Cậu học trò không biết “nửa chữ bẻ đôi”
Cho đến khi Dương Anh Vũ (sinh năm 1988) trở thành Trưởng ban cố vấn khoa học của chương trình Siêu trí tuệ Việt Nam - sân chơi dành cho những thí sinh có tài năng đặc biệt, anh vẫn còn tự ti khi nói về tuổi thơ của mình. Ngày đó, Dương Anh Vũ là cậu học trò “hiền đến mức đáng thương” ở lớp. Sự hiền lành đó vô hại với mọi người, thậm chí được hoan nghênh ở môi trường học đường nhưng không đồng nghĩa với học lực.
|
Dương Anh Vũ muốn có nhiều hơn những đơn vị, cá nhân đồng hành cùng anh để bắt đầu hành trình truyền cảm hứng |
Một người bình thường chỉ cần chín năm để hoàn thành cấp I và cấp II, nhưng với Dương Anh Vũ thì cần nhiều hơn số đó, vì anh bị lưu ban vào năm lớp Ba. Trong các năm lớp Hai, Bốn, Bảy, Tám và chín, anh đều xếp loại yếu và thi lại ít nhất hai môn. Mọi người vẫn nghĩ chí ít, việc không được lên lớp đường hoàng như bạn bè cùng trang lứa sẽ khiến cậu học trò hiền lành kia biết xấu hổ để cố gắng học tập hơn, nhưng đáng tiếc, điều đó không mảy may ảnh hưởng đến cảm xúc của Vũ.
Năm chuyển cấp từ lớp Chín sang lớp Mười, Vũ không đủ điểm sàn để được học tại trường công, chỉ còn cách học bổ túc. Cha của Vũ, một người đã từng dùng đòn roi với con mình, ngày hôm ấy, ông chỉ nói Vũ đừng đi học nữa, chuyển sang học nghề đi. Sự nhẹ nhàng hiếm thấy và vẻ mặt bất lực của người đàn ông mạnh mẽ thường ngày khiến Vũ bật khóc.
Trong mơ hồ, bao nhiêu ánh nhìn dè bĩu, bao nhiêu lần bị rầy la “tống” cho Vũ khao khát phải được đến trường để thử một lần cố gắng hơn. Dương Anh Vũ gọi đó là bước ngoặt đánh thức sự tự tôn, thức tỉnh quyết tâm rằng mình không phải là đứa con vô dụng. Vũ lao vào học hành trong sự mâu thuẫn giữa một bên là sự tự ti đến cùng cực, một bên là khao khát muốn khẳng định mình.
Để tránh ánh mắt khinh thường của mọi người, Vũ chọn học ở trường bổ túc cách nhà 12km thay vì trường cạnh nhà. Cậu bắt đầu làm bạn với thư viện mỗi khi rảnh rỗi và chỉ về nhà lúc đói, buồn ngủ và khi muốn tắm rửa. Những ngày tháng học cấp III với một buổi học trên trường, một buổi xin xuống học ở các lớp Sáu, Bảy, Tám, Chín để lấy lại kiến thức căn bản của Vũ đã ám ảnh anh đến tận hôm nay. Đám học trò cấp dưới thấy Vũ từ xa đã la toáng “thầy giáo tới kìa tụi mày” và ngày nào bọn trẻ cũng trêu chọc anh ấy như thế. Đến năm 11, thành tích học tập của Vũ đã cải thiện đáng kể. Vũ cứ lao vào sách vở như kẻ đói kiến thức, thấy điều gì mới cũng muốn ghi nhớ để chí ít, cậu thỏa được mong muốn học hỏi mà 10 năm đến trường trước đó không có được.
“Đến lúc cảm thấy tốc độ ghi nhớ của mình bắt đầu giảm, khả năng nạp dữ liệu không còn được tốt như trước, tôi mới bắt đầu nghĩ đến việc tìm cách rèn luyện trí nhớ. Ban đầu, tôi học theo Sơ đồ tư duy Tony Buzan, nhưng đến thời điểm, tôi nghĩ mình nên tạo một phương pháp ghi nhớ phù hợp hơn cho bản thân. Thế là trong một tháng sau đó, tôi đã tao hệ thống “tư duy mạng nhện/spider web thinking”. Tôi biến tất cả kiến thức thành từ khóa và kết nối, sắp xếp chúng lại theo cách thức chúng hình thành dựa trên nguyên lý: bản chất tri thức chúng chưa bao giờ tự tồn tại một cách độc lập, cũng như “vân đồ” chúng kết nối với nhau ở quá khứ và tương lai…
|
Dương Anh Vũ vẫn đang trên hành trình chia sẻ nguồn cảm hứng bất tận về nội lực bên trong của con người |
Hoài bão lớn từ sơ đồ hình nhện
Sơ đồ tư duy Tony Buzan ban đầu được Dương Anh Vũ nghiên cứu cùng với một số phương pháp khác để tìm ra cách tối ưu hóa “trí nhớ học thuật” (trí nhớ dài, ít mất đi qua thời gian, trái ngược với trí nhớ ngắn, chỉ tồn tại trong 24 giờ hoặc vài ngày thì sẽ mất đi). “Những ngày đầu năm hai, tôi bắt đầu luyện bằng các phương pháp “trí nhớ ngắn” nhưng gặp rất nhiều khó khăn, vì kiến thức tôi lưu trữ ở dạng này đều mất đi sau vài ngày, lúc đó tôi nghĩ: nếu học mà không nhớ được kiến thức, thì học để làm gì… Tôi cảm thấy đau khổ tột cùng vì những suy nghĩ đó.
Tôi đọc sách viết về những cách rèn trí nhớ và đúc kết rằng mỗi chúng ta là một tiểu vũ trụ khác nhau. Thứ nhất, bạn hãy thôi huyễn hoặc rằng có phương pháp, mình sẽ siêu phàm. Thứ hai, bạn phải biết đâu là phương pháp phù hợp với mình, sẽ không bao giờ có một phương pháp chung cho cả nhân loại”.
Vũ cho biết, khi ứng dụng sơ đồ tư duy mạng nhện anh không vẽ chúng ra giấy như Mindmap của Tony Buzan, anh dựng mô hình trong chính tâm thức của mình. “Một mô hình 3D với các dữ kiện được sắp xếp logic cứ hiện lên trong đầu để nếu cần, tôi có thể sử dụng nhanh chóng. Luyện tập theo hình thức này ban đầu không dễ nhưng khi quen dần, nhiều nhánh dữ kiện được hình thành, rất dễ tái hiện và trích xuất dữ liệu rất nhanh, đó là lý do tại sao trong bốn kỷ lục thế giới, tôi có thể nhớ hơn 650.000 trang giấy A4 dữ liệu khoa học tổng hợp.
Cho đến hôm nay, vẫn chưa có số liệu chính xác về dung lượng bộ nhớ của con người. Trí nhớ của con người cũng giống như những cuốn sách rời rạc trong thư viện, nếu người ta không xếp sách lên kệ theo chủ đề, đánh số mà lại đổ chúng thành đống, để tìm một cuốn sách ngay lập tức là điều không thể. Cho nên để lưu trữ lâu và trích xuất dữ liệu nhanh, chúng ta phải xếp kiến thức của mình một cách có trật tự trong não, khi cần dùng thì có thể tìm ra được ngay”.
Sau bốn năm học đại học tại Việt Nam, Dương Anh Vũ nhận học bổng du học thạc sĩ ở New Zealand. Sau khi trở về Việt Nam, năm 2015, Vũ được Sách kỷ lục Thái Lan xác lập kỷ lục trí nhớ học thuật, trở thành người nước ngoài duy nhất được Thái Lan tôn vinh về trí nhớ. Con đường lập nên những kỷ lục về trí nhớ học thuật của Dương Anh Vũ bắt đầu và chỉ một năm sau đó anh đã xác lập bốn kỷ lục trí nhớ học thuật thế giới.
Hiện tại, Dương Anh Vũ đang đảm nhận vai trò cố vấn, hỗ trợ các dự án liên quan đến nghiên cứu khoa học, giáo dục, tài chính kinh tế... cho nhiều quốc gia, tập đoàn khác nhau. Tại Việt Nam, Dương Anh Vũ vẫn đang trên hành trình chia sẻ nguồn cảm hứng bất tận về nội lực của con người. Life - Nothing is impossible là chương trình đã đưa Vũ đến hàng trăm trường học trên cả nước để khơi niềm đam mê tri thức, để nói rằng không gì là không thể nếu chúng ta cố gắng.
Dương Anh Vũ muốn có nhiều hơn những đơn vị, cá nhân cùng anh để bắt đầu hành trình truyền cảm hứng đó. Vũ nói anh là một ví dụ thuyết phục nếu mọi người biết về xuất phát điểm của anh, về hành trình anh đã đi qua và những câu chuyện giàu cảm xúc từ nhiều người khác trên thế giới. Vũ nói anh không ngại đến vùng sâu vùng xa, không ngại làm những công việc không tên chỉ cần trao cho anh cơ hội. Dương Anh Vũ tin nội lực của con người là vô hạn, chỉ cần khơi đúng, kết quả nhận được sẽ khiến mọi người vỡ òa.
Năm 2016, Dương Anh Vũ được Quỹ Nghiên cứu Hỗ trợ Kỷ lục thế giới (Research Foundation Assist World Records), Sách Kỷ lục Thế giới High Range (HighRange Book of World Records) và Sách Kỷ lục Incredible (Incredible Book of Records) công nhận lập bốn kỷ lục về trí nhớ học thuật. Dương Anh Vũ có khả năng nhớ 108 hệ thống dữ liệu thống kê toàn cầu với 22.248 mục, trong đó chứa 41.725 con số, 18.725 mục dữ liệu chữ; nhớ được 1.022 tác phẩm văn chương Việt Nam và thế giới; nhớ được toàn bộ bản đồ thế giới khổ lớn nhất, với 5.500 địa danh bằng 5 ngôn ngữ; nhớ 10.056 mốc sự kiện trải qua 7.000 năm lịch sử thế giới; nhớ được 20.000 số Pi trong toán học. Vũ có khả năng phản xạ trí nhớ đạt tốc độ 1/2 giây. Hiện, Dương Anh Vũ đã nhận được học bổng toàn phần nghiên cứu sinh tại Đại học Leeds (Anh). Anh được mời giữ vị trí Trưởng ban Cố vấn khoa học Game show Siêu trí tuệ Việt Nam 2019; Đại sứ trí tuệ cho UNESCO - CEP 2018; trợ lý nghiên cứu cho Viện IIEP - UNESCO 2016 - 2019 |
Diễm Mi