Đường dài cho thời trang xanh ở Việt Nam

06/08/2022 - 06:47

PNO - Việc hướng ngành thời trang đến mục tiêu thân thiện môi trường là hợp xu thế thời đại. Tuy nhiên, để mục tiêu này phát triển dài lâu, rộng khắp là bài toán rất khó.

 

Trang phục làm từ vải sợi than dừa  của nhà thiết kế Võ Hoàng Long
Trang phục làm từ vải sợi than dừa của nhà thiết kế Võ Hoàng Long

Nhận thức bắt đầu thay đổi 

Rác thải, ô nhiễm từ ngành công nghiệp thời trang là vấn đề được bàn thảo nhiều năm qua. Theo các báo cáo, ngành thời trang tạo ra đến 10% khí thải CO2 trên toàn cầu, sử dụng 93 tỷ m3 nước/năm và là 20% của những tác nhân gây ô nhiễm nguồn nước… Mỗi năm, có đến hàng chục triệu tấn vải phế liệu bị thải bỏ. Con số này dự kiến tiếp tục tăng thêm. 

Trên thế giới, nhiều thương hiệu đã hướng đến việc sản xuất sản phẩm từ chất liệu thân thiện với môi trường nhằm góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực. Chẳng hạn, Balenciaga trình làng áo khoác da từ sợi nấm; Stella McCartney làm túi da bằng chất thải từ nho trong các nhà máy rượu vang ở Ý; Atlein tạo ra những chiếc áo từ viên cà phê nén Nespresso; Vollebak đã cho ra mắt áo phông từ bột bạch đàn, sồi, tảo…

Chiếc váy làm từ giấm ăn của nhà thiết kế Trần Hùng  do người đẹp Hương Ly diện tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022
Chiếc váy làm từ giấm ăn của nhà thiết kế Trần Hùng do người đẹp Hương Ly diện tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022

Tại Việt Nam, trước đây, chủ đề thời trang xanh cũng đôi lần được mang ra bàn luận nhưng gần đây mới có nhiều động thái cụ thể. Mẫu váy dạ hội, áo sơ mi từ giấm ăn do nhà thiết kế (NTK) Trần Hùng thực hiện để người đẹp Hương Ly diện trong cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam đã thu hút sự chú ý của dư luận trong nước và quốc tế. Trước đó, NTK này cũng tiên phong giới thiệu những mẫu thiết kế từ vải vụn được đánh giá cao về chất lượng, thẩm mỹ.

Trong khuôn khổ Tuần lễ Thời trang Quốc tế Việt Nam diễn ra vào cuối tháng Năm, NTK Võ Công Khanh, Adrian Anh Tuấn, Hoàng Minh Hà giới thiệu trang phục với chất liệu vải làm từ bã cà phê, vỏ hàu, nhựa tái chế… Thật ra, trước đó cũng từng có những show diễn, bộ sưu tập mang danh nghĩa tái chế nhưng không có tính ứng dụng. Hội thảo với chủ đề “Chất liệu tự nhiên cho thời trang và nội thất” cũng góp phần tô đậm thông điệp thời trang xanh. 

Đầu năm nay, tại sự kiện Green Path - Con đường xanh, vải được làm từ sợi cà phê, sợi sen, sợi vỏ sò, sợi dừa, sợi bạc hà được giới thiệu, với dự báo sẽ đưa ra hướng đi mới cho ngành thời trang nước nhà. Giữa tháng Bảy, workshop nhuộm vải từ hoa lá thiên nhiên được tổ chức tại Trường đại học Tôn Đức Thắng cũng thu hút sự quan tâm của người làm nghề, đặc biệt là các nhân tố trẻ.

Những đặc tính nổi trội 

Cận cảnh chất liệu vải giấm trước khi được mang đi phơi
Cận cảnh chất liệu vải giấm trước khi được mang đi phơi

Bã cà phê trước đây thường được bỏ đi, nay đã có một đời sống mới khi kết hợp với vi nhựa tái chế theo tỷ lệ thích hợp để trở thành một loại vải đặc biệt sau khi trải qua năm công đoạn. Đặc tính nổi trội của vải sợi cà phê là có khả năng khử mùi cơ thể, độ thấm hút cao, chống nắng, nhanh khô, mềm mại, an toàn cho da.

Vải sợi hàu được kết hợp từ chai nhựa tái chế và bột vỏ hàu ứng dụng công nghệ nano hóa để tạo nên hạt nhựa hàu. Vải có khả năng chống tĩnh điện, chống nắng, nhanh khô… Vải sợi sen có khả năng tự làm sạch bề mặt, chống nắng…

Chất liệu vải da làm từ giấm ăn được gọi là Scoby. Scoby được nuôi trong nước trà, đường; trông giống cao su đục. Sau ba tuần, Scoby phát triển thành mảng to, dày hơn 1,5cm. Sau đó, mảng da này được mang đi phơi 3 - 8 ngày tùy điều kiện nắng, nhiệt độ trước khi được phủ một lớp sáp ong, trở thành mảnh da như da thông thường. 

Nhờ có nguồn gốc thiên nhiên, các chất liệu này cũng dễ dàng phân hủy hơn so với sợi tổng hợp, khả năng gây hại cho môi trường cũng được giảm thiểu. 

“Trong bối cảnh ngày nay, việc nhìn nhận đúng vai trò của phát triển bền vững trong thời trang là cần thiết. Đây không phải là xu hướng nhất thời mà nên được nhìn nhận như một hướng đi tương lai của ngành. Trong đó, chất liệu đóng vai trò nền tảng, cốt lõi của sự bền vững. Việc hướng đến chất liệu thân thiện với môi trường cùng xây dựng chu trình xanh trong sản xuất là rất quan trọng” - trích thư của NTK Nguyễn Công Trí được chia sẻ trong hội thảo “Chất liệu tự nhiên cho thời trang và nội thất”.

Đường dài có dễ? 

Váy làm từ vải sợi vỏ hàu
Váy làm từ vải sợi vỏ hàu

So với quy mô thị trường thời trang hiện tại, những nỗ lực tại Việt Nam còn khá ít ỏi. Tuy nhiên, đây cũng là tín hiệu khả quan cho thấy nhận thức của người trong nghề và người tiêu dùng đã bắt đầu thay đổi. 

“Hiện tại, nhiều tổ chức và thương hiệu thời trang tại Việt Nam bắt đầu quan tâm và hoạt động tích cực vì một nền thời trang bền vững. Không chỉ thông qua một vài bộ sưu tập để khẳng định, bền vững ở đây phải là một hành trình dài. Vì thế, với những gì ở hiện tại, rất khó để nói chính xác chúng ta đang ở đâu trong hành trình này” - NTK Trần Hùng chia sẻ. 

Trong khi đó, một NTK khác cho rằng, những động thái vừa qua tuy tạo nên sự ảnh hưởng nhất định nhưng cũng chỉ dừng ở việc quảng bá, truyền thông. Bởi lẽ thị trường thời trang Việt vẫn đang trong quá trình phát triển và sự ưu tiên vẫn là những chất liệu tiện dụng, giá thành vừa túi tiền.

Theo NTK Võ Công Khanh, các chất liệu thân thiện với môi trường đã qua xử lý kỹ lưỡng nên tính chất giống như vải thông thường. Vì thế, quá trình cắt may, dựng phom đều khá dễ dàng. Chúng hoàn toàn có thể ứng dụng vào thời trang thường nhật. 

NTK Adrian Anh Tuấn cho biết giá thành mỗi mét vải làm từ vỏ hàu dao động từ vài trăm ngàn đồng đến hơn 1 triệu đồng tùy độ dày, họa tiết… Giá này cao gấp bốn lần so với giá vải sợi tổng hợp công nghiệp. 

Mẫu thiết kế làm từ vải vụn của Trần Hùng
Mẫu thiết kế làm từ vải vụn của Trần Hùng

Hầu hết các chất liệu thân thiện môi trường đều có công nghệ xử lý khá phức tạp hoặc việc đầu tư cho nguyên liệu đầu vào tốn kém; tốn thêm chi phí cho bên thứ ba xác nhận chất lượng; chưa kể tiền thuê nhân công, trí tuệ sáng tạo… Vì vậy, giá thành sản phẩm khi ra thị trường khá cao. Hiện, thương hiệu của NTK Adrian Anh Tuấn đang hướng đến đối tượng khách hàng có thu nhập cao. Theo anh, việc phát triển các chất liệu này với dòng thời trang giá bình dân chắc chắn sẽ khó. Đây có thể là điểm cản trở lớn nhất để các chất liệu thân thiện môi trường được ứng dụng rộng rãi. 

Ngoài vấn đề giá thành, sự quan tâm, nhu cầu thực sự của người dân cũng là yếu tố quan trọng trong câu chuyện chất liệu bền vững. Bởi lẽ nếu không có cầu thì việc tạo nguồn cung cũng không ý nghĩa. Trong một bài viết của Gary Mortimer (giáo sư hành vi khách hàng và hành vi marketing tại Đại học Kỹ thuật Queensland, Úc), dẫn nguồn một nghiên cứu thương mại, cho biết 46% người tiêu dùng có xu hướng mua sản phẩm thân thiện với môi trường nhưng gần 60% trong số này không sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho chúng.

“Theo tôi, việc hướng đến thời trang xanh, bền vững hoàn toàn rất khó thực hiện bởi nhiều yếu tố: giá thành, nhu cầu của người tiêu dùng chưa cao… Theo tôi, thay đổi tư duy tiêu dùng là điều quan trọng để góp phần giảm thiểu các vấn đề môi trường liên quan đến thời trang, nhưng việc này chắc chắn không dễ để thực hiện”, NTK Trần Hùng cho hay.

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI