Dưới mái vòm chợ là văn hóa

19/11/2017 - 08:00

PNO - Mỗi cái chợ Việt là một không gian văn hóa mà nếu thiếu miếng ghép đó, chúng ta sẽ không tròn đủ đặc tính người Việt.

Trong tiến trình sống của người Việt, không thể thiếu cái chợ. Đối với từng đời người, cái chợ như ngọn núi, dòng sông, cánh đồng… Trong toàn cảnh không gian của đất nước, chợ chính là phần xác, là phần hồn sinh dưỡng nên con người và cộng đồng.

Duoi mai vom cho la van hoa
Dưới những mái vòm chợ Việt là cả một không gian văn hóa của người Việt, nơi góp phần định hình cốt cách Việt Nam

Đặt lại vấn đề như vậy để thấy rằng bên trong mỗi người, mỗi cái chợ Việt là một không gian văn hóa mà nếu thiếu miếng ghép đó, chúng ta sẽ không tròn đủ đặc tính người Việt.

Ngay giữa Sài Gòn - TP.HCM hôm nay, vẫn còn đó nhiều cái chợ mang tên những nhân vật bình dân nổi tiếng như chợ ông Tạ, chợ ông Hoàng, Bà Quẹo… mà tên tuổi và công đức của họ nằm ngoài hệ lịch sử chính thống; nhưng giá trị truyền đời thông qua dư luận chợ luôn là một bài học sâu sắc. Ngược lại, có khi việc bị kết án, bêu rếu ở chợ còn đáng sợ hơn những bản án ở tòa.

Một người bà con của tôi qua Pháp học vào cuối năm 1960. Vì nhiều lý do, phải tới năm 2000 ông mới về lại Sài Gòn cùng những người bạn Pháp. Lúc đoàn đi tham quan chợ Bến Thành, người bạn Pháp đi cùng bỗng hỏi ông: “Cái chợ này có gì mà tôi thấy ông tươi hẳn lên vậy?”. Người bà con của tôi cười: “Nó có cái chất Việt của tôi”.

Không gì có ý nghĩa hơn khi một cá nhân xác định giá trị cái chợ, cái trường học, con đường làng… là gia-tài-cốt-cách của mình. Chính sự tinh lọc qua chiều dài thời gian của biết bao thế hệ mà những công trình công cộng trở thành biểu tượng giá trị văn hóa - lịch sử.

Khác với việc vào siêu thị hay các shop hàng lớn, không đâu như chợ, khách hàng được tiếp xúc với người bán trước khi ra quyết định về một hay nhiều món hàng. Riêng điểm này thôi cũng đã hình thành thứ văn hóa giao tiếp theo đúng tính cách của người Việt, thậm chí đúng đến từng chi tiết của phong tục, tập quán ở từng địa phương.

Đi chợ, với người Việt, là tìm sự hội nhập cộng đồng để chia sẻ, bồi đắp không gian văn hóa, không gian thông tin, không gian tình tự cộng đồng… trước khi thỏa mãn các nhu cầu vật chất. Mỗi người, từ già đến trẻ, có thể tự kể hằng ngày vô số những câu chuyện về con người, về thế sự có nguồn từ chợ. Hầu như tất cả các cuộc trao đổi, tất cả các quan hệ, ứng xử… ở chợ đều thăng hoa thành chuyện. Đi chợ cũng là đi “mua” chuyện, hoặc vào chợ để được cho chuyện.

Duoi mai vom cho la van hoa
Chợ ông Tạ

Mỗi người Việt chúng ta đều may mắn như nhau vì đều có chuyện ở chợ - chuyện bị gạt, chuyện lời, lỗ, chuyện buồn, chuyện vui, chuyện duyên, chuyện số… Có chợ là có một đống hổ lốn cả chuyện tốt lẫn chuyện xấu. Nhưng cũng chính nhờ vậy mà đời sống tinh thần người Việt không vô hồn, tẻ nhạt. Làm sao có thể sống như người nếu không có chuyện kể truyền miệng để mua vui hoặc làm bài học để đời?

Sẽ không có gì quá đáng khi nhìn nhận chợ Việt như là nguồn văn hóa cả thô lẫn tinh. Nhưng trên hết, chợ là nơi mà mỗi đời người sẽ tự tinh lọc cho mình phẩm chất trí tuệ, đạo đức và có khi cả tâm linh.

Thế nên, nếu có lúc nào đó những đại dự án được thông qua, cả khu chợ Bến Thành, chợ Bình Tây, chợ Đakao... hoặc nhiều cái chợ nổi tiếng lâu đời khác trên khắp đất nước sẽ biến thành các trung tâm tổng hợp khách sạn, thương mại, nhà hàng theo tiêu chuẩn “hiện đại”, khi đó, điều chắc chắn là những câu chuyện văn hóa ở chợ Việt sẽ có hình thức và nội dung mark Việt giống với mark Sing, mark Thái, mark Mỹ…

Tất nhiên, sẽ không ai thương nhớ chợ Việt đến mức... tự tử nếu thiếu và  mất chợ, nhưng người ta có quyền đòi sự công bằng trong cạnh tranh giữa văn hóa chợ truyền thống và văn hóa đồng phục của trào lưu thương mại toàn cầu.

Còn gì buồn hơn trước viễn cảnh mỗi người Việt bị lấy mất không gian mái vòm chợ và phải sống chung với những cái hộp shop, siêu thị - đồng nghĩa với việc phải thích nghi với văn hóa hộp bê tông, kiếng, máy lạnh. Nhiều đứa trẻ đô thị ngày nay hớn hở khi được cho đi siêu thị hoặc mở túi ni-lông có mùi thơm siêu thị thay vì reo lên khi được mẹ dắt đi chợ hoặc vui mừng lục giỏ khi mẹ đi chợ về, mong có chút quà bánh.

Văn hóa đồng phục thương mại là một dạng ma lực khó cưỡng. Biết đâu một ngày rất gần, sẽ có những đoàn du khách Việt Nam sang Campuchia để hưởng cái thú mua sắm ở chợ vòm Nam Vang - giống như các du khách Tây, Nhật... ngày nay rất hào hứng đi chợ Bến Thành. 

Trần Tiến Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI