Đường 1C - để huyền thoại không bị lãng quên

23/04/2024 - 06:06

PNO - Thành lập năm 1967, tuyến vận tải 1C đã in dấu chân của khoảng 800 thanh niên xung phong. Họ đã lấy cả tuổi thanh xuân, xương máu của mình để làm nên con đường lịch sử.

Có một lối mòn trên đất mẹ

Tháng 6/1967, đường tiếp tế của Trung ương vào chiến trường Tây Nam Bộ trên biển bị địch phát hiện. Trong tình hình các phương tiện chiến tranh chi viện theo đường 559 (đường Hồ Chí Minh trên bộ) mới chỉ đến được miền Đông Nam Bộ, Khu ủy, Khu đoàn Tây Nam Bộ và Bộ Tư lệnh Quân khu 9 chỉ đạo thực hiện tuyến đường vận tải 1C nối tiếp đường Hồ Chí Minh từ Tây Ninh đi trên đất bạn Campuchia về Vĩnh Điều (nay thuộc huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) và Cái Nứa, Ba Đình, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang.

Những nam nữ thanh niên xung phong  lội kênh chuyển hàng trên tuyến đường 1C - Ảnh tư liệu
Những nam nữ thanh niên xung phong lội kênh chuyển hàng trên tuyến đường 1C - Ảnh tư liệu

Tổ chức thực hiện tuyến đường 1C là lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) Tây Nam Bộ. Họ làm dân công hỏa tuyến, xây dựng các con đường phục vụ kháng chiến, dẫn đường cho bộ đội, vận chuyển thư từ, hàng hóa, thương binh... Bà Lâm Thị Minh Tâm - người từng giữ chức Trung đội trưởng, Phó chính trị viên đại đội TNXP - kể về cung đường đặc biệt kéo dài từ lộ Cái Sắn đến kênh Vĩnh Tế mà bà cùng đồng đội từng một thời ngược xuôi.

Đây là con kênh nằm giữa Việt Nam - Campuchia, là nơi diễn ra những trận đánh ác liệt đến mức được TNXP gọi là “kênh Vĩnh Biệt”. Với địa hình phức tạp, đi lại khó khăn, mùa nước nổi di chuyển chủ yếu bằng xuồng ba lá. Mỗi chiếc xuồng mong manh chở 400 - 500kg hàng hóa. Ngoài ra còn có thuyền độc mộc chở được nhiều hơn. Mùa khô thì chuyển sang đi đường bộ. Nhưng vào mùa lỡ nước - lỡ khô thì chèo xuồng, đến đoạn khô thì vác xuồng, vác vũ khí đi bộ. Mỗi xuồng thường có 2 người, nhưng đôi lúc chỉ có một...

Mỗi ngày, các nữ TNXP nhận hàng lúc 5 giờ chiều, chuyển hàng đến trạm rồi đổi xuồng để quay về trước khi trời sáng. Có đợt đi liên tục 29 ngày trong tháng. Người lúc nào cũng ướt, nhưng có những người đã giấu nhẹm chuyện mình bị bệnh để được đi làm nhiệm vụ.

Để giữ vững con đường huyết mạch phục vụ vận chuyển vũ khí, các phương tiện chiến tranh và đưa quân từ miền Bắc vào, hàng trăm “bông hoa” đã ngã xuống. Bà Đoàn Thị Hồng Thắm - Tiểu đội trưởng TNXP tuyến đường 1C - không thể nào quên người đồng đội đã nằm lại trên tuyến đường này. Đó là bà Võ Thị Hồng Láng - người con gái Cà Mau ở đội Nguyễn Việt Khái 2. Trong một chuyến vận chuyển hàng từ Campuchia về, khi chỉ còn cách kênh Vĩnh Tế chừng 500m thì bà Hồng Thắm và đồng đội bị địch phục kích. Họ đã chiến đấu dũng cảm để vượt vòng vây, nhưng về đến trạm thì không thấy đồng chí của mình.

“Hồng Láng bị thương nặng, bị địch bắt về đồn Vĩnh Điều. Dù địch đã tìm mọi cách thuyết phục, dụ dỗ, tra tấn nhằm tìm ra kho đạn và nơi đóng quân của Liên đội TNXP, nhưng Hồng Láng đã cắn lưỡi tự tử để bảo vệ đồng đội, đồng chí và bảo vệ tuyến đường huyết mạch của chiến trường. Chị hy sinh năm 1968” - bà Hồng Thắm kể.

Bà Đoàn Thị Hồng Thắm (ngồi giữa hàng đầu) - Tiểu đội trưởng thanh niên xung phong trên tuyến đường 1C  -  tại buổi tọa đàm “Lan tỏa giá trị truyền thống đường 1C” do Ban Liên lạc cựu cán bộ Đoàn Thanh niên phía Nam tổ chức ngày 19/4
Bà Đoàn Thị Hồng Thắm (ngồi giữa hàng đầu) - Tiểu đội trưởng thanh niên xung phong trên tuyến đường 1C - tại buổi tọa đàm “Lan tỏa giá trị truyền thống đường 1C” do Ban Liên lạc cựu cán bộ Đoàn Thanh niên phía Nam tổ chức ngày 19/4

“Kể lại” lịch sử bằng nhiều cách

Có hơn 800 con người làm nên con đường huyền thoại 1C, trong đó có đến hai phần ba là những cô gái tuổi đôi mươi, mười sáu trăng tròn. Họ đã lập nhiều chiến công như đưa đón hơn 30.000 lượt cán bộ, bộ đội, thương binh và vận chuyển hơn 13.000 tấn vũ khí cùng hàng ngàn tấn lương thực, thuốc men… về khắp các chiến trường khu 9, khu 8.

Nhưng để hoàn thành nhiệm vụ, những nam - nữ TNXP còn phải chiến đấu quyết liệt với địch để mở đường mà đi, để bảo vệ người, bảo vệ hàng, bám trụ để giữ cho đường thông suốt. Ban ngày họ sát cánh cùng bộ đội chiến đấu với địch. Đánh trận xong, bộ đội rút đi, nhưng TNXP thì vẫn bám trụ để bảo vệ đường dưới những trận mưa bom, bão đạn ngày càng khốc liệt. Đêm về, trên kênh rạch, sông ngòi, mỗi người mỗi xuồng lại vận chuyển hàng suốt đêm. Để giữ vững tuyến đường huyết mạch, gần 400 nữ TNXP đã ngã xuống.

Ngày 19/4 vừa qua, tại buổi tọa đàm “Lan tỏa giá trị truyền thống đường 1C” do Ban Liên lạc cựu cán bộ Đoàn Thanh niên phía Nam tổ chức, tiến sĩ Quách Thu Nguyệt - Phó ban Liên lạc cựu cán bộ Đoàn Thanh niên phía Nam - khẳng định, chiến tranh đã kết thúc gần 50 năm, nhưng những nỗi đau mất người thân, những di chứng chiến tranh thì vẫn âm ỉ trong mỗi gia đình, mỗi cá nhân với tư cách là những chứng nhân lịch sử. Do đó, thế hệ hôm nay và mai sau phải được biết, không được lãng quên và phải sống xứng đáng với những hy sinh của thế hệ đi trước. Và Ban Liên lạc cựu cán bộ Đoàn Thanh niên miền Nam đang cố gắng “kể lại” câu chuyện về con đường huyền thoại này.

Năm 1997, bia tưởng niệm TNXP tuyến đường 1C đã được xây dựng tại ấp Tà Êm, xã Vĩnh Điều, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang để ghi nhận những đóng góp của TNXP đường 1C. Năm 2018, Tỉnh đoàn Kiên Giang đã tu bổ, chỉnh trang và bia được xếp hạng di tích lịch sử cách mạng.

Tiến sĩ Lê Hồng Liêm (thứ tư từ trái sang) - Trưởng ban liên lạc cựu cán bộ Đoàn Thanh niên Việt Nam phía Nam - trao quyết định thành lập website Ban Liên lạc cựu cán bộ Đoàn Thanh niên Việt Nam
Tiến sĩ Lê Hồng Liêm (thứ tư từ trái sang) - Trưởng ban liên lạc cựu cán bộ Đoàn Thanh niên Việt Nam phía Nam - trao quyết định thành lập website Ban Liên lạc cựu cán bộ Đoàn Thanh niên Việt Nam

Từ năm 2023, Ban Liên lạc cựu cán bộ Đoàn miền Nam cũng đã tổ chức một loạt sự kiện truyền thông, các cuộc khảo sát với những hành trình về Cần Thơ, Cà Mau, Kiên Giang, Đồng Tháp… để giao lưu, tiếp xúc với các cựu cán bộ Đoàn Tây Nam Bộ và các chiến sĩ TNXP đã trực tiếp tham gia hoạt động trên tuyến đường 1C. Tại TPHCM, đã có 2 cuộc tọa đàm về tuyến đường 1C với mục đích tìm hiểu tận tường về lịch sử, vai trò, vị trí cũng như những thành tích, chiến công, những hy sinh, đóng góp của tuyến đường cho thắng lợi của cuộc đấu tranh thống nhất đất nước.

Bà Trịnh Thị Thanh - Phó chủ tịch Hội LHPN TPHCM - chia sẻ, tham gia tọa đàm, bà hiểu rằng, dù chiến tranh đã đi qua gần 50 năm nhưng còn nhiều người chưa biết về đường 1C, về những chiến công rất âm thầm nhưng oanh liệt của quân dân miền Nam đóng góp vào sự nghiệp cách mạng. Bà Trịnh Thị Thanh cho biết, trong thời gian tới Hội Phụ nữ sẽ tăng cường kết nối để tuyên truyền đến cán bộ, hội viên phụ nữ về những câu chuyện lịch sử thông qua những chuyến về nguồn hoặc chương trình giao lưu, gặp gỡ.

“Để tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa về giá trị, những đóng góp của đường 1C, Ban Liên lạc cựu cán bộ Đoàn miền Nam cần làm việc nhiều hơn với tỉnh Kiên Giang (điểm cuối của đường 1C), đồng thời kết nối với các tỉnh trên tuyến đường từ Tây Ninh về Kiên Giang để có kế hoạch phối hợp triển khai công tác tuyên truyền rộng rãi hơn nữa đến nhiều đối tượng.

Ngoài ra, cần tăng cường sự kết nối các cô chú, các anh chị trên tuyến đường này để nắm kỹ hơn những trường hợp khó khăn, vận động chăm lo, hỗ trợ, làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa” - bà Trịnh Thị Thanh đề xuất.

Ra mắt trang web và số hóa các hoạt động của đường 1C

Nhân buổi tọa đàm “Lan tỏa giá trị truyền thống đường 1C” vào ngày 19/4 vừa qua, Ban Liên lạc cựu cán bộ Đoàn Thanh niên Việt Nam phía Nam đã ra mắt trang web và trang số hóa đường 1C bằng công nghệ 3D (VR) để giới thiệu tuyến đường đến cán bộ, đoàn viên thanh niên và nhiều đối tượng.

Tiến sĩ Lê Hồng Liêm - Trưởng ban Liên lạc cựu cán bộ Đoàn Thanh niên Việt Nam phía Nam - cho biết: “Website được thành lập là kênh thông tin điện tử chính thức của Ban Liên lạc cựu cán bộ Đoàn Thanh niên Việt Nam phía Nam. Thông qua trang web này, đơn vị sẽ giới thiệu các hoạt động từ khi thành lập, giúp tăng khả năng tiếp cận, tương tác giữa ban liên lạc với các thành viên, tạo sự kết nối giữa các thế hệ thanh niên”.

Bạn đọc có thể truy cập đường dẫn https://cuucbdtnvnphianam.vn để tìm hiểu về tuyến đường 1C và các hoạt động của ban liên lạc.

Thu Lê

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Trần Văn liệt 24-05-2024 00:23:46

    Rất hay,và tôi để nghị có những tập phim về tuyển đường 1c,để con cháu mai sau hiểu và dời đoi nhớ ơn các anh hùng liệt sỹ đã nằm xuống trên tuyến đường 1c để đổi lấy hôm nay

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI