Đường cao tốc phải được làm với tốc độ cao

14/09/2024 - 07:46

PNO - Bên cạnh mở rộng 2 tuyến đường cao tốc hiện hữu đã quá tải, các cơ quan chức năng cũng đang đẩy nhanh tiến độ triển khai 4 dự án làm đường cao tốc và 2 tuyến đường vành đai.

Khi tuyến đường cao tốc của Việt Nam là TPHCM - Trung Lương được thông xe vào năm 2010, cánh tài xế rất vui mừng vì lần đầu được chạy với tốc độ 100km/h. Những chuyến xe lao vun vút trên đường rút ngắn đáng kể thời gian lưu thông.

Nút giao Mỹ Yên là một siêu nút giao tại tỉnh Long An kết nối 3 trục giao thông lớn của các khu vực phía Tây, Nam TPHCM với khu vực các tỉnh miền Tây đangđược gấp rút thi công - Ảnh: Phước Chánh
Nút giao Mỹ Yên là một siêu nút giao tại tỉnh Long An kết nối 3 trục giao thông lớn của các khu vực phía Tây, Nam TPHCM với khu vực các tỉnh miền Tây đang được gấp rút thi công - Ảnh: Phước Chánh

Thế nhưng, niềm vui này không kéo dài được lâu bởi chỉ vài năm sau đó, đường nhanh chóng bị quá tải, xe hiếm khi chạy được tốc độ tối đa. Đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây cũng diễn ra cảnh ùn ứ xe cộ tương tự.

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tuy chỉ chiếm 8% diện tích, 17% dân số cả nước nhưng hằng năm lại đóng góp hơn 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), 40% giá trị xuất khẩu, 44% tổng thu ngân sách. TPHCM là hạt nhân phát triển của vùng nhưng đến nay, chỉ có 2 tuyến đường cao tốc kết nối với các tỉnh khác với tổng chiều dài khoảng 95km.

Theo thiết kế, đường cao tốc chạy tối thiểu 60km/h và tối đa 120km/h, nhưng trên nhiều đoạn, có lúc xe phải chạy 30 - 40km/h, khi có sự cố thì phải nhích từng chút. Tốc độ lưu thông chậm khiến các tuyến đường cao tốc đánh mất vai trò rút ngắn thời gian lưu thông, kéo gần khoảng cách, tăng tính liên kết vùng, từ đó thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế, du lịch.

Theo quy hoạch, các tỉnh, thành phía Nam sẽ có hơn 1.800km đường cao tốc, trong đó riêng vùng TPHCM sẽ có 6 tuyến đường bộ cao tốc và 2 tuyến đường vành đai cao tốc với tổng chiều dài khoảng 628km. Cả 8 tuyến đều có tính liên kết mạnh giữa các khu vực kinh tế năng động phía Nam, có mật độ, lưu lượng vận tải hàng hóa sôi động nhất cả nước.

Việc hoàn thành các dự án này sẽ tạo nên mạng lưới hạ tầng hiện đại để dẫn dắt sự phát triển cho TPHCM nói riêng và cả khu vực nói chung, cộng hưởng hiệu quả với sân bay quốc tế Long Thành, cụm cảng nước sâu Thị Vải - Cái Mép.

Đầu tháng 5/2024 và mới đây, ngày 30/8, Văn phòng Chính phủ đã ra thông báo về kết luận của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, trong đó yêu cầu đẩy nhanh tiến độ mở rộng đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây lên 8-10 làn xe nhằm tháo gỡ “nút thắt cổ chai” cho trục đường quan trọng nối TPHCM với các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, đặc biệt là với sân bay Long Thành (tỉnh Đồng Nai) với công suất 25 triệu khách/năm, dự kiến hoạt động từ năm 2026.

Tương tự, tuyến đường cao tốc TPHCM - Trung Lương cũng chuẩn bị được mở rộng lên 10 làn xe để đảm bảo kết nối thông suốt TPHCM với đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh mở rộng 2 tuyến đường cao tốc hiện hữu đã quá tải, các cơ quan chức năng cũng đang đẩy nhanh tiến độ triển khai 4 dự án làm đường cao tốc và 2 tuyến đường vành đai. Trong đó, đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài là dự án giao thông liên vùng đầu tiên được HĐND, UBND TPHCM vận dụng Nghị quyết 98/2023/QH15 để điều chỉnh quy mô và kinh phí dự án thay vì phải trình cấp trung ương, giúp rút ngắn đáng kể thời gian làm thủ tục.

Tháng 6/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát động 500 ngày thi đua để hoàn thành hơn 1.000km đường cao tốc, trong đó có các tuyến đường cao tốc thuộc vùng TPHCM, giúp cả nước đạt mục tiêu có 3.000km đường cao tốc vào năm 2025 theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Các dự án làm đường cao tốc này cần được triển khai với tốc độ cao, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, “vượt nắng, thắng mưa, không thua gió bão” như chỉ đạo của Thủ tướng, để hệ thống giao thông liền mạch, thông suốt, thúc đẩy sự phát triển của đầu tàu TPHCM và cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Minh Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI