“Đường chiều lá rụng” thong dong mình người

20/03/2020 - 14:40

PNO - Không như các tài danh khác quá lành nghề, quá trường lớp, nữ danh ca của Đường chiều lá rụng truyền đạt mọi thông điệp bằng một giọng ngân nga “bắt được của trời”.

Có một Thái Thanh sơ-mi - quần jeans, đứng tựa lưng vào các giá kệ trong một tiệm sách và hát bung trời như cánh chim reo vui…

Nữ danh ca của Việt Nam đi vào cõi vĩnh hằng lúc 11g50 sáng 17/3 tại California, Hoa Kỳ, hưởng thọ 86 tuổi. Dù đã ở khúc ngoặt “cổ lai hy” của một đời người, nhưng bao giờ cũng vậy, với những nghệ sĩ như Thái Thanh, dường như chả lúc nào đủ để người mến mộ kịp sửa soạn trước một chuyến đi dài.

Từ khởi thủy Ban hợp ca Thăng Long tại Hà Nội cuối thập niên 1940, đến phòng trà Đêm Màu Hồng ở Sài Gòn trước năm 1975, và cho đến hôm nay, tên tuổi của bà không những chồng khít cạnh Phạm Duy, Phạm Đình Chương - những nhạc sĩ giàu ảnh hưởng nhất của nền tân nhạc Việt, mà còn hơn thế nữa. Cùng với âm nhạc của các ông, giọng hát của Thái Thanh khiến cho tất cả những ai yêu nhạc đều cảm thấy “mắc nợ” họ.

Tương tự tượng đài của Con đường cái quan, Mẹ Việt Nam, Nương chiều, Kỷ niệm… bà tuy không đứng trên bục giảng với bảng đen phấn trắng, nhưng có lẽ xứng đáng là một “người thầy hàm thụ từ xa” cho nhiều thế hệ người nghe về tình yêu đối với quê hương, đất nước, con người và lịch sử nước Nam này. Người ta có thể đã ngửi được mùi nồng nàn của đất đai, vị ngọt ngào của nước sông trên dọc dài đất nước qua tiếng hát của Thái Thanh với Hội trùng dương, Tiếng dân chài, Được mùa…

Trước, trong và sau chúng ta, mãi mãi cho đến khi nào người ta có thể chán âm nhạc, thôi yêu tình ca... thì ngày đó vẫn mang ơn tiếng hát đã chuyên chở rung rinh “tự tình dân tộc” qua những khúc ca du dương, bi tráng, trĩu nặng hoài niệm.
Có một hồi tưởng vàng óng về nữ danh ca vừa lìa xa chúng ta vẫn được người trong giới kể lại. Vào khoảng năm 1985, Thái Thanh sang Mỹ định cư. Ca sĩ Kim Tước mời bà đến một buổi họp mặt tại một tiệm sách nhỏ vùng Cali. Cả hai, sau nhiều năm, đều chưa được đứng hát trước công chúng, và… lần đó cũng vẫn là như vậy.

Như những con chim sơn ca bị tịnh khẩu lâu ngày, giờ bay bổng giữa bầu trời, rồi “ngứa cổ” hát chơi, thế thôi. Họ không có khán giả, vỏn vẹn mấy tay nhà văn, nhà báo cũng đang “lạc bầy” giữa quê người, đương thiếu thốn “tiếng nước tôi” vậy.

Hai người vận quần jeans, áo sơ-mi trắng giản dị đứng tựa lưng vào những giá sách. Sân khấu của họ đấy. Hai nữ danh ca gặp lại nhau rồi cứ thế luân phiên mỗi người hát một vài bài. Bà nọ đẩy cho bà kia, tớ hát bài này nhé, cậu hát bài đó đi… với một tiếng đàn thùng.

Buổi “trình diễn” mà tất cả người có mặt hôm ấy không thể quên, phải gìn giữ như một quà tặng quý giá. Khán giả nghe và cũng có lẽ chưa bao giờ nghe Thái Thanh hát hay như thế, gần gũi đến thế. Thử tưởng tượng hai ca sĩ hàng đầu ấy đã hát bằng cái cách của người đã lâu không được hát, với những bản nhạc cực khó của nền tân nhạc. 

Cùng thời với Thái Thanh có quá nhiều người hát hay, nhưng bà lại được mến mộ nhất. Bởi không như các tài danh khác quá lành nghề, quá trường lớp, nữ danh ca của Đường chiều lá rụng truyền đạt mọi thông điệp bằng một giọng ngân nga “bắt được của trời”.

Nhắc đến một trong những ca khúc mà chính tác giả của nó cũng phải thừa nhận trong hồi ký Một đời nhìn lại: “Bài Đường chiều lá rụng rất khó hát so với các ca khúc khác của tôi, nét nhạc và chuyển điệu của nó khá mới lạ, cho tới nay, chỉ có Thái Thanh, Kim Tước và Quỳnh Giao hát nó mà thôi”. Đó là theo Phạm Duy, nhưng đối với những “người tình cực đoan” của Thái Thanh, cho đến bây giờ, hầu như đó là ca khúc mà chỉ mỗi mình bà mới có thể thong dong thể hiện và mang theo nó cùng mây trời.

Có vẻ như người ta vẫn có ý “xếp hạng” nghệ sĩ sáng tác “nhỉnh” hơn một bậc so với nghệ sĩ biểu diễn. Tuy nhiên, trong trường hợp của Thái Thanh, có lẽ bà là người hiếm hoi có được sự bảo chứng của khán giả rằng Thái Thanh đã “sáng tác” một lần nữa cho những ca khúc mà bà thể hiện. Một so sánh giản dị, nếu như có một hồn dân tộc hóa vào trong những nốt nhạc của Phạm Duy, thì tiếng hát Thái Thanh hứng lấy phần hồn ấy. Mỗi lần bà cất giọng lên, tác phẩm dường như lại được khai sinh một lần nữa.

Không tin cứ thử nghe tác phẩm có ca từ giàu có, nhạc tính uyển chuyển giữa các điệu thức lúc đột ngột, lúc trầm mặc tạo ra những màu sắc lung linh như Đường chiều lá rụng sẽ thấy. Nó cần một lối trình diễn tự do phóng khoáng, ngẫu hứng của người trình bày như Thái Thanh.

Nữ danh ca đến và đi trong cuộc đời trầm bổng nhưng cũng như hình ảnh “quần jeans, áo sơ-mi trắng tựa lưng vào giá sách rồi hát”, tất cả những ai quen biết bà cũng đều biết được sự dung dị ấy hẳn là điều thường nhật của một thiếu phụ Hà thành. Một danh ca điệu đàng và một người đàn bà cực giản đơn, trong sáng. Bà đã chia sẻ món quà trời phú của mình cho tất cả những ai yêu âm nhạc, đồng thời, giữ lại cho mình tâm tình của một đất nước mở ra cùng với dòng văn nghệ 1954-1975.

Trấn Thành, Dương Triệu Vũ, Nguyễn Quang Long từ biệt danh ca Thái Thanh - Ảnh 2.

Trong cáo phó do trưởng nữ, ca sĩ Ý Lan, thay mặt tang gia kính báo, có đoạn “Vì tình trạng nguy khẩn COVID-19 hiện nay, thay cho sự tham dự chia buồn, an táng và phúng viếng, xin tất cả những tâm hồn yêu thương Tiếng-hát-vượt-thời-gian Thái Thanh hãy cùng gửi lời cầu nguyện cho Thân Mẫu của chúng tôi được an nghỉ trong yên bình”. Cáo phó thay thế thiệp tang, xin miễn phúng điếu và vòng hoa của nữ danh ca khiến công chúng yêu nhạc chỉ biết ngậm ngùi “vặn đài” nghe lại những bài hát hằn sâu trong tâm khảm. Đâu đó sẽ mãi văng vẳng “Chiều rơi trên đường vắng có ta rơi giữa chiều/ Hồn ta theo vạt nắng, theo làn gió đìu hiu...” từ những cuộc tưởng niệm nhỏ ở đâu đó trên địa cầu này và dĩ nhiên, tại quê hương ngàn đời dấu yêu của bà. 

Quốc Ngọc

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI