Dưới 'đường sắt tỷ đô' nhiều lần lỗi hẹn, nhà ga thành chợ hoa Tết trái phép

21/01/2020 - 17:24

PNO - Đường sắt Cát Linh - Hà Đông với giá trị gần 1 tỷ đô, sau gần 10 lần lỡ hẹn, hiện tại một số nhà ga đã được một số tiểu thương tận dụng, trở thành chợ hoa Tết. Đáng nói, mặc dù đã bị dẹp nhiều lần nhưng cho đến nay chợ hoa vẫn hoạt động rất rầm rộ.

Từ đầu tháng Chạp, để tạo điều kiện để người dân mua sắm cây cảnh chơi Tết Canh Tý, UBND TP. Hà Nội cho phép tổ chức 51 điểm chợ hoa Xuân trên địa bàn thành phố. Đồng thời đảm bảo an ninh trật tự, văn minh đô thị không gây ùn tắc giao thông trên các tuyến phố trong những ngày cận Tết.

Tuy nhiên, nhiều chợ hoa trái phép, tự phát đã được thành lập dọc nhiều tuyến phố đông đúc khiến phố xá những ngày Tết đã đông càng thêm đông. Trong đó phải nói đến các khu chợ hoa dọc theo dự án gần tỷ đô, đó là đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Qua quan sát, tại khu vực nhà ga Láng và Cát Linh, nhiều hộ bán hoa đã bày các loại cây cối tràn lên toàn bộ những khoảng trống của nhà ga. Dọc theo khu vực đường ray cũng có nhiều loại mặt hàng được bày bán, lấn chiếm vỉa hè, gây ách tắc giao thông do có nhiều khách dừng lại mua hoa, cây cảnh. 

Một số tiểu thương cho biết, khu vực nhà ga có mái che, tránh được mưa gió rét buốt trong những ngày gần đây nên nhiều người đã tận dụng, Khi hỏi về việc bán hàng trái phép, một số người hồn nhiên cho rằng, khu nhà ga để không thì họ đến bán, không rõ cần phải có giấy phép gì (!?)

Sau khi báo chí phản ánh, cơ quan chức năng đã nhiều lần có mặt xử lý các tiểu thương bày bán quất, đào lấn chiếm vỉa hè. Nhưng chỉ sau một vài ngày, mọi việc lại đâu vào đó, số cây cảnh được bày ra vỉa hè thậm chí còn nhiều hơn trước thời điểm bị Công an kiểm tra. 

a
Qua ghi nhận, hiện trạng bày bán tại vỉa hè, lấn chiếm trái phép khu vực nhà ga Cát Linh - Hà Đông vẫn chưa được xử lý. Tại khu vực ga Láng, do đường đi lại nhỏ nên chợ hoa gây nên cảnh ùn tắc tại khu vực này.
2
Có hàng chục tiểu thương buôn bán cây cảnh chơi Tết tận dụng khu vực gầm đường sắt làm nơi buôn bán, tiện thể tránh được cảnh mưa gió.
3
Người mua cây để xe tràn đầy lòng lề đường là một trong những hệ lụy của chợ hoa trái phép này. Theo Luật Giao thông đường bộ 2008 nghiêm cấm hành vi sử dụng hè phố trái phép. Theo Nghị định 100/2013, hè phố ngoài phục vụ mục đích giao thông thì chỉ được phép sử dụng tạm thời để tuyên truyền chủ trương của Nhà nước, tổ chức đám tang, đám cưới, điểm trông giữ xe phục vụ lễ hội.
4
Một số điểm được cắm biển cấm họp chợ nhưng vẫn bị tận dụng làm nơi bán hoa Tết.
5
Hay các điểm xe bus cũng không được buông tha, người đợi xe bus phải đứng ra sát mép đường.
6
Tại ga Cát Linh còn thê thảm hơn khi toàn bộ khoảng trống của sân tầng 1 được tận dụng làm nơi để hoa.
7
Người mua phải để xe dưới lòng đường để xem hoa, bởi vỉa hè đã bị chiếm dụng toàn bộ.
8
Ngoài chợ cây, nhiều người còn bày bán chai lọ, chậu cây khiến khu chợ này thu hút càng nhiều khách. Các dây xích của hàng rào bảo vệ cũng được gỡ xuống để tiện cho người mua bán.

 

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông dài 13,5km, tổng vốn đầu tư ban đầu hơn 552 triệu USD sau đó tăng lên 891,9 triệu USD. Dự án sử dụng vốn vay ODA Trung Quốc và đối ứng của Việt Nam, bằng hợp đồng vay ký lần đầu năm 2008, sau đó ký vay bổ sung năm 2017, khởi công tháng 10/2011.

Dù dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã xong việc xây dựng và lắp đặt thiết bị, kế hoạch ban đầu sẽ chạy thử toàn hệ thống từ cuối tháng 11 vừa qua để đánh giá, nghiệm thu, nhưng sau đó phải dừng do Tổng thầu EPC chưa xây dựng phương án an toàn.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông lỗi hẹn đưa vào khai thác, vận hành vào tháng 11/2019. Đây không phải lần đầu tiên Tổng thầu dự án lỗi hẹn với người dân tại dự án này.

An Vũ

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI