Ông Nguyễn Minh Hùng (Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty VN Pharma) chỉ có trong tay 2 loại giấy tờ là giấy thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP) giả và giấy chứng nhận lưu hành tự do (FSC) giả.
Nguyễn Minh Hùng nhờ đến dược sĩ Phạm Văn Thông viết hồ sơ thuốc cho H-Capita. Theo như kết luận điều tra, đây không phải là lần đầu tiên Phạm Văn Thông nhận viết hồ sơ thuốc cho VN Pharma.
|
Dược sĩ Phạm Văn Thông nhận mức án 2 năm tù treo vì tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo quy định tại Điều 267 Bộ luật hình sự |
Tổng cộng số tiền dược sĩ Thông được trả công để viết các bộ hồ sơ thuốc khác cho VN Pharma lên đến con số 222,6 triệu đồng. Riêng tiền công trong vụ H-Capita, dược sĩ Thông được VN Pharma thỏa thuận trả 2.000 đô la Mỹ (tương đương 45 triệu đồng).
Theo quy định của Thông tư 47 của Bộ Y tế, quy định về hướng dẫn hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu thuốc và bao bì tiếp xúc với thuốc, trong hồ sơ xin nhập khẩu thuốc chưa có số đăng ký lưu hành, doanh nghiệp phải cung cấp giấy chứng nhận sản phẩm dược (trường hợp không có Giấy chứng nhận sản phẩm dược, có thể thay thế bằng giấy thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP) và giấy chứng nhận lưu hành tự do (FSC); Tiêu chuẩn và phương pháp kiểm tra chất lượng thuốc; Nhãn thuốc và tờ hướng dẫn sử dụng có đóng dấu của doanh nghiệp nhập khẩu… |
Dược sĩ Phạm Văn Thông đã nhận số tiền công 33,6 triệu đồng từ Công ty VN Pharma. Số tiền này đã bị buộc phải sung vào công quỹ trong phán quyết của Tòa án nhân dân TP.HCM sáng 25/8.
Dược sĩ Phạm Văn Thông đã dựa vào thành phần, công thức thuốc ghi trên FSC giả và tham khảo dược điển của Mỹ, hồ sơ kỹ thuật của các loại thuốc có hoạt chất tương tự đã sản xuất tại Việt Nam để viết các hướng dẫn sử dụng; tiêu chuẩn, phương pháp kiểm nghiệm của thuốc H-Capita.
Sau đó những tài liệu này được nhân viên Công ty VN Pharma đóng dấu công ty Helix Canada để xin cấp giấy phép nhập khẩu.
Ngoài dược sĩ Phạm Văn Thông còn có 1 dược sĩ khác tại Công ty Dược phẩm trung ương 1 (Pharbaco) và 1 giảng viên ngành dược của Học viện Quân y được Nguyễn Minh Hùng thuê để viết chỉnh sửa nhiều bộ hồ sơ thuốc khác, lấy tên công ty Helix Canada.
Từ đó, Công ty VN Pharma đứng tên đăng ký lưu hành thuốc, và xin cấp giấy phép nhập khẩu. Trong số này có 7 loại thuốc Cục Quản lý Dược đã cấp số đăng ký lưu hành, 3 loại được cấp giấy phép nhập khẩu. Tuy nhiên, chỉ duy nhất Phạm Văn Thông bị truy tố trách nhiệm hình sự.
|
Võ Mạnh Cường (giám đốc công ty H&C) - nhận mức án 12 năm tù vì tội buôn lậu. Cường là người đã chuyển các giấy tờ FSC giả và GMP giả để dược sĩ Thông viết hồ sơ kỹ thuật thuốc |
Theo lý giải của Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM, việc được viết hồ sơ kỹ thuật thuốc là không vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, Phạm Văn Thông được Công ty VN Pharma thuê viết hồ sơ kỹ thuật thuốc H-Capita của Helix Canada trong khi dược sĩ này biết rõ bản thân không phải là người của Công ty Helix Canada nên đã vi phạm pháp luật.
Hành vi này của dược sĩ Phạm Văn Thông bị Tòa án nhân dân TP.HCM tuyên án phạm vào tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo quy định tại Điều 267 Bộ luật hình sự. Dược sĩ Thông phải chịu án 2 năm tù treo.
Còn 2 dược sĩ khác cũng tham gia viết hồ sơ kỹ thuật thuốc cho VN Pharma nhưng không bị truy tố hình sự vì không được bàn bạc, ăn chia trong việc nhập lậu thuốc, không biết Công ty VN Pharma sử dụng con dấu giả của Công ty Helix Canada đóng vào tài liệu thuốc để nộp cho Cục Quản lý Dược.
Hồ sơ do 2 dược sĩ này viết chưa có thuốc nào được nhập khẩu.
|
Các bị cáo trong vụ án Nguyễn Minh Hùng, Võ Mạnh Cường và đồng phạm buôn lậu thuốc chữa bệnh |
Như vậy, để có được một tờ giấy phép nhập khẩu thuốc thật của Cục quản lý Dược, VN Pharma đã “chế tác” nên các loại giấy tờ giả sau: Giấy thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP) giả; giấy chứng nhận lưu hành tự do (FSC) giả; hộp thuốc và toa thuốc do Võ Mạnh Cường cung cấp; tiêu chuẩn và phương pháp kiểm nghiệm do Phạm Văn Thông tự tay viết; nhãn mác lưu hành tại Việt Nam do phòng nghiên cứu phát triển VN Pharma tự thiết kế; tờ hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt do Phạm Văn Thông viết.
Bệnh viện Chợ Rẫy khẳng định chưa ghi nhận phản ứng bất lợi của thuốc do Công ty VN Pharma cung cấp
Chiều 25/8, Bệnh viện Chợ Rẫy phản hồi về thông tin Công ty VN Pharma đã trúng thầu một số thuốc vào bệnh viện.
Tiến sĩ, dược sĩ Nguyễn Quốc Bình, Trưởng khoa Dược, Bệnh viện Chợ Rẫy khẳng định: “Thông tin về việc năm 2014, Công ty VN Pharma đã trúng thầu thuốc vào Bệnh viện Chợ Rẫy với số tiền 120 tỷ đồng là không chính xác.
Giai đoạn từ tháng 8/2014 – 7/2015, giá trị thực hiện hợp đồng của bệnh viện Chợ Rẫy với Công ty VN Pharma là 17,7 tỷ đồng. Tương tự như các loại thuốc khác, các thuốc mà Bệnh viện Chợ Rẫy mua sắm từ VN Pharma đều được kiểm tra chất lượng theo quy trình kiểm nhập chung áp dụng cho tất cả các thuốc nhập kho tại bệnh viện.
Trả lời câu hỏi Bệnh viện Chợ Rẫy có ghi nhận dấu hiệu bất thường nào về chất lượng của các loại thuốc do VN Pharma cung cấp hay không?, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Bình cho biết dữ liệu giám sát ADR (giám sát phản ứng bất lợi của thuốc) tại Bệnh viện Chợ Rẫy trong giai đoạn có sử dụng các thuốc được cung cấp bởi VN Pharma không ghi nhận sự bất thường nào về phản ứng ADR liên quan đến các thuốc này.
Ông cũng khẳng định Bệnh viện Chợ Rẫy chưa từng sử dụng bất cứ thuốc nào trong 7 thuốc ghi nhà sản xuất Helix Pharmaceuticals Inc. Canada bị Cục Quản lý Dược rút số đăng ký/giấy phép lưu hành vào tháng 09/2014.
|
Hiếu Nguyễn