Dưới nhãn dán của sự ô nhục

03/08/2014 - 08:04

PNO - PN - Trong đời chúng ta, có lẽ ai cũng từng làm một điều gì đó hổ thẹn (vì một lý do nào đó), cũng như một đôi lần chúng ta đã sai lầm, ngộ nhận, hay mù quáng… Đó là một thứ “nhân quyền” được phép với bất cứ ai. Cũng vì...

edf40wrjww2tblPage:Content

Tôi nhớ đến cái quyền ấy, khi đọc đề xuất của UBND TP. Hà Nội gửi lên Quốc hội, kiến nghị để hạn chế mại dâm cần công khai danh tính người mua dâm. Lâu nay, báo chí vẫn đăng hình các cô gái phải kiếm sống bằng chính thân thể mình, truyền thông thậm chí không buồn làm mờ mặt những phụ nữ rúm ró cố thu mình lại ấy. Họ nhân danh đạo đức (và pháp luật) chú thích chữ “gái gọi” vào bức ảnh.

Không ai thấy áy náy hay lấy gì làm phiền, thậm chí có sự hả hê len nhẹ trong những dòng viết miêu tả như mấy trăm đô một đêm, thủ đoạn mời gọi câu kéo đàn ông thế nào... Không ai nghĩ đến chặng đường hoàn lương (có thể) trước mắt những cô gái ấy, nghĩ đến cha mẹ già, anh chị em ruột của những con người bị dán nhãn “cave” - họ sẽ đối diện với nỗi nhục nhã thế nào? Khi bức ảnh nằm trên hàng vạn bản in, tồn tại trên các trang mạng, được chia sẻ link, thì internet vĩnh viễn không bao giờ cho những cô gái ấy được phép xóa đi quá khứ của mình.

Duoi nhan dan cua su o nhuc

Tiếp viên ăn mặc hở hang tại một nhà hàng karaoke tại quận 5. Nguồn: IThanh Niên Online.

Nhưng rồi dường như cũng nhiều người thấy bất công, khi chỉ bêu riếu “bên bán” mà không đả động gì đến “bên mua”. Ừ, phải dán nhãn tất cả, rằng “đám đấy” là cả một lũ nhơ nhớp - thì mới là công bằng xã hội (?!)

Quan điểm mà các đơn vị tư vấn với cơ quan lập pháp là: “Mua dâm là hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức xã hội, trái với thuần phong mỹ tục”, nhưng trong thực tế đời sống, nhu cầu về thị trường tình dục là có thật. Nó thật đến nỗi đã tồn tại đến hàng ngàn năm, bất chấp mọi hình thức và thể chế xã hội. Chính vì nhận thấy sự vô ích và bất khả thi của việc cấm, nên nhiều quốc gia đã hợp pháp hóa mại dâm, coi đây là một nghề để quản lý công khai và thu thuế. Cái sáng kiến - công khai danh tính người mua dâm để ngăn chặn tệ nạn mại dâm, nghe chừng hơi thô sơ và kỳ vọng hoang đường.

Tôi không khinh bỉ những người đi mua dâm, tất nhiên tôi cũng không có gì để thông cảm với họ. Đó chỉ là một câu chuyện tất yếu của đời sống, mà chúng ta phải chấp nhận. Như là chấp nhận nhu cầu tình dục giống như cử chỉ, mỗi người có một cử chỉ riêng, là cách họ lựa chọn phù hợp với lý do riêng tư và đạo đức trong quan niệm sống của mình. Xét trên khía cạnh đạo đức và sự trung thực, mua dâm thậm chí còn ít tệ hơn ngoại tình. Nó giống như người ta cần uống một cốc nước khi quá khát. Không lừa gạt ai, nó là gói mua-bán sòng phẳng.

Nhiều gia đình đổ vỡ vì ngoại tình, nhưng tôi ít gặp nhà nào tan vỡ vì có một thành viên âm thầm đi mua dâm. Chỉ khi việc mua dâm bị vỡ lở, trở thành đàm tiếu dư luận, thì chắc chắn dẫn đến tan nát cửa nhà của những người có liên quan. Trong xã hội phương Đông, danh dự gia phong là điều rất kinh khủng, nó đè lên các thành viên như một gánh nặng, kẻ nào làm hoen ố danh dự gia đình, kẻ ấy ngàn lần bị nguyền rủa - bởi tội của anh ta là khiến tất cả ruột thịt của mình phải cúi đầu nhục nhã. Nên việc công khai danh tính người mua dâm, trong bối cảnh xã hội ấy, tôi thấy là một điều dã man.

Tôi thật sự đau xót cho vợ và con của những kẻ mua dâm bị dán nhãn - những người không liên quan gì trong việc thụ hưởng thứ sung sướng trái phép và trái đạo đức kia. Họ cũng bị dán nhãn “có chồng (hoặc cha) đi mua dâm”, sẽ bị khinh bỉ - đàm tiếu - thương hại, sẽ vĩnh viễn bị vùi trong cảm giác ô nhục. Những người đi mua dâm được quyền giữ kín nỗi hổ thẹn của mình. Ngoài bí mật đen tối ấy ra, họ có thể đã là một người chồng tốt, một người cha hết lòng vì con cái, là điểm tựa và niềm kiêu hãnh của một gia đình… Và dưới ánh sáng mượn danh của sự công bằng, mọi điểm tựa - niềm tin - thậm chí là tình yêu… cũng sẽ sụp đổ dưới uy lực độc ác của cái nhãn dán vô hình nhưng luôn hiện diện…

 QUỲNH LAM

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI