Dương Chí Dũng "Xin lỗi Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân"

14/12/2013 - 19:54

PNO - PNO - Ngày 14/12, tại phiên xử các “tham quan” Vinalines, đại diện VKS giữ quyền công tố đã phải thốt lên: “Các bị cáo quản lý kiểu này thì đất nước sẽ đi về đâu”?

edf40wrjww2tblPage:Content

Trong suốt 5 năm Vinalines mua ụ nổi M83, hoạt động không sinh lợi đồng nào, mà còn tốn kém, gây thiệt hại của dân, của nước trên 500 tỉ đồng....

Buộc tội

Sau phần đối đáp của các luật sư và một số bị cáo trong phiên tòa, đại diện VKS giữ quyền công tố bắt đầu phần đối đáp với các lập luận của các luật sư. Mặc dù phía luật sư biện hộ cho bị cáo đưa ra nhiều lý lẽ khác nhau nhằm chứng minh thân chủ của mình không phạm tội hoặc phạm tội nhưng không thuộc tội danh: “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Tham ô tài sản”... Nhưng đại diện VKS khẳng định cáo trạng truy tố các bị cáo tại phiên tòa là có căn cứ.

Đại diện VKS cho rằng, ý kiến của các luật sư rất nhiều nhưng tập chung ở một số vấn đề: Vinalines là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước. Toàn bộ tài sản, vật chất của Vinalines thuộc quyền quản lý của Nhà nước. Bị cáo Dương Chí Dũng trong vai trò là Chủ tịch HĐQT là đại diện cho Nhà nước quản lý tài sản tại doanh nghiệp này. Bởi vậy, việc Vinalines đứng ra vay vốn ngân hàng thì nguồn vốn này cũng thuộc tài sản của Nhà nước. Vinalines chỉ là đơn vị quản lý và sử dụng tài sản này mà thôi.

Duong Chí Dũng
Bị cáo Dương Chí Dũng nói lời sau cùng

Theo đại diện VKS, trong hành vi “cố ý làm trái…”, bị cáo Dương Chí Dũng có vai trò là chủ mưu, bị cáo Mai Văn Phúc là người cầm đầu. Các bị cáo khác đều có vai trò là đồng phạm, giúp sức các bị cáo. Nếu các bị cáo làm đúng trách nhiệm, ụ nổi 83M không thể nhập khẩu về Việt Nam được. Bị cáo Dũng đã ký quyết định đầu tư Dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam với số vốn đến hơn 6.000 tỷ đồng. Tiếp đó, Mai Văn Phúc ký quyết định thành lập đoàn khảo sát mua ụ nổi 83M. Sau khi đoàn khảo sát đi Nga về, đã báo cáo tình trạng ụ nổi xấu nhưng vẫn ký quyết định tiến hành giao dịch mua ụ nổi 83M. Dự án chưa được đưa vào quy hoạch, chưa thực hiện quy định của nhà nước về tiến hành đầu tư, Bộ GTVT chưa hề có văn bản trình lên cấp có thẩm quyền. Rõ rang, “Việc mua ụ nổi 83M là sai, không đúng với chỉ đạo của Chính phủ”, đại diện VKS nhấn mạnh.

VTV ghi nhận quá trình xét xử Dương Chí Dũng và đồng phạm

Chia nhau tiền tỉ

Một vấn đề gây nhiều tranh cãi: 83M là “tàu hay không phải là tàu biển” như trong đăng ký bằng văn bản pháp lý để có thể được nhập khẩu vào Việt Nam?. Đại diện VKS khẳng định: “Nhà nước thông qua cơ quan chuyên môn quản lý tài sản của mình theo quy phạm của pháp luật. Theo quy phạm, không có quy định về quản lý ụ nổi. Cho nên, để nhập được ụ nổi vào Việt Nam, các bị cáo đã lập hồ sơ nhập khẩu từ trình tự ban đầu đến trình tự cuối cùng đều nêu ụ nổi là tàu biển. Trong ký kết lập dự án đến thủ tục thanh toán đều thể hiện ụ nổi là tàu biển”. Bởi vậy, việc kiểm định đối với ụ nổi phải như tàu biển. Do vậy, việc Vinalines mua ụ nổi - tàu biển đã sản xuất từ năm 1965 là không đúng quy định.

Đối với 3 công chức Hải quan bị truy tố, đại diện VKS cho rằng, họ không làm đúng chức trách nhiệm vụ. Chức năng quan trọng của Hải quan là ngăn chặn những sản phẩm, hàng hóa không đảm bảo tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế vào Việt Nam. Với nhiệm vụ “gác cửa”, Hải quan phải tuân thủ theo quy phạm pháp luật của Việt Nam. “Các vị biện minh việc sử dụng tiêu chuẩn HS trong quá trình thông quan ụ nổi thì đấy chỉ là tiêu chuẩn hàng hóa”. Trước đó, VKS Nhân dân Tối cao đã có văn bản yêu cầu phía Nga hỗ trợ tư pháp và đang chờ phản hồi. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là vụ án không thể xét xử được vì hậu quả trực tiếp đã rất rõ ràng.

Đối với vấn đề ăn chia 1,67 triệu USD, đại diện cơ quan công tố cũng cho biết, cơ quan an ninh điều tra đã có kết quả xác minh của C48. Theo đó, số tiền 9 triệu USD mua ụ nổi này đã được chia làm 4 phần: Công ty Nakhodka của Nga nhận 2,3 triệu USD; Công ty AP được 700.000 USD; Vinalines nhận 1,67 triệu USD, số tiền còn lại thuộc về Công ty Global Success. “Số tiền bị chiếm đoạt đúng đến từng dấu phẩy, điều này đủ xác định được hành vi chiếm đoạt tiền Nhà nước của các bị cáo”.

Trong phần tranh tụng, các luật sư bào chữa cho bị cáo đã đề nghị tuyên các bị cáo không có tội, không đúng tội và đề nghị TAND trả hồ sơ điều tra lại. Tuy nhiên, đáp lại quan điểm của luật sư, đại diện VKS tái khẳng định: “bị cáo Dương Chí Dũng có hành vi “cố ý làm trái...” giữ vai trò chủ mưu; Mai Văn Phúc vai trò cầm đầu, các bị cáo khác đều là đồng phạm. Nếu các bị cáo làm đúng chức trách, vai trò của mình thì ụ nổi 83M không thể đưa về Việt Nam.

Về vấn đề vốn vay của Vinalines trong việc mua ụ nổi 83M có phải là của Nhà nước hay không, đại diện VKS khẳng định: Vinalines là doanh nghiệp Nhà nước, 100% vốn điều lệ là của Nhà nước. Toàn bộ tài sản từ cơ sở vật chất đến vốn phục vụ sản xuất kinh doanh đều là tài sản của Nhà nước. Dương Chí Dũng là đại diện vốn của doanh nghiệp, là người chịu trách nhiệm cao nhất về quản lý nguồn vốn của công ty. Nếu làm ăn thua lỗ thì Nhà nước phải chịu mất vốn. Các luật sư đã nhầm khi cho rằng chỉ vốn qua kho bạc mới là vốn Nhà nước mà còn là các dòng vốn huy động khác, vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Nhà nước, vốn tín dụng và vốn đầu tư khác do Nhà nước quản lý. Do vậy, vốn của Vinalines là vốn của Nhà nước”.

Đối với hành vi cố ý làm trái của các bị cáo, đại diện VKS cho rằng, quá trình mua ụ nổi khi Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam chưa được chấp nhận phê duyệt, Bộ Giao thông Vận tải cũng chưa hề có văn bản nào trình lên cấp có thẩm quyền để phê duyệt. Toàn bộ việc mua ụ nổi này không đúng với chỉ đạo của Chính phủ. “Không đúng với chỉ đạo của cấp trên thì là cố ý làm trái chứ không thể nói là thiếu trách nhiệm”, đại diện VKS khẳng định. 

Hơn 300 tỉ đồng thiệt hại chưa phải con số cuối cùng

Vị đại diện VKS phát biểu tại tòa: “Về phần ăn chia thì đã quá cụ thể, chuyển về Việt Nam với con số hoàn toàn chính xác. Tiền theo chứng từ ngân hàng đã ghi rõ là liên quan đến 83M thì đó là tiền của Vinalines chi ra rồi đưa về”. Đối với hành vi chia số tiền 1,67 triệu USD của các bị cáo, cơ quan công tố khẳng định đều hợp với lời khai của nhân chứng, hợp với lời khai của bị cáo tại tòa.

Đề cập đến vai trò của Vinalines, đại diện VKS cho rằng, khi được hỏi tại tòa, người đại diện Vinalines không biết rõ thực trạng của ụ nổi 83M đến nay như thế nào, đã tiêu hết bao nhiêu tiền. Tài liệu của cơ quan tố tụng cho thấy đến nay ụ nổi này không sinh lời được khoản nào mà còn “thâm” hơn 500 tỉ đồng, chưa dừng lại ở khoản thiệt hại hơn 367 tỉ đồng như trong cáo trạng đã nêu.

P.TR

Dương Chí Dũng "Xin lỗi Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân"

Chiều 14/12, HĐXX cho 10 bị cáo nói lời sau cùng trước tòa, bị cáo Dương Chí Dũng đã ngậm ngùi nói: "Về tội cố ý làm trái, bị cáo đã trình bày do nhận thức của hội đồng quản trị Vinalines hiểu về dự án đầu tư Nhà máy sửa chữa tàu biển Phía Nam đã được Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải đồng ý cho lập dự án. Vì hiểu cái ụ không phải là tàu nên đã có quyết định đầu tư như vậy. Trong quá trình làm việc thấy có sai sót, với cương vị là Chủ tịch hội đồng quản trị, bị cáo thấy có trách nhiệm của mình ở đây. Mặc dù giao cho anh em cấp dưới làm nhưng không kiểm tra đôn đốc sát sao, đó là khuyết điểm.

Về tội tham ô tài sản, bị cáo hoàn toàn không biết khoản tiền 1,666 triệu USD và không chỉ đạo ai làm việc này. Thực tình là không nhận đồng nào anh Sơn đưa cho. Đây là việc oan cho bị cáo. Mong HĐXX  xem xét kỹ lưỡng cho bị cáo. Bị cáo sinh ra trong một gia đình nội ngoại đều có truyền thống cách mạng. Bản thân bị cáo từ nhỏ đã nỗ lực phấn đấu cho sự nghiệp chung của gia đình và cũng học hỏi cầu thị. Bị cáo có hai bằng đại học, tiến sĩ kinh tế, đã vinh dự được là đại biểu chính thức dự Đại hội Đảng lần thứ 11.

Với cương vị chủ tịch HĐQT của Vinalines, mà để xảy ra sai phạm như thế này, thực sự bị cáo rất hối hận. Và không thể nói gì hơn, bị cáo thật lòng xin lỗi Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, toàn thể nhân dân và toàn thể cán bộ công nhân viên ngành hàng hải vì đã để xảy ra sai phạm này.... Bị cáo sai thì sai rồi. Xin hội đồng xét xử cân nhắc cho bị cáo một cơ hội để được sửa chữa sai lầm của mình!".

Dự kiến, HĐXX sẽ tuyên án vào chiều 16/12/2013.

C.M (ghi)

CHI MAI 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI