Đường cao tốc nhưng xe không nhúc nhích
Chiều 2/9, anh Nguyễn Duy Khang (quận Bình Tân, TPHCM) trở về nhà qua đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây sau khi đưa gia đình đi nghỉ lễ ở TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Quãng đường từ TP Bảo Lộc đến trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc này mất khoảng 3 giờ chạy nhưng từ trạm về nhà chỉ hơn 70km mà thời gian chạy cũng hơn 3 giờ.
Cùng ngày, đã ra khỏi TP Cần Thơ, anh Trần Văn Hưng (quận 4, TPHCM) vẫn mất khoảng 5 giờ mới về đến TPHCM qua đường cao tốc TPHCM - Trung Lương. Anh cho biết, ngày lễ, xe trên đường này rất đông, mặt đường lại xấu nên không thể chạy nhanh. Càng về gần TPHCM, mật độ xe càng dày đặc, xe phải nhích từng chút một. Trên tuyến đường này, chỉ cần có vụ va quẹt nhỏ là xe phải xếp hàng dài cả giờ.
|
Cảnh xe chạy san sát, nối đuôi nhau thường xuyên diễn ra trên đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây trong những ngày cuối tuần, dịp lễ - Ảnh: Vũ Quyền |
Từng lái ô tô trên nhiều đường cao tốc, chị Bửu Minh (quận 7, TPHCM) nhiều lần bị kẹt xe trên tuyến TPHCM - Long Thành - Dầu Giây và TPHCM - Trung Lương. Theo chị, kẹt xe là do mặt đường quá hẹp, lượng xe quá đông, ý thức của một số tài xế chưa tốt (xe chở hàng hóa nặng nhưng tài xế giành làn bên trái, không cho các xe phía sau vượt lên).
Theo chị, so với đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, mặt đường cao tốc TPHCM - Trung Lương xấu hơn, nhiều đoạn chắp vá, lốp xe dễ bị hỏng, trên đường có nhiều biển báo giảm tốc độ, không được vượt. Tốc độ trung bình trên đường cao tốc TPHCM - Trung Lương thường chỉ đạt khoảng 50 - 60km/h.
Theo Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), trong 6 tháng đầu năm 2024, đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây có 11,68 triệu lượt xe lưu thông, tăng 18,53% so với cùng kỳ năm 2023 và thường xuyên xảy ra tình trạng ùn ứ do lưu lượng tăng đột biến vào các ngày cuối tuần, lễ, tết và do sự cố hỏng xe, tai nạn.
Khó phát triển kinh tế khi giao thông ách tắc
Đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây giai đoạn 1 được đưa vào khai thác từ tháng 6/2016, có tổng chiều dài 55km. Lưu lượng xe tăng bình quân 11,12%/năm. Với 4 làn xe hiện hữu, dự báo đến năm 2025, lưu lượng xe đoạn TPHCM - Long Thành sẽ vượt 25% so với năng lực thông hành. Quy mô đầu tư giai đoạn 1 của tuyến đường cao tốc TPHCM - Trung Lương cũng được tính toán cách đây hơn 10 năm, nay không còn đáp ứng được lưu lượng xe ngày càng tăng. Nguồn: Sở Giao thông Vận tải TPHCM |
Kỹ sư cầu đường Trần Văn Tường (TPHCM) cho hay, theo Quyết định 568/QĐ-TTg ngày 8/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ, TPHCM được quy hoạch 6 tuyến đường cao tốc nhưng tới nay, chỉ có 2 tuyến được hoàn thành, đưa vào sử dụng và đều quá tải, cần được mở rộng. Đường cao tốc TPHCM - Trung Lương có hơn 50.000 lượt xe/ngày, đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây có lúc lên 80.000 lượt xe/ngày.
Theo ông, một số lối kết nối ra vào trên 2 tuyến đường cao tốc này chưa được đầu tư đồng bộ, tạo thành nút thắt cổ chai gây ùn tắc giao thông thường xuyên, như nút thắt ở đường dẫn cao tốc TPHCM - Trung Lương với Quốc lộ 1A hay đường dẫn cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây với Quốc lộ 51, nút giao An Phú. Các tuyến đường cao tốc này chưa đáp ứng được nhu cầu di chuyển của xe cộ, ảnh hưởng đến khả năng thu hút đầu tư, cơ hội phát triển kinh tế, xã hội.
Kỹ sư Trần Văn Tường cho rằng, trong tương lai, khi đưa thêm 4 tuyến đường cao tốc mới vào hoạt động, việc kết nối giao thông sẽ tốt hơn, rút ngắn thời gian đi lại giữa các địa phương, góp phần phát triển kinh tế, xã hội. Nếu tiến độ thi công các tuyến này ì ạch, đà phát triển sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Từng có thống kê rằng, TPHCM thiệt hại khoảng 6 tỉ USD/năm do ùn tắc giao thông, chưa kể ảnh hưởng xấu về môi trường, sức khỏe cộng đồng, cơ hội phát triển.
Ông Bùi Văn Quản - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM - nhận định, đường cao tốc quanh TPHCM có 4 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp như hiện nay là chưa đủ đáp ứng nhu cầu lưu thông. Tuy nhiên, nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc giao thông thường xuyên trên đường cao tốc là do việc lưu thông hỗn hợp, trong đó xe đời cũ, xe chở hàng quá tải trọng chạy chung làn với ô tô 4 chỗ, 7 chỗ. Những xe này chạy khá chậm khiến những xe khác không thể chạy với tốc độ cao, dẫn tới tình trạng kẹt xe.
|
Ô tô xếp hàng dài, ì ạch di chuyển trên đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây hướng về TPHCM chiều 2/9 - Ảnh: H.L |
Theo ông, đường cao tốc thường xuyên ùn tắc gây tốn kém rất nhiều thời gian, tiền bạc, làm tăng chi phí vận chuyển hàng hóa. Đây là vấn đề rất lớn và nghiêm trọng. Ông nói: “Chúng ta làm đường cao tốc để phát triển kinh tế, nhưng đường cao tốc cứ ùn tắc thì khó phát triển được”.
Ông cho rằng, hoạt động hiệu quả, giảm ùn tắc, cần mở rộng thêm một số làn xe trên đường cao tốc, đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định về tốc độ tối đa, tối thiểu, không thể chấp nhận tình trạng xe lên đường cao tốc mà không chạy được tốc độ cao.
4 tuyến đường cao tốc mới gồm Bến Lức - Long Thành (đang thi công nhưng chậm tiến độ), Biên Hòa - Vũng Tàu (mới khởi công trong tháng 6/2023), TPHCM - Mộc Bài (vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư), TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành (đang ở bước thủ tục chuẩn bị đầu tư). |
Tai nạn trên đường cao tốc chủ yếu do lỗi tài xế Theo Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), trong 7 tháng đầu năm 2024, trên các tuyến đường bộ cao tốc cả nước, đã xảy ra 112 vụ tai nạn giao thông, làm chết 46 người, bị thương 82 người. Phần lớn các vụ tai nạn này gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Trong số đó, có 57,14% vụ xảy ra trong khoảng từ 18g hôm trước đến 6g hôm sau. Cục Cảnh sát giao thông xác định, nguyên nhân của các vụ tai nạn giao thông trên đường bộ cao tốc là do người lái xe chưa hoàn chỉnh kỹ năng, kiến thức khi tham gia giao thông, gồm 22,32% vụ do tài xế không chú ý quan sát; 5,3% vụ do tài xế không giữ khoảng cách an toàn với xe chạy trước liền kề; 2,67% vụ do chạy không đúng phần đường, làn đường; 2,67% vụ do không chấp hành biển báo. Tính chung mọi loại đường, trong 7 tháng đầu năm (từ ngày 15/12/2023 - 14/7/2024), cả nước xảy ra 14.242 vụ tai nạn giao thông, làm chết 6.204 người, bị thương 10.976 người, tăng 1.854 vụ (14,97%), giảm 717 người chết (10,36%), tăng 2.720 người bị thương (32,95%) so với cùng kỳ năm 2023. Riêng trên đường bộ, đã xảy ra 14.125 vụ, làm chết 6.126 người, bị thương 10.953 người, tăng 1.839 vụ (14,97%), giảm 722 người chết (10,54%), tăng 2.713 người bị thương (32,92%) so với cùng kỳ năm 2023. |
Nhóm phóng viên