Dưới bóng vườn chùa

15/06/2014 - 08:31

PNO - 1
Trên bước đường rong ruổi, dọc theo chiều dài đất nước, tôi thường ghé thăm những vườn chùa.

edf40wrjww2tblPage:Content

“Thăm những vườn chùa”, là cách dùng từ chính xác của tôi, cho riêng tôi. Bởi, thường thì tôi chỉ vãn cảnh, ngồi chơi ngoài vườn chùa, chứ ít khi vào trong chính điện lễ Phật. Nói như vậy, không có nghĩa là tôi không kính Phật, trái lại, vì nhất tâm kính Phật nên tôi ngại chen lấn khói nhang, sợ thất thố với ham ước tầm thường trước Phật. Với tôi, chỉ cần bước vào sân chùa là đã như vào cõi Phật, vườn thiền.

Đến chùa mà không dạo vườn chùa thì coi như chưa đến.

Đến chùa mà chưa dùng bữa cơm chay của nhà chùa thì chưa thể gọi là hoan hỉ.

Sau khi thăm chơi vườn chùa, rồi xớ rớ vào gian bếp nói với sư cô phụ trách cơm nước rằng bữa nay con muốn xin một bữa cơm chùa, là sư cô gật đầu “duyệt” ngay. Thường thì thầy trụ trì dùng bữa cơm chung với sư sãi cho vui. Nhưng có đi chùa nhiều mới biết, thời nay, thầy trụ trì hầu hết đều trẻ tuổi, có quan hệ xã hội rộng rãi. Việc các thầy đi thỉnh giảng tại các thiền viện hay đi làm từ thiện ở các tỉnh, đi du lịch tâm linh nước ngoài là thường xuyên. Cho nên, rất nhiều chùa, việc xây dựng hay sinh hoạt thường được thầy trụ trì “chỉ đạo từ xa”; khi vào thăm chùa, rất hiếm khi chúng ta được diện kiến thầy trụ trì, mà chủ yếu gặp những sư sãi chăm lo quét dọn, cơm nước.

Duoi bong vuon chua

Chú tiểu đi từ bờ ao rẽ vào vườn lan thì chợt ngã cái “ạch”. Chú lui cui đứng lên, dùng hai tay phủi đít quần rồi xăng xái bước, chẳng may đầu chú va vào gốc cây cau một cái “đùng”. Vừa đi vừa xoa đầu, chân chú tiểu lại vướng vào cái ống nhựa dẫn nước, ngã cái “ạch”…

Buổi sáng hôm ấy, không hiểu sao chú tiểu cứ ngã liên miên như thế. Nhưng chú không càm ràm hay nhăn nhó, mà mỗi lần ngã chú chỉ niệm A Di Đà Phật, mắt long lanh, má tươi hồng. Thấy tôi mỉm cười, chú cũng toét miệng cười đáp lại. Tôi dặn, đi cẩn thận coi chừng té nữa, chú lại toét cười.

Có những buổi sáng rất thảnh thơi ở vườn chùa như thế. Chẳng có sự kiện gì trọng đại, cũng chẳng có lời huấn thị nào cao siêu. Chỉ là những lần té ngã của chú tiểu mà sinh động cả hồn mình.

Lúc đó, tôi cũng chợt nhận ra một điều này: dường như không có ai ngồi ở vườn chùa như tôi. Không có ai mỉm cười với chú tiểu. Không có ai để ý tới cái ống nước màu xanh dài ngoằng như con rắn trong vườn lan. Không có ánh mắt nào di chuyển từ bến nước lên những nẻo vườn. Ai nấy đều ào ạt chen vào chính điện nhang khói, khấn nguyện, rồi tất tả ra về.

Buổi trưa, ở chùa chỉ có ba người. Tôi, sư cô già và một bà Phật tử nhà ở gần vào phụ quét dọn và hái xoài mang ra chợ bán, xong mua đồ chay về cho chùa. Đang mùa xoài chín. Thầy trụ trì bữa nay cưỡi xe máy đi biếu xoài cho một ông giáo về hưu đang ốm.

Bữa cơm chỉ có ba người nhưng cũng dọn một bàn ngoài hàng hiên. Hai người phụ nữ già nua ăn chậm rãi. Để bữa ăn khỏi buồn tẻ, tôi gợi chuyện với họ. Sư cô già ít nói, dường như đã quá quen với bà bạn, nên nhắc: “Nói một hồi, coi chừng bả khóc đó nghen”. Bà Phật tử cười giải thích với tôi: “Tui có tật kể chuyện xưa là khóc. Mà không kể chuyện xưa thì biết kể chuyện gì. Chú biết không, năm tôi mới 38 tuổi thì ông nhà tôi về quê, bỏ tôi ở lại với ba đứa con thơ dại”…

Người đàn bà ngưng đũa ngồi kể. Ngoài vườn chùa có tiếng gì mơ hồ trong tịch mịch.

“Về quê. Dạ, thưa dì, dì nói chú về quê là sao? Sao mà về lâu vậy?” - tôi chen vào câu chuyện. Và tôi thấy nước mắt bà rơi xuống mặt bàn. Bà vội mỉm cười, giải thích cho tôi hiểu rằng “về quê” ở đây tức là chết, là qua đời. Thế đó, lần đầu tiên tôi nghe hai chữ “về quê” để nói về cái chết. Ở quê tôi, hồi xưa, có người dùng hai chữ “về dưới” để nói về cái chết, nhưng không thấy ai nói “về quê”.

Nếu chết chỉ là một chuyến “về quê” thì không phải là mất mát, đau buồn. Về quê là tìm lại, gặp lại chính mình với ấu thơ hồn nhiên. Về quê chuyến đi xa cuối cùng, tìm lại cội nguồn mình.

Dưới bóng vườn chùa bữa ấy, tôi học được hai chữ “về quê” linh diệu từ một người đàn bà quê mùa.

Trần Nhã Thụy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI