Thí sinh Trịnh Ngọc Huyền đội Kim Tử Long đã lên ngôi quán quân mùa thứ hai với số điểm 29 từ 3 giám khảo: NSND Ngọc Giàu, NSƯT Thanh Tuấn và nghệ sĩ Chí Tâm. Ngôi vị Á quân thuộc về Nhã Thy đội Thoại Mỹ với số điểm 28,5.
|
Top 3 chung cuộc của Đường đến danh ca vọng cổ mùa 2: Bích Ngọc, Ngọc Huyền và Nhã Thy (từ trái sang) |
Qua 21 tập phát sóng, Đường đến danh ca vọng cổ tiếp tục tạo nên những giá trị đẹp, là nơi thăng hoa cho những giọng ca đầy tiềm năng nhưng cuộc thi cũng còn tồn tại những quãng trầm trong quá trình tiếp bước, đưa cải lương đến gần với nghệ thuật hiện đại.
Top 3 chung cuộc có màu sắc riêng nhưng chỉ dừng ở mức an toàn
Nhã Thy, Bích Ngọc, Trịnh Ngọc Huyền ngay từ vòng lập đội đã là 3 cái tên sáng giá khi khiến 3 huấn luyện viên phải tranh giành quyết liệt. Nhã Thy sở hữu chất giọng trong, sáng và cao vút cộng với kinh nghiệm hoạt động chuyên nghiệp, vẻ ngoài cuốn hút đã được xem là ứng viên nặng ký ngay từ thời điểm đầu. Bên cạnh đó, việc chọn vào đội huấn luyện viên Thoại Mỹ, người đã từng có thí sinh chiến thắng mùa đầu tiên cũng như nhiều ‘chiêu’ cho học trò càng khiến Nhã Thy trở thành đối thủ mà các thí sinh còn lại phải dè chừng.
|
Ngọc Huyền trong vòng thi đầu tiên của Đường đến danh ca vọng cổ. Với chất giọng ngọt ngào, tình cảm cùng vẻ ngoài thu hút, cô đã được cả 3 huấn luyện viên lựa chọn, tranh giành. |
|
Bích Ngọc đội Thanh Hằng |
|
Nhã Thy đội Thoại Mỹ |
Ngọc Huyền mang đến chất Nam bộ đặc trưng trong giọng hát với sự ngọt ngào, nữ tính và chân chất, đậm tình cảm. Trong khi đó, Bích Ngọc lại sở hữu những thanh âm trầm đầy mê hoặc. Đây là một trong những thí sinh có giọng lạ ở mùa giải năm nay.
Tuy nhiên, bước vào đường đua cho đến chung kết, cả 3 thí sinh đều thể hiện bản thân ở mức an toàn. Trong đó, quán quân Trịnh Ngọc Huyền không có được sự chuyển mình mạnh mẽ. Trong các tiết mục như: Đêm tóc rối (vòng lập đôi), Cô gái tưới đậu (vòng song đấu tranh tài), Nụ hôn bất ngờ (vòng nhạc hiện đại), Nụ hôn lầm lỡ... Ngọc Huyền gần như bị một màu.
|
Trịnh Ngọc Huyền trong đêm chung kết |
Trong đêm chung kết, Trịnh Ngọc Huyền hoá thân thành hình ảnh nữ tướng Triệu Thị Trinh với một trích đoạn cải lương tuồng cổ có tên gọi Má hồng soi kiếm bạc. Đây được xem là sự thay đổi trong cách thể hiện của nữ thí sinh nhưng lại trở thành chiếc áo rộng. Giọng ca đậm chất nữ tính, thiếu sự hùng hồn cộng với phần hình thể, động tác biểu diễn chưa thực sự thuyết phục đã khiến tiết mục có phần bị chùng lại. Sự hỗ trợ, cộng hưởng của Kim Tử Long lại vô tình lấn át chính thí sinh này.
|
Ngọc Huyền trong tiết mục Nụ hôn lầm lỡ |
|
Hành trình chinh phục ngôi quán quân của Ngọc Huyền khá an toàn dù nữ thí sinh có giọng hát mang màu sắc riêng |
Nhã Thy lại có phần khó khăn hơn khi bước ra cái bóng mà cô đã tạo trước đó khi đến với sân chơi này, đồng nghĩa khán giả có quyền kỳ vọng nhiều hơn. Bích Ngọc lại gặp khó khăn trong phần diễn xuất, một trong những yếu tố quan trọng tạo nên thành công của một tiết mục cải lương, vọng cổ. Việc đặt 3 nhân tố có được, có mất này vào một bàn cân cũng thực sự khó khăn để BGK đưa đến quyết định cuối cùng.
Sự lên ngôi của một giọng ca trẻ ở mùa giải thứ hai dù còn những yếu tố để tranh luận nhưng cũng mở ra một tia hy vọng mới cho cải lương khi vẫn còn được lan toả trong thế hệ trẻ, tiếp bước cha anh.
Nỗ lực làm mới cải lương nhưng vẫn còn chông chênh
Bên cạnh những khúc ca truyền thống, quen thuộc trong 2 vòng thi đầu, các thí sinh sẽ được thử thách trong các vòng tiếp theo khi kết hợp nhạc hiện đại với cải lương và gắn cải lương vào những kịch bản điện ảnh cũng như sáng tạo từ những vấn đề xã hội.
Ở vòng chuyển thể kịch bản phim, với hàng loạt những tác phẩm kinh điển xen lẫn hợp thời như: Áo lụa Hà Đông, Sài Gòn anh yêu em, Sông dài, Kiều nữ và đại gia, Cánh đồng bất tận… có cốt truyện hẳn hoi đã giúp các thí sinh thể hiện được cả mặt ca lẫn mặt diễn. Đặc biệt, những vấn đề nóng của xã hội như: bạo hành gia đình, kỳ thị giới tính, thói thờ ơ… đã được đưa vào sân chơi này một cách hợp lý, với những kịch bản có tính thời sự.
|
Hà My trong kịch bản Kiều nữ và đại gia |
|
Tô Tiểu Long trong tiết mục được cảm tác từ phim Sài Gòn, anh yêu em |
Nhưng khi đưa cải lương, vọng cổ kết hợp với nhạc hiện đại, chương trình đã tạo nên một vết gãy vô hình. Dù cố gắng tạo mạch nối để loại hình này có thể tiếp cận với khán giả trẻ, mang hơi thở thời đại hơn nhưng cách làm này đã bộc lộ không ít nhược điểm.
Trong 3 tập của vòng nhạc hiện đại, không ít thí sinh đã lộ rõ nhược điểm trong giọng hát khi thử sức với những bài hát gắn liền với các giọng ca trẻ như: Nắm lấy tay anh (Tuấn Hưng), Cho em gần anh thêm chút nữa (Hương Tràm), Nụ hôn bất ngờ (Mỹ Tâm)... Hoàng Việt Trung, Trần Thanh Cường, Tô Tiểu Long đội Thanh Hằng, Nhã Thy đội Thoại Mỹ, Trịnh Ngọc Huyền, Hà My đội Kim Tử Long đã rơi vào những tình huống nhạc một nơi, vọng cổ một nẻo hoặc bị ghép vào những kịch bản gượng gạo về mạch hát, cách dàn dựng.
|
Trịnh Ngọc Huyền trong vòng thi nhạc hiện đại |
Dẫu biết, việc làm mới, đưa cải lương đi kịp nghệ thuật hiện đại là một trong những biện pháp giúp bộ môn này trở lại với khán giả nhưng hơn hết, âm nhạc luôn cần sự phù hợp. Rõ nét nhất trong vòng thi này, đội Thoại Mỹ đã khá thành công khi sử dụng những ca khúc mang âm hưởng trữ tình, quê hương như: Chị đi tìm em (sáng tác Vũ Quốc Việt), Chuyện tình không dĩ vãng (sáng tác Tâm Anh) và Vợ tôi (sáng tác Mạnh Quỳnh) để đưa vào. Đây là những giai điệu vốn tiệm cậm và gần nhất với cải lương, vọng cổ truyền thống.
|
Tiết mục Chị đi tìm em của Võ Thị Trí đội Thoại Mỹ |
Trong khi đó, việc tái hiện những trích đoạn, vở diễn danh tiếng gắn liền với nền cải lương Việt Nam như Lan và Điệp (Hà My đội Kim Tử Long), Bên cầu dệt lụa (Bích Ngọc đội Thanh Hằng), Hòn vọng phu (Hoàng Việt Trang đội Thanh Hằng)… lại trở nên quá sức với những giọng ca trẻ khi họ khó lòng vượt qua những cái bóng của đàn anh, đàn chị như: Lệ Thuỷ, Ngọc Giàu, Vũ Linh, Thanh Thanh Tâm...
|
Hà My không thành công trong việc tái hiện lại vai diễn của chị trong vở Lan và Điệp |
Thuỵ Khuê