng học tập, nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng đổi mới phương pháp dạy học cho phù hợp và ngược lại. 

Tiết học của thầy trò Trường tiểu học Tân Sơn Nhì (Q.Tân Phú) theo mô hình trường tiên tiến, hội nhập - tiền đề của giáo dục thông minh  Ảnh minh họa
Tiết học của thầy trò Trường tiểu học Tân Sơn Nhì (Q.Tân Phú) theo mô hình trường tiên tiến, hội nhập - tiền đề của giáo dục thông minh Ảnh minh họa

Tuy nhiên, theo thầy Trí, hiện nay cơ sở vật chất giữa các trường không đồng đều, còn khoảng cách giữa “trường lớn” và “trường nhỏ”. Thậm chí, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học một số trường ở TP.HCM không bằng các trường ở tỉnh, thành khác. Có trường chỉ có 1, 2 bảng tương tác, chủ yếu sử dụng dạy tiếng Anh tăng cường. Mỗi lần dạy học là thầy trò lại kéo xuống phòng để bảng rất mất thời gian. Như vậy, khó mà thay đổi phương pháp dạy học.

Trong khi đó, phương pháp dạy học tích cực đòi hỏi phải có máy tính, bảng tương tác, góc để sách nhằm phục vụ cho dạy học theo nhóm. “Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện đại cần được đầu tư cho các trường học hơn nữa, đặc biệt là các “trường nhỏ” thì mới đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học, tiền đề thực hiện giáo dục thông minh”, thầy Trí nêu ý kiến.

Trường THCS Nguyễn An Khương (H.Hóc Môn) sau quá trình triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng các hạng mục của mô hình trường học thông minh đã đạt được một số kết quả. Ông Lê Thanh Tâm, hiệu trưởng nhà trường, nhìn nhận, xây dựng mô hình này tại các trường ngoại thành không phải dễ, nhất là việc đầu tư kinh phí.

“Nguồn kinh phí xây dựng mô hình chủ yếu từ xã hội hóa nên việc dự trù, thu chi công khai, rõ ràng để nhận được sự đồng tình, hỗ trợ từ phụ huynh và xã hội”, ông Tâm chia sẻ.

Tương tự, Trường tiểu học Võ Thị Sáu (Q.Gò Vấp) đang triển khai mô hình trường học thông minh cũng đạt được các kết quả nhất định. Nhưng trường này cũng không tránh được khó khăn, cơ sở vật chất chưa thể đáp ứng. Trường đông học sinh, mức sống của người dân trên địa bàn ở mức trung bình khá nên việc vận động phụ huynh đóng góp khó hơn.

Giáo viên còn luẩn quẩn 

Trường THCS Chu Văn An (Q.1) triển khai mô hình trường học thông minh chủ yếu là sự kết hợp chặt chẽ giữa gia đình - nhà trường - người học. Nhà trường thuận tiện trong công tác điều hành và tổ chức các hoạt động giáo dục. Gia đình dễ dàng nắm bắt thông tin hoạt động học tập của con em mình; học sinh chủ động lựa chọn cách học phù hợp để tiếp thu kiến thức.

Tuy vậy, thạc sĩ Hồ Thị Ngọc Sương, hiệu trưởng nhà trường, cho rằng, vẫn còn những bất lợi và đây là tình hình chung ở các trường. Đó là phần lớn giáo viên vẫn dùng phương pháp truyền thống để dạy học. Sự sáng tạo chưa nhiều, còn luẩn quẩn ở trải nghiệm cũ gây nên sự nhàm chán. 

Đa số giáo viên chỉ dừng lại ở mức độ dùng internet cho mạng xã hội trong việc giao bài tập, nhắc nhở kiểm tra, thông báo trong nhóm lớp hoặc lưu trữ hình ảnh. Ở một số bộ môn, giáo viên dùng phương pháp thay thế bài kiểm tra giấy bằng thuyết trình nhưng chỉ dừng lại ở việc học sinh sao chép nội dung đã tìm kiếm được trong sách, trên mạng, không có nhiều câu hỏi chất vấn để học sinh phản biện. Hệ quả là học sinh chỉ hình thành kỹ năng tìm kiếm, không hình thành kỹ năng phản biện, tư duy logic.

“Xây dựng mô hình học tập thông minh trước hết phải thay đổi từ đội ngũ giáo viên. Cần đào tạo, bồi dưỡng nguồn lực giáo viên trẻ từ chưa có kinh nghiệm thành giàu kinh nghiệm, phong phú từ phương pháp giảng dạy đến trải nghiệm ở các kỹ năng”, bà Sương cho biết.

Ở góc độ giáo viên, thầy Lâm Quốc Phát, Trường THCS Lam Sơn (Q.6), cũng nhìn nhận còn nhiều giáo viên chưa mạnh dạn, ngại khó, không chịu học hỏi nâng cao trình độ tin học. Thậm chí, có giáo viên chưa tự thiết kế và sử dụng bài giảng điện tử của mình, phải nhờ người khác làm hoặc dùng chung với giáo viên khác.

“Muốn ứng dụng giỏi công nghệ thông tin, người thầy phải chịu khó tìm hiểu, học hỏi đồng nghiệp; biết sáng tạo trong phương pháp giảng dạy nhằm tạo sự hấp dẫn cho học sinh…”, ông Phát nói.

Xây dựng mô hình trường học thông minh đòi hỏi cả quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, trải qua nhiều giai đoạn tương ứng với sự đầu tư về cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực giáo viên, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Tuy nhiên, giáo viên, và cả cán bộ quản lý là người trực tiếp triển khai, quyết định đến chất lượng, hiệu quả thì phải có sự thay đổi.

Nói như ông Lê Thanh Tâm, giáo viên phải làm việc, sáng tạo nhiều hơn; tìm tòi, học hỏi nhiều hơn. Đồng thời, lãnh đạo nhà trường cũng cần có tầm nhìn chiến lược, kế hoạch cụ thể, phù hợp để khi triển khai sẽ đạt được hiệu quả. Trong đó, tổ chức các lớp học tập, bồi dưỡng ngắn hạn cho giáo viên là không thể thiếu. 

Mỹ Bình 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI