|
Đường dây nóng Ngày mai do tác giả Đặng Hoàng Giang và chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành khởi xướng, được triển khai bởi một nhóm tình nguyện viên |
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, một người luôn tìm hiểu sự vận hành tâm lý của xã hội hiện đại, tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng: Bức xúc không làm ta vô can, Thiện, ác & Smart phone, Điểm đến của cuộc đời, Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành, một người có 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn sức khỏe tâm thần.
Họ “gặp nhau” trong việc “giải phẫu” đời sống tâm lý của con người hiện đại, cùng truy vấn về bi kịch của những người tốt sống trong gia đình. Nhân vật của họ không những không được chia sẻ mà còn đeo thêm một gánh nặng về định kiến của mọi người; trong khi đó, người thân của những con người ấy cũng đang mang vác một nỗi khổ tâm khác.
Sau một năm thai nghén, dự án Đường dây nóng Ngày mai chính thức ra đời, được vận hành trong thời gian tới. Đó là một sáng kiến cộng đồng, phi lợi nhuận, do tác giả Đặng Hoàng Giang và chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành khởi xướng, được triển khai bởi một nhóm tình nguyện viên mong muốn nâng cao nhận thức của xã hội về sức khỏe tâm thần và trợ giúp những cá nhân đang khủng hoảng tâm lý, đặc biệt là người trẻ trầm cảm và người thân của họ.
Sức khỏe tâm thần ở Việt Nam đang có nhiều vấn đề
* Phóng viên: Mở trang tìm kiếm Google, chỉ cần gõ từ khóa “tư vấn tâm lý”, có rất nhiều kết quả; tuy nhiên, sức khỏe tâm thần ở Việt Nam dường như vẫn là một vùng trắng. Xin hỏi một cách tổng quan tình hình sức khỏe tâm thần ở Việt Nam hiện nay?
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang: Nếu so sánh với các lĩnh vực nhi hay phụ khoa, có thể thấy tỷ lệ của các cơ sở trị liệu, tư vấn cho sức khỏe tinh thần ở Việt Nam rất thấp. Chưa kể, qua chia sẻ của nhiều nhân vật có tâm bệnh và người thân của họ, tôi thấy chất lượng của nhiều dịch vụ trong lĩnh vực này vô cùng có vấn đề. Họ đã phải có những trải nghiệm rất tệ, bị mắng mỏ, bị đối xử một cách vô cảm, được khám một cách chóng vánh, công nghiệp và được kê thuốc vô tội vạ. Giữa bối cảnh hạ tầng cơ sở của y tế trong lĩnh vực sức khỏe tinh thần có nhiều bất cập cả về số lượng lẫn chất lượng, sự ra đời của các đường dây nóng rất quan trọng. Ở các quốc gia phát triển đều tồn tại nhiều đường dây nóng khác nhau, phục vụ những khu vực địa lý hay nhóm dân cư khác nhau.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành: Tới thời điểm hiện tại, tư vấn tâm lý ở Việt Nam vẫn là một ngành chưa có mã nghề chính thức. Chúng ta có các trường đại học đào tạo cử nhân tâm lý học nhưng còn thiếu sự quản lý của Nhà nước trong hành nghề; vì vậy chất lượng dịch vụ rất khác nhau, vô hình trung, tạo nên sự lẫn lộn: khi người bệnh có vấn đề, họ trở nên lúng túng, không biết tìm chuyên gia thực sự ở đâu hay can thiệp như thế nào để có hiệu quả tốt nhất theo một lịch trình phù hợp nhất. Trong khi nhiều quốc gia trên thế giới đã có sự quan tâm khá bình đẳng giữa sức khỏe thực thể và sức khỏe tâm thần thì ở Việt Nam, các bệnh thực thể được chú trọng hơn hẳn. Đơn cử, bảo hiểm y tế, phòng khám, bệnh viện, cũng như các dịch vụ chăm sóc sức khỏe còn thiếu hoặc đề cập một cách qua loa vấn đề chăm sóc cho người liên quan đến sức khỏe tâm thần. Tất cả những điều đó gây nên rất nhiều khó khăn cho bất cứ ai cần tìm kiếm dịch vụ.
* Theo hai vị, vì sao ở ta lại xem trọng các bệnh thực thể và xem nhẹ các bệnh liên quan đến sức khỏe tâm thần như vậy?
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang: Thứ nhất, tâm bệnh hay bị coi là bệnh giả vờ, không phải là bệnh thật vì không có chảy máu, bầm tím, gãy tay, gãy chân, chỉ số. Người ta hay nghĩ người có bệnh chỉ cần dùng lý trí là có thể tự vượt qua; nếu không làm được thì do người đó kém cỏi, lười nhác hoặc vô kỷ luật. Hai là, các bệnh liên quan đến sức khỏe tâm thần bị coi là gần gũi với… bệnh điên, “thần kinh”; việc bản thân hay người nhà tới khoa tâm thần hoặc tư vấn tâm lý là một điều rất kinh khủng, người ta muốn tránh bằng mọi giá, muốn trì hoãn, muốn “tự mình điều chỉnh”.
Hiển nhiên đây là một sự thiếu hiểu biết và định kiến. Con tôi hiện học ở Pháp, dù không có biểu hiện rối loạn cảm xúc gì cụ thể nhưng đã bắt đầu gặp chuyên gia tâm lý để được nghe phân tích về quang cảnh tâm lý của mình. Việc này cũng đơn giản như chúng ta đi khám sức khỏe tổng quát.
Cũng giống như các bệnh thể chất, nếu chúng ta không chú ý tới những triệu chứng sớm của tâm bệnh - như mất ngủ, lo âu, khó điều hòa cảm xúc, cáu bẳn vô cớ… - mà giấu kín và cố gắng sống tiếp với chúng, có thể tới lúc nào đó ta sẽ bị sụp đổ, dẫn đến tình trạng bệnh nặng, ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống và khả năng vận hành của ta, thậm chí dẫn tới cái chết.
|
Theo UNICEF, các vấn đề về sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội không chỉ là những nguyên nhân chính thúc đẩy ý định và hành vi tự tử, mà chúng đang ngày càng trở nên phổ biến trong xã hội Việt Nam - Ảnh: Đường dây nóng Ngày mai |
* Khác biệt trong văn hóa Đông - Tây ảnh hưởng đến điều đó ra sao?
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang: Sự kỳ thị, định kiến tồn tại ở cả phương Đông lẫn phương Tây, tuy nhiên, phương Tây đi trước ta nhiều thập niên, nên định kiến, kỳ thị ở đó hiện tại thấp hơn. Ở phương Tây, giờ đây, việc tìm đến chuyên gia tâm lý để trị liệu hoặc gọi đến một đường dây nóng là chuyện khá bình thường. Hy vọng dần dần, Việt Nam sẽ thay đổi, giống như đã có những tiến bộ lớn trong các lĩnh vực như dịch bệnh, tim mạch hay ung thư.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành: Nền tảng xã hội phương Đông và phương Tây khác nhau, dẫn đến những hiểu biết và hành xử cũng khác nhau. Thế hệ chúng ta đang nhìn thấy khá rõ những hậu quả của việc thiếu quan tâm tới sức khỏe tâm thần; thế nên, Việt Nam đã bắt đầu có sự chuyển biến tốt về mặt nhận thức. Đã đến lúc chúng ta phổ biến các chương trình can thiệp tốt và các chương trình truyền thông có trách nhiệm chuyển tải kiến thức để mọi người quan tâm hơn, hiểu đúng hơn, từ đó dẫn tới những thói quen và hành vi tốt hơn trong việc chăm sóc sức khỏe tâm thần cá nhân và cộng đồng.
Rối loạn tâm thần là một thách thức lớn của xã hội hiện đại
* Rối loạn tâm thần có phải là một trong những thách thức của xã hội hiện đại?
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành: Các bệnh liên quan đến sức khỏe tâm thần là một thách thức lớn của xã hội hiện đại, mà trầm cảm là một trong 10 bệnh không lây nhiễm quan trọng tạo áp lực lớn đến xã hội chúng ta suốt thế kỷ XXI. Đó là khuyến cáo về bệnh tật của Tổ chức Y tế thế giới.
Trong số đó, những người trẻ sống ở các đô thị lớn đang phải chịu áp lực mạnh mẽ về các bệnh liên quan đến sức khỏe tâm thần. So với mặt bằng dân số, điều kiện sinh hoạt nhìn chung vẫn còn thấp và chịu nhiều áp lực. Bản thân cấu trúc của một xã hội hiện đại với nhà cao tầng và các trang thiết bị tiện nghi, sử dụng phím bấm và chạm ngón nhiều, từ điện thoại, máy tính, iPad, đến ti vi… dễ làm chúng ta bị căng thẳng thần kinh hơn.
Tình trạng giao thông kẹt cứng tại các đô thị đông dân cũng khiến cho căng thẳng có thể gia tăng. Đặc biệt, các bạn trẻ từ nông thôn lên thành thị, ngoài những áp lực vừa nói, họ đã trải qua thời niên thiếu sống chan hòa trong môi trường gần gũi cỏ cây, hoa lá nên bản thân sự dịch chuyển đó vừa là động lực vừa là áp lực lớn. Đây là thực trạng diễn ra không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới.
* Nhưng đâu chỉ đô thị, các bệnh về tâm lý cũng đã lan đến nông thôn rồi…
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành: Khi chúng ta nói đến các vấn đề của đô thị, ở khía cạnh nào đó cũng là nói đến vấn đề của nông thôn đang bị đô thị hóa mỗi ngày. Những người lựa chọn ở lại nông thôn không có tâm thế trở thành người đô thị nhưng như một kết quả kéo theo, họ đang bị đô thị hóa, bị biến thành và tác động bởi mọi yếu tố của một công dân đô thị.
Hiểu mình để tự hàn gắn
* Việc tự hiểu mình có tác dụng ra sao trong bối cảnh xã hội nhiều hoang mang, đổ vỡ?
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành: Việc hiểu mình để có thể sống linh hoạt, chấp nhận người khác, chấp nhận bản thân hơn cũng là tiền đề quan trọng trong việc tự hàn gắn nỗi đau. Một người hiểu về sức khỏe tâm thần có thể học cách quan sát bản thân, quan sát cảm xúc cũng như chiều lên - xuống của cảm xúc diễn ra ở chính mình. Họ cũng có thể quan sát những người xung quanh để có ứng xử phù hợp hoặc sớm phát hiện, động viên, khuyến khích người thân đến gặp những nhà chuyên môn kịp thời, đúng lúc… Khi đó, người ta có sự chấp nhận tốt hơn đối với các vấn đề của mình cũng như của người khác. Nhiều trường hợp, vấn đề về sức khỏe tâm thần căng thẳng xuất phát từ việc họ đặt yêu cầu quá cao ở bản thân và những người xung quanh.
* Đường dây nóng Ngày mai là một dịch vụ cung cấp thông tin về sức khỏe tinh thần, tham vấn tâm lý cho người trầm cảm và người thân của họ. Ở đây có hai vế: vế đầu thì chúng ta đã nói nhiều còn vế thứ hai: người thân của họ - cũng là những người chăm sóc người bệnh - thì sao?
"Dù có uống thuốc hay trị liệu tâm lý nhưng nếu tiếp tục sống trong một môi trường gia đình “độc hại” thì tình trạng của người bệnh cũng không thể nào tốt lên được.
Vì thế, ngoài những hỗ trợ bằng thuốc hay tham vấn, việc được thấu hiểu, được lắng nghe không phán xét, được an ủi, yêu thương từ những người xung quanh là vô cùng quan trọng".
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang
|
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang: Tôi biết một nam sinh viên sống cùng người yêu của mình. Bạn gái này bị rối loạn lưỡng cực, việc chăm sóc rất vất vả. Khi hai bạn bắt đầu yêu nhau, bạn nam khỏe mạnh, xông xáo, cáng đáng mọi việc. Một năm sau gặp lại, tôi thấy việc chăm sóc người yêu đã khiến bạn ấy kiệt quệ và bị trầm cảm theo. Sợ ảnh hưởng tới tinh thần và tài chính của gia đình, cậu lặng lẽ vật lộn với chứng bệnh của mình mà không nói với bố mẹ. Một ngày, cậu tự sát, may mà những người sống cùng nhà đã can thiệp kịp thời.
Câu chuyện nói với chúng ta nhiều điều. Việc chăm sóc người có tâm bệnh tạo thành một áp lực khổng lồ. Cộng vào đó, người ta hay cố gắng tỏ ra mạnh mẽ, không muốn làm phiền người khác, không chủ động tìm sự giúp đỡ từ xung quanh, khiến mọi việc trở nên trầm trọng hơn. Người chăm sóc thường gặp hai thách thức lớn. Thứ nhất, do thiếu kiến thức, cách ứng xử và chăm sóc của họ có thể không hợp lí, dẫn tới những tác động tiêu cực cho người bệnh. Tiếp đến, họ không biết bảo vệ chính mình trước áp lực của quá trình chăm sóc. Ở nhiều nước phát triển, những tổ chức phi chính phủ được lập ra để giúp đỡ riêng những người chăm sóc, tránh việc họ bị bỏ quên. Không chỉ cung cấp thông tin, những tổ chức này còn tạo ra một mạng lưới để những người chăm sóc hỗ trợ lẫn nhau, tương tác, giao lưu để họ không cảm thấy đơn độc trong cuộc chiến này.
Không phải người lớn mới có quyền căng thẳng
* Gia đình đóng vai trò ra sao trong quá trình chữa lành đó?
"Con tôi đang học lớp Chín - năm nay là một năm áp lực với các con. Khi con đi học về, tôi thường nói chuyện với con hoặc trước khi ngủ sẽ hỏi hôm nay ở lớp có chuyện gì buồn cười hoặc kỳ cục không. Tôi để ý, khi được kể ra mấy chuyện vui vui trên lớp, con vui hơn, nhẹ nhõm hơn. Việc học hành rồi cũng sẽ ổn theo một cách nào đấy khi con được nói, được chia sẻ những thứ mình quan tâm.
Người Việt mình gặp nhau hay hỏi: Ăn cơm chưa? Lương bao nhiêu? Bao giờ lấy chồng? Bao giờ sinh con? Chừng nào đẻ đứa nữa? Sắp tăng lương chưa… mà ít khi hỏi: Có vui không? Có ổn không? Dạo này cảm thấy ra sao?… Tôi cho rằng, giữa người thân với nhau có thể kể chuyện mang màu sắc cảm xúc, tâm tình, nỗi lòng của mình - tuy có vẻ như là chuyện nho nhỏ, con con nhưng lại giúp cân bằng cảm xúc rất sâu bên trong mỗi người".
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành
|
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành: Tôi nghĩ, mức độ quan trọng tùy vào lứa tuổi. Chẳng hạn, với những bạn nhỏ trước 10 tuổi gặp căng thẳng tâm lý thì có nhiều khả năng liên quan đến việc cha mẹ các em cũng đang đối diện với căng thẳng. Bằng cách nào đó, điều này vô tình phản chiếu lên đứa trẻ. Vì thế với các bạn ở độ tuổi này, chúng tôi cần trao đổi nhiều với cha mẹ để họ có thể giúp chính mình và con mình.
Khi bước sang tuổi vị thành niên, các bạn bắt đầu có sự khác biệt, định vị cá tính cũng như hình thành nên thế giới quan của bản thân. Khi đó, sự ảnh hưởng, tác động của cha mẹ cũng quan trọng nhưng quan trọng nhất là hiểu được cái tôi của các bạn và giúp các bạn ổn định, tương tác hài hòa giữa bản thân - bạn bè và gia đình.
Với các bạn đã trên 18 tuổi, có người thân đồng hành thì vẫn tốt nhưng cũng có nhiều trường hợp, thế hệ trước - cha mẹ của các bạn - có những khó khăn riêng, hạn chế riêng. Vì thế, ở lứa tuổi này, các bạn cần có hành trình ngược về tuổi thơ để có thể nhìn nhận, chấp nhận những điều đã xảy ra, nhằm hiểu hơn về vấn đề của bản thân trong hiện tại, rồi từ đó dần dần có những cách thức tác động thay đổi bản thân. Việc thay đổi những suy nghĩ như vậy không phải ngày một ngày hai.
* Xin hỏi một câu khá riêng tư, anh chị đã bao giờ trải qua cú sốc tâm lý hoặc rơi vào tình trạng trầm cảm chưa?
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành: Tôi từng trải qua những sang chấn tâm lý hồi nhỏ. Khi đó, gia đình tôi có một thời gian sa sút kinh tế trầm trọng, người lớn luôn căng thẳng. Điều đó để lại một dư chấn tâm lý trong tôi. Nhiều phụ huynh than thở với tôi rằng, họ bận trăm công ngàn việc.
Con cái họ đang được hưởng những thứ tốt nhất mà ngày xưa có mơ họ cũng không bao giờ nghĩ tới. “Bọn nó giờ sướng mà không biết hưởng”, “Bọn nó có phải lo việc gì đâu mà căng thẳng”… - họ thường nói như thế. Song, đâu phải chỉ người lớn mới có quyền căng thẳng. Con cái như một chiếc gương phản chiếu những khía cạnh mà chúng ta có thể chưa quan tâm đúng mực.
Chúng có thể bị thấm hút một cách vô tình những đè nén, áp lực, căng thẳng của người lớn. Mỗi đứa trẻ có sự nhạy cảm riêng, càng nhạy cảm càng dễ tổn thương và gặp nhiều sang chấn tâm lý. Đáng tiếc, có những phụ huynh lại “khoác” lên chúng những thành kiến: “Không biết thương bố mẹ”, “Thấy bố mẹ vất vả không thương”, “Không vui lên mà học, lại bày đặt trầm cảm”.
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang: Tôi từng có những giai đoạn sức khỏe tinh thần khá tệ: không có năng lượng, mất hứng thú với cuộc sống, cảm thấy bi quan, chán nản mặc dù bên ngoài nhìn vào thì thấy cuộc sống của tôi có đầy đủ mọi thứ. Hồi đó, tôi không hiểu biết nên không đi khám.
Trầm cảm là căn bệnh không ngoại trừ ai. Bất cứ ai trong chúng ta đều có thể gặp nó, bất cứ lúc nào. Đừng coi thường. Cách tốt nhất là mỗi người tự trang bị kiến thức cho bản thân, lắng nghe bên trong mình thường xuyên. Khi có những dấu hiệu bệnh, không ngại ngần tìm kiếm sự trợ giúp, không xấu hổ, không tỏ ra kiên cường một cách phi lý, phản khoa học. Mình phải tự cứu mình.
* Cảm ơn anh, chị đã chia sẻ.
Đậu Dung (thực hiện)
Theo Tổ chức Y tế thế giới, cứ 40 giây, trên thế giới lại có một người tự tử do trầm cảm. Năm 2020, bệnh trầm cảm vượt qua bệnh ung thư, tiểu đường để trở thành căn bệnh thứ hai đe dọa sức khỏe con người chỉ sau tim mạch.
Theo một thống kê tại Bệnh viện Tâm thần (TP.HCM), có đến 6% dân số tại TP.HCM mắc bệnh trầm cảm. Hầu hết các bệnh nhân trầm cảm nặng đều từng trải qua những khoảnh khắc muốn tự tử. Khi đó, chỉ cần một cú huých nhẹ cũng có thể khiến họ rơi xuống vực. Nhưng, một cái níu nhẹ cũng có thể giúp họ dừng lại, tiếp tục sống để có cơ hội lành bệnh.
Hãy chia sẻ câu chuyện của bạn với chúng tôi, để thấy tình yêu thương trở thành phương diệu kỳ cho căn bệnh thời đại này, qua email: online@baophunu.org.vn hoặc bạn có thể để lại phần bình luận dưới bài viết.
|