Đường ăn kiêng là nhóm các chất tạo ngọt nhân tạo, hầu hết có độ ngọt cao gấp nhiều lần nhưng cung cấp năng lượng ít hơn so với đường kính. Loại đường này thích hợp cho người ăn kiêng hoặc cần chế độ dinh dưỡng cân đối trong phòng ngừa và điều trị các bệnh mạn tính không lây nhiễm như: béo phì, đái tháo đường, xơ vữa động mạch…
Tuy nhiên, nếu dùng không đúng sẽ rước hại vào thân.
Chọn đường ăn kiêng nào
BS Lê Kim Huệ - Trưởng khoa Truyền thông, Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, cho biết các loại đường nhân tạo gồm:
Saccharin, ngọt gấp 300 - 500 lần đường thường, không bị hủy do nhiệt, mức an toàn để sử dụng là 5mg/kg/ngày;
Aspartam, ngọt gấp 160 - 200 lần đường thường, dễ bị hủy do nhiệt nên chỉ sử dụng khi chế biến xong, mức an toàn 40mg/kg/ngày;
Sucralose, ngọt gấp 600 lần đường thường, ổn định với nhiệt độ, mức an toàn 9mg/kg/ngày;
Acesulfam K, ngọt gấp 200 lần đường thường, ổn định với nhiệt độ, khi sử dụng riêng có vị hơi đắng, nên cần kết hợp các chất tạo ngọt khác, mức an toàn 15mg/kg/ngày;
Cyclamat có độ ngọt thấp nhất trong các chất tạo ngọt nhân tạo, bền với nhiệt độ, liều lượng 11mg/kg/ngày. Các chất tạo ngọt trên thường được sử dụng trong công nghiệp dược phẩm, thực phẩm, không dùng chế biến bữa ăn hàng ngày. Nhưng thực tế, không ít người nhầm lẫn đường ăn kiêng không hại nên lạm dụng.
Chị H.T.L. (45 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM), than: “Bố tôi bị bệnh tiểu đường nên ông dùng đường ăn kiêng thay thế đường kính. Nhưng tính ra một ngày ông nạp vào người lượng lớn đường ăn kiêng vì uống cà phê, trà, nước trái cây… ông đều cho đường theo thói quen, sở thích. Chưa kể, trong khẩu phần ăn của ông còn có một số loại trái cây chứa nhiều đường như nhãn, vải, dưa hấu… nhưng nhắc thì ông cứ gạt, tôi rất lo”.
|
Ảnh minh họa: Internet |
Trong khi đó, nhiều sản phẩm đường ăn kiêng trên nhãn không có hướng dẫn cụ thể về cách dùng, liều lượng, chỉ ghi chung chung “một gói đường có độ ngọt tương đương hai muỗng đường, dùng trực tiếp, thích hợp cho người ăn kiêng, giảm cân và người mắc bệnh tiểu đường…”, hay “dùng làm chất tạo ngọt, thay thế các loại đường mía. Liều lượng: một muỗng/lần hoặc hơn tùy theo khẩu vị...”.
Ngoài ra, có nhiều sản phẩm nước ngọt, nước trái cây, bánh kẹo, chewinggum… trên nhãn ghi “sugarfree” (không chứa đường) hoặc “diet” (kiêng) để khẳng định rằ ng sản phẩm không chứa đường kính mà dùng đường hóa học, đường nhân tạo hoặc các loại đường thay thế. Không ít người mắc bệnh tiểu đường, béo phì vẫn vô tư dùng mà không biết rằng nhiều sản phẩm cộng lại thì lượng đường nạp vào cơ thể sẽ cao.
Theo khuyến cáo của các BS, thực phẩm được tiếp thị là sugar-free không có nghĩa là hoàn toàn không có calorie. Sử dụng quá nhiều thực phẩm loạ i nà y có thể vẫn tăng cân nếu các thành phần khác trong sản phẩm có chứa năng lượng. Đáng lưu ý, thực phẩm chế biến sẵn thường chứa các loại đường thay thế, nhìn chung không mang đến lợi ích cho sức khỏe bằng các loại thực phẩm tự nhiên như rau và trái cây.
BS Huệ cho biết thêm, đường ăn kiêng được chiết xuất từ cây cỏ ngọt, có độ ngọt gấp 300 lần so với đường thường, không tăng đường huyết, không tăng năng lượng, an toàn cho sức khỏe. Đường tự nhiên từ trái cây, mật ong, mật đường… là các loại đường tốt cho sức khỏe hơn đường thường hoặc các loại đường thay thế.
Tuy nhiên, có một số trái cây có chỉ số đường huyết khá cao như: dưa hấu, nhãn, sầu riêng… người bệnh đái tháo đường và béo phì nên hạn chế vì sử dụng nhiều sẽ gây tăng cân, tăng đường huyết.
Không dùng quá liều lượng
Theo BS Huệ, đường ăn kiêng được sử dụng đúng cách (loại, liều lượng) giúp người bệnh thỏa mãn nhu cầu ăn uống, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tuy nhiên, không nên lạm dụng đường ăn kiêng trong ăn uống hàng ngày vì có thể gây một số hậu quả: nhức đầu, đau bụng, buồn nôn, táo bón, ung thư (đường aspartam). “Nhiều người sai lầm khi sử dụng đường ăn kiêng quá liều vì cho rằng loại đường này không gây tăng đường huyết; dùng chế biến thức ăn ở nhiệt độ cao làm mất tác dụng. Đặc biệt là dùng chế biến bữa ăn cho gia đình, có thể gây nguy hại cho thai nhi…”,
BS Huệ nhấn mạnh. Người bệnh đái tháo đường, béo phì nếu dùng đường ăn kiêng nhiều sẽ không kiểm soát tốt đường huyết, cân nặng và có thể dẫn đến biến chứng nặng hơn. Cần phải kiểm tra đường huyết định kỳ và đột xuất, đặc biệt sau khi sử dụng một loại đường ăn kiêng mới để kiểm tra về mức độ tăng đường huyết, từ đó điều chỉnh liều lượng thích hợp.
Đường bắp hay đường củ cải tuy có độ ngọt kém nhưng dùng với số lượng nhiều để đạt độ ngọt vừa ý cũng gây nguy hiểm vì làm tăng đường huyết và tạo ra nhiều năng lượng.
Theo khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng Việt Nam, nên hạn chế sử dụng đường và các thức ăn hoặc thức uống quá ngọt. Nhu cầu đường khoảng 20g/ người/ngày (bốn muỗng cà phê). Những người béo phì, đái tháo đường nên hạn chế đường tinh luyện, đường mía (đường sucrose), thức ăn và thức uống ngọt.
Nên sử dụng đường glucose, fructose từ trái cây (ngoại trừ dưa hấu, nhãn, sầu riêng) hoặc đường ăn kiêng. Riêng người bệnh cần đến BS chuyên khoa để được tư vấn về liều lượng và cách sử dụng.
Nguyễn Cầm