Đường dây sản xuất hàng chục tấn thuốc giả đã tuồn hàng ra thị trường như thế nào?

17/04/2025 - 14:28

PNO - Chỉ trong vòng 4 năm, Đạt và đồng bọn đã sản xuất, tự đặt tên số lượng lớn thuốc giả rồi tuồn ra khắp các tỉnh, thành trên toàn quốc, thu lời bất chính gần 200 tỉ đồng.

Khám xét các địa điểm sản xuất, công an thu giữ số lượng lớn thuốc giả các loại - Ảnh công an cung cấp
Khám xét các địa điểm sản xuất, công an thu giữ số lượng lớn thuốc giả các loại - Ảnh công an cung cấp

Ngày 17/4, Công an tỉnh Thanh Hóa đang tiếp tục mở rộng điều tra vụ án liên quan đến đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả với quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc do Nguyễn Tiến Đạt (34 tuổi, trú quận Thanh Xuân, Hà Nội) cầm đầu.

Hiện Đạt cùng 13 nghi phạm liên quan đến đường dây sản xuất thuốc giả này đã bị Công an tỉnh Thanh Hóa khởi tố, bắt tạm giam để phục vụ điều tra.

Khám xét các cơ sở sản xuất của nhóm đối tượng, lực lượng chức năng đã phát hiện và thu giữ 21 loại thuốc tân dược và thuốc chữa xương khớp giả với số lượng lến tới hàng chục ngàn hộp thuốc.

Nhiều nhất trong số này là tuyết liên thiên ma bảo khớp hoàn với số lượng 6.612 hộp; Mujarhabat Kapsul (thường gọi là khớp xanh) với 5.172 hộp; thuốc viên vai cổ với hơn 4.000 hộp… Ngoài ra còn nhiều loại thuốc được ghi tên các hộp như: Tetracyclin, Clorocid, Pharcoter, Neo-Codion…

Hơn 140kg các loại thuốc đã đóng viên nhưng chưa đóng gói, nhiều nguyên liệu làm thuốc… cùng nhiều loại máy móc, thiết bị phục vụ cho hoạt động sản xuất thuốc giả cũng đã bị công an thu giữ. Tổng trọng lượng các loại thuốc và nguyên liệu làm thuốc thu giữ được là gần 10 tấn.

Kết quả điều tra ban đầu của Công an tỉnh Thanh Hóa xác định, từ năm 2021, Đạt và Trịnh Doãn Giáo (39 tuổi, trú quận Bình Tân, TPHCM) đã câu kết với nhau để sản xuất và tiêu thụ thuốc giả, chủ yếu là các loại thuốc chữa bệnh về xương khớp khi nắm bắt được thói quen của người dân thường mua thuốc không cần kê đơn, đặc biệt là người già.

Nhóm này mua máy móc, thiết bị, nguyên liệu và thuê người pha trộn, sản xuất thuốc giả. Với các loại thuốc chữa bệnh về xương khớp, đường dây này không làm giả các sản phẩm đang lưu hành trên thị trường trong và ngoài nước. Thay vào đó, chúng tự đặt tên cho thuốc mình sản xuất, cũng như tên công ty có trụ sở ở nước ngoài như Hồng Kông, Malaysia, Singapore… khiến người tiêu dùng khó phân biệt.

Phần lớn thuốc chữa bệnh về xương khớp giả được đường dây này sản xuất rồi tự đặt tên - Ảnh công an cung cấp
Phần lớn thuốc chữa bệnh về xương khớp giả được đường dây này sản xuất rồi tự đặt tên - Ảnh công an cung cấp

Sau khi sản xuất và đóng gói các loại thuốc, các đối tượng sử dụng vỏ bọc là nhân viên dược, buôn bán thuốc cho các công ty dược lên mạng xã hội quảng cáo có nguồn thuốc kháng sinh của các công ty chính hãng “tuồn” ra từ nguồn hàng thầu hoặc bán chạy doanh số trái khu vực, không xuất được hóa đơn nên rao bán rẻ hơn so với hàng chính hãng.

Đối với các loại giả mạo nguồn gốc nước ngoài thì các đối tượng giới thiệu đây là “hàng xách tay” nên không có hóa đơn chứng từ kèm theo. Để tạo lòng tin với khách hàng, giai đoạn đầu, chúng trộn lẫn thuốc thật vào thuốc giả.

Khi đã xây dựng được tệp khách hàng ổn định, chúng chuyển sang bán hoàn toàn thuốc giả do chính mình sản xuất. Đối tượng khách hàng chủ yếu của đường dây sản xuất thuốc giả quy mô lớn này là các dược sĩ tự do tại các chợ thuốc.

Với thủ đoạn trên, đường dây này đã bán ra thị trường số lượng lớn thuốc giả, thu lời bất chính gần 200 tỉ đồng sau 4 năm hoạt động.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI