Có lộ trình, linh hoạt để chia sẻ với phụ huynh
Quận 6 là địa phương sớm ban hành hướng dẫn thu học phí và các khoản thu khác năm học 2023-2024 tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn. Ông Lưu Hồng Uyên - Trưởng phòng GD-ĐT quận 6 - cho biết, Nghị quyết 04 của HĐND TPHCM quy định về các mức thu, khoản thu hỗ trợ dịch vụ giáo dục trong năm học này đã giúp địa phương có nhiều thuận lợi khi tổ chức các hoạt động giáo dục. Các trường cũng thuận lợi hơn trong việc đồng thuận, chia sẻ của phụ huynh học sinh.
Phòng giáo dục đã lưu ý các trường khi xây dựng kế hoạch thu, chi trong năm học thì không có nghĩa là thu tất cả 26 khoản thu thuộc Nghị quyết 04 mà cần tính toán nội dung nào phù hợp với đơn vị mình. Khi tổ chức thu, các khoản thu đều không vượt quá mức trần của Nghị quyết và chỉ được tăng không quá 15% so với năm học trước.
|
Các địa phương cân đối triển khai Nghị quyết 04 |
Riêng đối với trường thực hiện theo Đề án “Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế”, ông Hồng Uyên cho biết, năm học 2023-2024 mức thu cho phép trong Nghị quyết 04 là 1.725.000 đồng/học sinh/tháng. Tuy nhiên, quận vẫn thống nhất giữ mức thu như các năm học trước là 1.500.000 đồng/học sinh/tháng.
“Toàn quận có 4 trường thực hiện theo mô hình Trường tiên tiến hội nhập quốc tế. Phòng giáo dục đã mời các trường này làm việc để thống nhất về mức thu. Hiệu trưởng các trường cho biết, với mức 1.500.000 đồng/học sinh/tháng, trường vẫn đảm bảo cân đối được các hoạt động giáo dục trong năm học này, do đó quận thống nhất giữ nguyên mức thu như năm học trước, chứ không tăng. Điều này cũng là cách trường san sẻ với phụ huynh”- ông Lưu Hồng Uyên chia sẻ.
Trong khi đó, ông Ngô Văn Tuyên - Trưởng phòng GD-ĐT quận Bình Tân cho hay, phòng đã tham mưu cho UBND quận để ban hành hướng dẫn thu học phí và các khoản thu khác trong năm học này, dự kiến ngày 6/10 sẽ ban hành.
“Khi thực hiện Nghị quyết 04 của HĐND TP, các trường trên địa bàn quận sẽ chỉ ưu tiên thực hiện một số khoản thu, nội dung hoạt động hỗ trợ giáo dục phù hợp với bậc học, đặc thù đơn vị cũng như đối tượng học sinh, phụ huynh chứ không thể tổ chức cùng một lúc nhiều nội dung bởi sẽ gây gánh nặng cho phụ huynh. Ví dụ, trường đã tổ chức tăng cường tiếng Anh, tiếng Anh với người nước ngoài, tin học quốc tế thì thôi hoạt động câu lạc bộ, để làm sao không tạo quá nhiều khoản thu cùng một lúc cho phụ huynh”- ông Ngô Văn Tuyên nêu rõ.
Với riêng các trường thực hiện mô hình trường chất lượng cao “Trường tiên tiến hội nhập quốc tế” trên địa bàn quận, ông cho hay năm học này sẽ không thu mức tối đa là 1.725.000 đồng trong Nghị quyết 04 cho phép, mà chỉ thu với mức trên 1.600.000 đồng sau khi các trường tính toán cân đối.
Tại quận 4, lãnh đạo phòng GD-ĐT quận này đánh giá, Nghị quyết 04 với các mức thu cụ thể đã tạo sự chủ động linh hoạt cho các cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, quận chỉ đạo các trường khi xây dựng kế hoạch thu các khoản thu thì không thu tất cả các mức trần cao nhất mà căn cứ vào tình hình thực tế của từng trường, từng địa bàn để đưa ra các mức thu cụ thể, không vượt quá 15% theo mức thu năm học trước. “Làm sao giúp học sinh được trải nghiệm nhiều nhất, hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện phẩm chất năng lực, song song có được sự đồng thuận cao nhất của phụ huynh”- đại diện phòng GD-ĐT quận 4 bày tỏ.
|
Nghị quyết 04 trao cơ chế thuận lợi cho nhà trường thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục |
Theo các trường, Nghị quyết 04 đã mang đến nhiều thuận lợi cho các nhà trường, song để không tạo áp lực cho phụ huynh thì các trường học cần thực hiện có lộ trình và linh hoạt các nội dung thu, quan trọng nhất là phải cân đối được mức thu để không tạo áp lực cho phụ huynh.
Tiền ăn không nên cào bằng
Bên cạnh những thuận lợi, nhiều trường nhận định tiền ăn bán trú còn bất cập đối với 1 số trường. Cô Nguyễn Đoan Trang - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (quận 1) - cho biết mức thu bữa ăn bán trú của học sinh theo quy định của Nghị quyết tối đa là 35.000 đồng/học sinh/suất đối với học sinh ở các bậc học từ mầm non đến THPT là chưa phù hợp. Bởi mỗi đối tượng học sinh sẽ có nhu cầu về dinh dưỡng, bữa ăn khác nhau.
“Mức tối đa 35.000 đồng/học sinh/suất ăn sẽ phù hợp cho những trường tổ chức nấu bán trú tại trường song sẽ phần nào khó cho các trường hợp đồng với đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp do chi phí ăn bán trú còn phải bao gồm chi phí vận chuyển. Hiện trường phải tính toán để cân đối phù hợp nhất bữa ăn đảm bảo cho học sinh”- cô Đoan Trang nói thêm.
Tại Trường THPT Ten lơn man (quận 1), tiền ăn bán trú hiện đang được nhà trường áp dụng mức 35.000 đồng/học sinh/suất trong năm học này. Theo đại diện nhà trường, mức này vừa túi tiền của phụ huynh, song khó đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cho học sinh bậc THPT.
“Cái khó của trường khi tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh đó là phải đảm bảo nguồn thực phẩm đầu vào và nhu cầu dinh dưỡng với lứa tuổi học sinh THPT. Hiện nay, nguồn thực phẩm đầu vào đều được nhập từ các nguồn đạt chuẩn, có hoá đơn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giá thành không phải rẻ. Kế đó, phải tính toán làm sao cho mỗi phần ăn phải có dinh dưỡng. Với 35.000 đồng/học sinh, trường phải co kéo lắm mới được. Song, với lứa tuổi học sinh THPT thì mức tối đa 35.000 là đồng là chưa phù hợp”- đại diện nhà trường cho biết.
Cô Bùi Thị Minh Tâm - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3) - cho rằng, độ tuổi mầm non, tiểu học, THCS, THPT có những nhu cầu về dinh dưỡng, ăn uống khác nhau. Do đó, việc đưa ra một mức tiền ăn tương đương nhau là chưa phù hợp. Chưa kể, với riêng học sinh THPT thì mỗi học sinh còn ăn theo nhu cầu khác nhau, có thể với em này suất ăn 35.000 đồng là phù hợp nhưng với em khác thì mức ăn này lại chưa đảm bảo nhu cầu.
“Về phần ăn bán trú của học sinh thì cần trao cho phụ huynh học sinh từng nhà trường quyết định khẩu phần ăn của con em mình. Vì đối tượng học sinh của mỗi nhà trường mỗi khác, đối tượng phụ huynh cũng khác nhau, chưa kể là mô hình trường khác nhau, từng quận, huyện lại có mức chi phí giá cả khác nhau” - cô Minh Tâm nói.
Ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM - cho biết, trong khảo sát đầu năm của UB MTTQ Việt Nam TPHCM thì mức tiền ăn bán trú là 35.000 học sinh/suất trong Nghị quyết 04 của HĐND TPHCM là hơi thấp ở một số nơi, một số địa phương. Nghị quyết 04 thực hiện trong năm học 2023-2024 do vậy sẽ có sự điều chỉnh ở những năm học sau trong quá trình triển khai.
Gia tăng trách nhiệm kiểm tra giám sát "Nghị quyết 04 đã trao cơ chế rất lớn cho các trường, đồng thời cũng gia tăng trách nhiệm kiểm tra giám sát nhiều hơn. Năm nay, trong kế hoạch thanh kiểm tra, phòng giáo dục đã tham mưu cho UBND quận đưa nội dung kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết 04 tại các nhà trường, đảm bảo các trường thực hiện đúng quy định". Ông Lưu Hồng Uyên - Trưởng phòng GD-ĐT quận 6 |
Nội dung tiếp theo
Quốc Trung