Ông ta hỏi tôi còn điều gì phải làm nữa hay không. Tôi nhìn ra ngoài cửa, hoa tuyết tùng đang rơi. Bất giác, tôi đáp rằng, tôi đang làm thơ. “Làm thơ ư?”, ông ta hỏi. Tôi đáp: “Vâng, đúng rồi, làm thơ”. Ông ta nói ông ta biết thừa trò đó. “Trò gì cơ?” - tôi hỏi, trong khi một bông tuyết tùng bay lơ đễnh trong không gian. “Thì trò làm thơ đấy mà”, ông ta đáp. Ông ta bảo rằng, mọi tên nhà thơ đều nói như vậy, rằng họ đang làm nốt bài thơ, xin hãy cho họ làm nốt bài thơ này thôi. Tôi phân bua rằng, bởi trong đầu nhà thơ lúc nào cũng có một bài thơ dang dở chứ không phải họ gian giảo gì cả. Nhưng ông vẫn một mực khẳng định rằng, bọn nhà thơ chỉ bày trò thế thôi bởi vì hơn ai hết, chúng biết là một bài thơ muốn kết thúc ở đâu cũng được mà chúng cứ dài ra mãi cũng chẳng chết ai. Ông đã từng bị lừa một vố rồi và từ lần sau đừng hòng làm ông rơi vào bẫy lũ nhà thơ một lần nữa.
Trong khi ông ra rả nói, hoa tuyết tùng vẫn rơi. Gió ngoài kia chắc lớn. Một cơn giông chăng? Tôi đành bảo ông rằng, vậy ông cứ làm việc phải làm chứ về phần mình tôi cũng không biết phải làm gì hơn nữa. Ông bảo như thế đâu được, việc của ông là phải cho tôi làm nốt một điều gì đó miễn đừng làm nốt bài thơ. Nhưng tôi là nhà thơ, tôi chỉ cần làm nốt bài thơ thôi ngài ạ, chứ tôi chẳng thiết gì nữa đâu. Sau một hồi đôi co qua lại như vậy, cuối cùng ông cũng đành chịu và cho tôi làm thơ. Tôi xin ông một ngày. Ông đành đồng ý cho tôi thêm một ngày. Hình như tôi quên chưa nói rằng, ông ấy là thần chết. Ông đi rồi, hoa tuyết tùng vẫn rơi. Không có cơn giông nào đổ xuống.
Ngồi trên bậc thềm nhà ngắm tuyết tùng, tôi nhận ra mình vừa nói láo với thần chết. Tôi chẳng có bài thơ nào trong đầu. Không, tôi không làm được thơ. Tôi cũng đâu phải nhà thơ. Hoa tuyết tùng đẹp như thế, giá tôi là một nhà thơ thì hay biết mấy. Tôi đứng lên, chợt nhớ ra hôm nay là ngày hạ chí. Thế là sáng nay mình đã bỏ lỡ khoảnh khắc mặt trời lên thiên đỉnh. Năm nào tôi cũng bỏ lỡ nó. Năm nào cũng tặc lưỡi, thôi thì đợi năm sau. Tôi xếp lại đôi guốc mộc. Đêm sẽ ngắn lắm đây.
Đêm hôm ấy quả ngắn. Rạng đông vừa chớm, tôi đi. Tôi đi về hướng đông. Tôi nghe nói những cuộc thiên di vĩ đại của loài người đều là đi từ đông sang tây. Nhớ xem người châu Âu, nhớ xem Columbus. Bởi, tôi đi về hướng đông, nếu cứ đi mãi về hướng đông, có khi sẽ không còn người nào cả. Tôi đang đi đến một ngọn hải đăng.
Ngọn hải đăng ấy, lần đầu tiên tôi nhìn thấy trong một cuốn sách ảnh về thị trấn hai mươi năm trước. Một ngọn hải đăng sọc trắng xanh, nằm trên một mũi đất nhỏ ngoài khơi. Họ bảo từng có một người gác đèn biển đã chết gục ở đó vì bị lãng quên. Hồi đó, tôi và lũ bạn tiểu học, cứ đến mùa hè lại tụ tập để thám hiểm ngọn hải đăng nơi hồn ma trú ngụ. Thế mà giờ đây, những con người của mùa hè hôm ấy hẳn đã lưu lạc trên những ngọn hải đăng của chính mình, không bao giờ trở lại, với thị trấn, với tôi.
Tôi đi bộ một quãng đường dài dọc bờ nước biếc. Tôi đoán là một quãng dài, bởi từ rất nhiều thuyền cuối cùng đã thành thưa thớt và sau rốt là không còn gì cả, chỉ là biển trong sự đủ đầy mà rỗng tuếch của nó. Tôi ngồi nghỉ ở một ghềnh đá, ngắm những con cá trong suốt phát sáng rồi lại đi, tự hỏi nếu tôi đi xa hơn nữa, liệu thần chết có tìm được tôi không nhỉ. Nghĩ lại thì, không biết tại sao tôi lại nói với ông rằng, tôi muốn làm một bài thơ.
Mồ hôi tôi túa ra như tắm. Mùa hè thị trấn, mùa hè nhiệt đới, mùa hè bê tông, mùa hè công nghiệp, mùa hè kim loại, mùa hè nhà máy, mùa hè gạch vữa, mùa hè khói bụi… mùa hè đã biến thành một thứ không thể chịu đựng được. Mùa hè cũng đã biến thành một mùa hè khác, sau mấy mươi năm, khiến tôi không còn nhận ra nữa, mà có khi, nó cũng chẳng còn nhận ra tôi. Không biết mùa hè ấy đã nuốt chửng ngọn hải đăng kia chưa? Nó đã nuốt chửng rất nhiều điều trong thị trấn, một rạp hát đã biến thành một trung tâm thương mại. Rạp hát ấy, tôi đã từng khóc khi xem một bộ phim về kép diễn tuồng.
Một toán người đạp xe ngược chiều lướt qua tôi. Họ không phải người ở đây, tôi chắc thế. Những người ở đây đã đi đâu hết cả, như những người bạn cũ của tôi, có thể là cả người tôi đã từng yêu nữa, họ đều đã vụn vỡ vào một giấc mơ nào đấy, rất xa, hoặc giả tự họ đã bốc hơi thành những giấc mơ, bay lên không trung, đóng băng và đợi ngày rơi xuống.
Mùa hè chưa đánh đổ ngọn hải đăng. Từ đằng xa, tôi nhìn thấy nó và cảm nhận được lớp địa y đã hóa thạch. Tôi nhảy xuống biển, bơi đến ngọn hải đăng. Sau mỗi cái quạt tay, tôi trồi đầu mình lên để thấy ngọn hải đăng chao đảo nhòe nhoẹt trong bọt nước. Và khi chỉ còn một sải tay nữa là chạm bờ, trong cái khoảnh khắc ngắn ngủi khi đôi mắt tôi nhô khỏi bề mặt căng bóng của biển khơi để đối diện với công trình hàng hải đã hóa thành hoang địa, tôi nhận ra đó là cảnh tượng kỳ cục nhất trên đời, rằng vũ trụ đã trải qua những thăng trầm của nó chỉ để một ngày kia, có tôi, ở đây, trước một ngọn hải đăng, trong buổi sáng sau ngày hạ chí. Mọi sự va đập, dao động, cuồng loạn, gãy vỡ, chao đảo, tựu thành và tan rã, tất cả chỉ để làm nên khoảnh khắc đang sượt qua này.
Tôi bò lên mũi đất và nằm sõng soài dưới những tầng nắng chói chang. Mặt trời lên thiên đỉnh nhưng không phải đỉnh cao nhất mà nó từng có, hôm nay, ngày sau hạ chí. Mình cũng đã từng bơi ra tận đây nhưng chưa bao giờ cảm thấy sinh lực cạn kiệt đến thế. Hẳn là thần chết đang ở rất gần. Tôi nhắm mắt lại, đợi chờ ông ta đến. Âm thanh u u của nước lọt vào trong tai, như tiếng ngâm một bài thơ bát cú. Tôi sẽ nói tôi đã xong xuôi, dù tôi biết mình sẽ không làm được một bài thơ nào hết. Dẫu có là hoa tuyết tùng rơi ngay trước mặt. Dẫu có là dưới chân một ngọn hải đăng, nhìn ra mặt biển rì rào. Nếu đã là một nhà thơ, bạn có thể ngồi ở bất cứ xó xỉnh nào mà vẫn có thể viết được thơ. Trên sa mạc, xương rồng vẫn nảy mầm và ra hoa. Đấy không phải so sánh, đấy là một ẩn dụ.
Nhưng mãi mà ông ta chưa đến. Mặt trời đã hơi chếch bóng. Hay là tối nay? Ông ta cho tôi những một ngày cơ mà. Tối nay ông ta mới trở lại. Nghĩ thế, tôi hé mắt, nhổm dậy, tôi thấy đói. Dù gì tôi cũng chưa chết và trong khi chờ chết, người ta vẫn phải sống. Tôi nghĩ mình phải ăn một cái gì đó. Tôi biết phải tìm ở đâu - chính là ở chiếc vó bắt cá mà hồi ấy Jee đã để lại, cho những ngày thám hiểm. Tôi mở cửa ngọn hải đăng bỏ hoang và leo lên cái thang cheo leo han gỉ, chui lên lầu cao nhất của hải đăng nơi đầu máy chạy điện nằm im lìm như con nai sừng tấm. Cái vó nhỏ vẫn nằm chỏng chơ ở đó, như hồi ấy.
Đến lúc hoàng hôn nhập nhoạng, tôi đã bắt được một ít cá trong suốt phát sáng. Tôi bẻ đôi một con, mùi tanh oi của hàng ngàn hàng vạn năm tổ tiên nó đã tích dồn dưới lớp muối lênh đênh trong nước biển. Tôi ăn nó, ném xương vào lòng nước. Mặt trời đã xuống để lại bóng tối vô biên mà ông ta vẫn chưa trở lại. Hay là tôi đã tự đánh mất cảm giác về thời gian mà trách oan ông ta? Có lẽ vẫn chưa hết trọn một ngày. Hay là trong khoảng thời gian đợi chờ, tôi thử làm một bài thơ nhỉ? Bỏ đi. Chỉ trong có mấy tiếng mà đòi làm thơ, họa chừng Robert Frost thời mới học nghề cũng chịu. Thế là tôi lại đợi.
Trên kia, những vì tinh tú lộ mình bước ra và san sẻ chút năng lượng của hàng triệu năm ánh sáng xa xôi, cho tôi dưới một ngọn hải đăng không bao giờ còn được thắp thêm lần nào nữa. Dù vẫn biết mình sẽ không làm kịp một bài thơ, nhưng nếu kịp, tôi tin chắc câu đầu tiên của nó sẽ là: “Hoa tuyết tùng rơi, trời ơi, còn tôi sẽ chết”. Tôi lim dim mắt, đợi. Khi tôi mở mắt ra, những vì sao đã nhòa mờ cho hừng đông mật ngọt. Quái quỷ thật, vậy là cả đêm qua, ông ta đã không tới? Ông ta quên tôi chăng? Thật là lẩm cẩm. Thần chết mà lại quên đi lấy mạng con người. Sao thần linh mà cũng tắc trách quá? Tôi biết đôi khi mình cũng quên khuấy việc này việc nọ nhưng việc của tôi toàn những trò vặt vãnh. Còn ông ta, ông ta là thần chết. Ông ta mà quên lấy mạng con người thì nguy hiểm quá. Người ta sẽ sinh sôi nảy nở nhiều như cỏ dại, người ta sẽ cứ sống mãi, sống đến chán chết đi mà cũng không thể nào chết được.
Tôi gần như khát khô cho đến khi một cơn mưa ập lên đầu, sau hai buổi bình minh, và tôi hớp lấy hớp để những giọt nước bắn tung tóe. Ông thần chết đã lỡ hẹn hoặc là tôi đã đi xa quá đến nỗi ông ta không tìm nổi nữa. Có lẽ tôi nên bơi trở lại chăng? Tôi nhìn về phía bờ cát, cuộc sống có lẽ vẫn đang diễn ra tại đó. Nhưng cuối cùng tôi cũng chỉ nhìn về phía nó. Phải chăng người gác đèn biển năm nào cũng đã như tôi? Ông chết không phải vì người ta đã lãng quên ông, mà bởi ông muốn tự loại bỏ một chân của mình trong ván bài cuộc sống? Và tôi sẽ đợi, đợi thần chết, dưới ngọn hải đăng.
Thế là, từ hôm đó, tôi cứ đợi. Tôi tỉnh dậy vào sáng sớm, bắt những con cá, mút tủy chúng, rồi chờ những cơn mưa, thường là không quá khan hiếm, bởi đang là tháng Sáu, cũng có thể là tháng Bảy mà tôi quên mất. Ngày nào cũng vậy, chỉ có điều mãi mà ông ta không tới. Mỗi tối khi nhắm mắt, tôi đều chập chờn mơ mơ tỉnh tỉnh, sợ rằng ông ta sẽ đột ngột bay vào, thế mà không thấy ông đâu, tôi vẫn thức dậy, như bình thường. Luôn là một ngày bình thường như mọi ngày, ta làm việc nọ, ta làm việc kia, chờ thần chết.
Rồi một ngày cũng có chuyện xảy ra. Từ trên tầng cao của ngọn hải đăng, tôi thấy một cái ghe nhỏ, xành xạch bơi từ bãi, hướng về phía nơi tôi đang đứng. Ghe có hai người, một người lái ghe, một người là cậu thanh niên đen bóng. Cậu thanh niên đen bóng bước xuống, tay khua khua như muốn gọi.
Cậu ta hỏi tôi không được thông báo gì sao. Tôi nói tôi chẳng được thông báo gì. Cậu ta lại hỏi tôi làm gì ở đây. Tôi đáp tôi sống ở đây. Quả tôi đã có nói dối, kỳ thực tôi chỉ đang sống đợi thần chết thôi chứ không hẳn là sống nhưng cảm thấy việc giải thích quá ư phức tạp nên tôi chỉ nói một nửa cho đỡ phiền. Sống ở đây ư, cậu ta há mồm trợn mắt. Thì sống ở đây mà, tôi nói. Nhưng cậu ta bảo từ nay không thể sống ở đây được nữa rồi. Tôi hỏi tại sao. Cậu ta giải thích chỗ này sẽ đưa vào quy hoạch cải tạo và cậu ta buộc lòng phải đưa tôi trở lại bờ và tôi phải đi đâu khác cư ngụ thôi. Cậu ta gọi tôi là cụ. Gì vậy, sao lại là cụ, tôi hỏi lại. Thì không phải là cụ ư, cậu ta nói cậu ta mới hai mươi lăm tuổi. Hai mươi lăm tuổi.
Khi tôi tới ngọn hải đăng này đợi thần chết tôi cũng hai lăm. Tôi nhìn xuống làn da mà tôi đã không bao giờ nhìn. Trời ơi, đúng là cụ thật. Tôi hỏi cậu ta giờ là năm bao nhiêu. Cậu ta nói một con số loằng ngoằng tôi không nghe rõ vì dường như nó là một con số xa lạ quá đỗi.
Chẳng nhẽ thần chết đã quên tôi thật, bởi nếu có trường thọ thì cũng không sống lâu bằng tôi khi ấy. Vậy là ông ta quên tôi thật, quên tôi thật. Tôi nhờ cậu ta nhắc lại năm nay là năm bao nhiêu rồi tôi cộng cộng trừ trừ để ra đáp án là đã hơn hai trăm năm rồi đấy. Tôi đã ngồi đây hai trăm năm đợi thần chết, hai trăm năm, đáng lẽ ông ta nên nói sớm là ông ta sẽ đến trễ, hay ông ta mắc tính đãng trí, để tôi yên tâm làm một bài thơ. Hai trăm năm, kiểu gì tôi chẳng kịp làm một bài thơ cho chính tôi, về chính cuộc đời này.