Đuối sức vì phải làm trụ cột

20/09/2024 - 09:13

PNO - Chị thử đặt mình vào vị trí của anh, lắng nghe xem anh có cái khó gì, từ đó mới cảm thông được. Thay vì ôm việc, chị hãy mạnh dạn giao việc cho anh, bày tỏ lòng tin anh sẽ làm được.

Chị Hạnh Dung thân mến,

Tôi năm nay 45 tuổi, nhưng đã có hơn 15 năm làm trụ cột gia đình. Xin nói rõ, tôi không phải mẹ đơn thân. Có điều, chồng tôi tính cách yếu đuối, an phận, không có tài năng gì nổi trội, cũng không chủ động trong mọi việc. Tôi chọn anh vì anh hiền lành, chung thủy, nhưng bây giờ lại cảm thấy quá mệt mỏi khi việc gì tôi cũng phải nhúng tay.

Sau dịch COVID-19, công việc làm ăn khó khăn, anh bị sa thải và từ đó đến nay nghỉ ở nhà đưa đón con, lo cơm nước cho vợ đi làm. Tôi ráng chu toàn mọi việc.

Nhưng khổ cái những việc tưởng chừng đàn ông phải rành như sửa chữa điện, nước, nhà dột, cửa hư, khóa hỏng… anh đều không biết làm, cũng không xông xáo tìm cách giải quyết, cái gì cũng chờ vợ quyết định.

Vừa rồi, nhà xuống cấp quá, tôi phải gom góp, vay mượn thêm để sửa. Và mọi việc từ thuê thợ, trông coi sửa sang, mua sắm vật tư… tôi cũng phải làm, vì để anh làm thể nào cũng sai sót, hư hỏng hoặc bị người ta qua mặt.

Dù đã dặn lòng phải luôn kìm nén nhưng càng ngày tôi càng ít tôn trọng chồng. Áp lực khiến tôi hay cáu gắt. Hiện tôi vẫn chưa làm điều gì có lỗi với anh, cũng chưa lung lay vì ai khác, nhưng nếu cứ đà này, tôi e cuộc hôn nhân của mình sớm muộn cũng có chuyện.

Ngọc Nga (Đắk Nông)

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chào chị Ngọc Nga,

Hạnh Dung chia sẻ với chị về những lao tâm, khổ trí của một người vợ khi phải mang trên vai gánh nặng kinh tế của cả gia đình. Sự phân vai trong gia đình chị (vợ lo kinh tế, chồng ở nhà) ngược với mô típ bình thường nên có nhiều bất ổn và như chị nói, việc này cũng kéo dài nhiều năm, nên đến một lúc nào đó, khi chị cảm thấy không gồng nổi thì việc bùng nổ cảm xúc tiêu cực là điều dễ hiểu.

Để giải quyết, chị hãy bắt đầu từ việc nói ra những mong muốn của mình. Chị thử tìm dịp trò chuyện cởi mở với chồng, nói ra tất cả những áp lực mà chị đang gặp phải, những điều chị mong anh san sẻ. Đàn ông ai cũng vậy, dù mạnh mẽ hay hiền lành, yếu đuối, họ đều có mong muốn được vợ tôn trọng và tin tưởng.

Xưa nay, chị nắm kinh tế và luôn giải quyết mọi việc rất ổn - điều đó có thể khiến chồng tự ti. Người không kiếm ra tiền, không có tiền trong tay thì làm việc gì cũng ngại ngần, không dám quyết, kể cả khi đó là những chuyện tưởng rất nhỏ như kêu thợ sửa cái này, cái kia.

Chị thử đặt mình vào vị trí của anh, lắng nghe xem anh có cái khó gì, từ đó mới cảm thông được. Thay vì ôm việc, chị hãy mạnh dạn giao việc cho anh, bày tỏ lòng tin anh sẽ làm được. Không ai có năng khiếu trong mọi việc, nhưng nếu nghiêm túc tập làm, làm sai chịu sửa thì sẽ có lúc làm tốt. Dịch bệnh đã qua, chị nên động viên anh ra ngoài tìm việc làm. Có thu nhập, dù ít hay nhiều, cũng giúp anh tự tin hơn.

Thực tế, không ít ông chồng khi thấy vợ tài giỏi hơn thì khó chịu, kiếm chuyện gây nhau, thậm chí ngoại tình khiến gia đình tan nát. Chồng chị hiền lành, chung thủy, yêu thương vợ con, không vướng vào tệ nạn, đó là điều đáng quý. Trong thời gian chờ anh tiến bộ và thay đổi tích cực, chị thử nghĩ về những mặt tốt của anh để nhẹ lòng hơn.

Về phía chị, đừng quá cầu toàn rồi tạo thêm áp lực cho mình. Khi nào mệt thì cứ nghỉ ngơi, dành thời gian cho bản thân. Tiền kiếm được ít thì vợ chồng tiết kiệm một chút. Giai đoạn này nên chấp nhận một cuộc sống vừa đủ, miễn là cả nhà khỏe mạnh, vui vẻ. Chúc chị sớm cân bằng cuộc sống.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI