Đường dài mới biết ngựa hay

17/05/2013 - 10:24

PNO - PN - Bộ phim truyện truyền hình mới phát sóng Túm cổ đại gia (Vietcom Film sản xuất, đạo diễn Nguyễn Quang Minh) đã đánh dấu một sự đổi mới ở khung giờ vàng phim Việt lúc 22g trên HTV9, mà theo lời bà Phạm Trường Sơn - Trưởng phòng...

Nếu trước đây khung giờ này bị “chia năm xẻ bảy” cho nhiều đơn vị sản xuất (tất nhiên chất lượng sản phẩm đã được HTV thẩm định) thì kể từ ngày 26/4, khung giờ này chỉ phát sóng phim của các hãng Sóng Vàng, Sena Film và Vietcom Film. Sau Túm cổ đại gia, lần lượt sẽ là Chạy trốn tình yêu (Sóng Vàng, đạo diễn Nguyễn Mạnh Hà, phát sóng 27/6) và Vợ của chồng tôi (Sena Film, đạo diễn Việt Trinh, phát sóng 27/7), sau đó xoay vòng trở lại phim của Vietcom Film. Việc hợp tác giữa HTV với ba hãng này sẽ kéo dài trong vòng một năm và ba hãng cùng chia sẻ trách nhiệm, quyền lợi trong việc sản xuất, quảng bá và duy trì lượng người xem cho khung giờ này.

Trước HTV, Sóng Vàng cũng được VTV9 tin tưởng mời làm đối tác cho khung giờ phim Việt lúc 21g mỗi ngày, kể từ tháng 6/2011. Tháng Tư vừa qua, VTV Cần Thơ 1 và hãng phim Chào Việt Nam công bố việc hợp tác trên khung giờ vàng phim Việt lúc 19g50. Theo đó, Chào Việt Nam sẽ cung cấp cho VTV Cần Thơ 1 mỗi năm 300 tập phim, kéo dài trong 5 năm, kể từ ngày 11/4 với phim Duyên nợ miền Tây.

Duong dai moi biet ngua hay

Phim Túm cổ đại gia mở hàng cho sự thay đổi về chất lượng phim ở khung giờ vàng trên sóng phim Việt?

Xu hướng nhà đài chỉ định thẳng đơn vị đối tác của mình cho một khung giờ vàng phim Việt đã xuất hiện từ năm 2005 với cái bắt tay giữa Lasta và HTV7. Tiếp theo là M&T Pictures “độc quyền” cung cấp phim cho chương trình phim Việt giờ vàng trên HTV7 lúc 13g, 17g30 mỗi ngày trên HTV9 chỉ chiếu phim của hãng TFS, VTV9 hợp tác với hãng Lạc Việt khung giờ 19g50 và hãng Sao Thế Giới khung 17g30.

Việc nhà đài và các hãng phim trở thành đối tác của nhau không chỉ mang lại lợi ích cho đôi bên (đài cần phim, nhà sản xuất cần sóng) mà một mặt nào đó cũng là hướng đi đúng nhằm giải quyết bài toán nâng cao chất lượng phim truyền hình VN, vì khi đã không phải phấp phỏng lo “đầu ra”, các hãng mới có điều kiện tập trung cải tiến nội dung. Theo bà Phạm Trường Sơn: “Trong năm 2012, khung giờ 22g có lượng người xem không ổn định, có phim rating cao hơn 3.0 như Ầu ơ ví dầu, 12 bến nước, nhưng cũng có phim rating dưới mức 1.0. Do vậy, HTV quyết định chọn Sóng Vàng, Sena Film, Vietcom Film là ba công ty mà trong thời gian qua có sản phẩm chất lượng đồng đều, với hy vọng giúp rating khung giờ này sớm đi vào ổn định”.

Câu hỏi về chất lượng phim liệu có được nâng cao như mong muốn của nhà đài - nhà sản xuất hay không thì vẫn còn phải chờ thời gian trả lời nhưng ít ra sự hợp tác này cũng có tác dụng tích cực là giúp thanh lọc những nhà sản xuất có năng lực thực sự. Giữa thời buổi nhà nhà làm phim truyền hình, người người làm phim truyền hình như hiện nay, cách làm này càng chứng tỏ câu: “đường dài mới biết ngựa hay”.

 Nguyễn Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI