Được, mất với loa phường

29/07/2022 - 06:22

PNO - Trong cuộc sống thường ngày, chiếc loa phường đã bị “khai tử” từ lâu! Vậy thì vì sao chỉ Hà Nội vẫn “kiên định” với “tư duy loa phường”?

 

Trong thời gian tới, loa phát thanh của các phường ở TP.Hà Nội sẽ được đặt tại các vị trí phù hợp hơn - ẢNH: BẢO KHANG
Trong thời gian tới, loa phát thanh của các phường ở TP. Hà Nội sẽ được đặt tại các vị trí phù hợp hơn - Ảnh: Bảo Khang

Mới đây, UBND TP. Hà Nội đã ban hành kế hoạch phấn đấu đến năm 2025 sẽ phủ sóng loa truyền thanh đến tận các thôn, ấp, tổ dân phố của 579 xã, phường, thị trấn. Ngay lập tức, chiếc loa phường lại trở thành đề tài bàn tán sôi nổi. Đa số ý kiến cho rằng, loa phường đã lạc hậu, không còn phù hợp với bối cảnh ngày nay.

Trước sự quan tâm của dư luận, ngày 27/7, Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) TP. Hà Nội đã thông tin đến báo chí về một số nội dung của kế hoạch sẽ làm.

Cụ thể, bà Nguyễn Thị Mai Hương - Phó giám đốc Sở TT-TT Hà Nội - cho biết, ngày 21/7/2022, UBND TP. Hà Nội ban hành kế hoạch về việc thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn thành phố, trong đó đưa ra mục tiêu: Đài truyền thanh cơ sở sẽ dần chuyển đổi công nghệ sang sử dụng phương thức truyền đưa tín hiệu âm thanh, dữ liệu trên hạ tầng viễn thông, internet. Đồng thời, sử dụng phổ biến công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) kết hợp với công nghệ xử lý dữ liệu lớn (Big Data) trong sản xuất nội dung chương trình phát thanh…

Lãnh đạo Sở TT-TT Hà Nội khẳng định, đài phát thanh là hình thức thông tin cơ sở phát huy hiệu quả trong việc giúp người dân tiếp nhận đầy đủ thông tin thiết yếu, đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống.

Tuy nhiên, bà Mai Hương cũng thừa nhận: “Thực tiễn cho thấy, có lúc, có nơi, người dân còn bức xúc với loa truyền thanh phường do nội dung chưa phong phú, chất lượng phát thanh chưa cao, bố trí khung thời gian, chương trình chưa hợp lý”. Do đó, TP. Hà Nội đã chuyển đổi, giảm từ 10 loa/cụm xuống còn 2 loa/cụm, đồng thời điều chỉnh thời lượng phát thanh. Theo đó, ở nội thành loa phường chỉ phát 15 phút/buổi, ngày phát tối đa hai buổi, trừ khi có trường hợp đặc biệt; một tuần phát năm ngày (không phát thứ Bảy và Chủ nhật), trừ trường hợp đặc biệt như thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn…

Trước lo ngại về đội ngũ và chi phí vận hành hệ thống loa phường, lãnh đạo Sở TT-TT Hà Nội khẳng định sẽ xây dựng hệ thống thông tin nguồn từ Trung ương đến địa phương, chỉ cần bấm nút là cơ sở có thể nhận và phát đồng bộ, từ đó sẽ giảm nhân lực. Mặt khác, các phát thanh viên, người làm công tác vận hành loa phường ở cơ sở đều là làm kiêm nhiệm chứ không chuyên trách nên không làm tăng biên chế.

Trong thực tế, nỗi khiếp hãi của loa phường với nhiều người Hà Nội, đặc biệt là người già và trẻ em - hai đối tượng ở nhà và phải nghe loa phường nhiều nhất, TP. Hà Nội từng hai lần lấy ý kiến của người dân về việc dừng thiết bị này trong hai năm 2017 - 2018. Kết quả là khoảng 70 - 90% ý kiến ủng hộ bỏ loa phường.

Sau đó, Hà Nội còn ban hành đề án sắp xếp lại hoạt động của đài truyền thanh xã, phường, thị trấn theo hướng tiết giảm. Các quận chỉ duy trì từ 5 - 10 cụm loa, mỗi cụm tối đa hai loa, tại các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng loa phường không phát hằng ngày, chỉ phát khi có thông báo khẩn. Ấy vậy mà chẳng hiểu vì sao, sau mấy năm, Hà Nội lại phải “phấn đấu” phủ sóng lại hệ thống truyền thanh này đến tận thôn, ấp, tổ dân phố của tất cả 579 xã, phường, thị trấn!?

Khoan bàn tới chuyện “đinh tai nhức óc”, “rác âm thanh”, “ô nhiễm tiếng ồn”! Cũng khoan bàn tới định hướng 4.0! Chỉ nói riêng việc trang bị hệ thống loa, đài, dây nhợ, cột, trạm và bộ máy vận hành sẽ hình dung được phần nào về những chi phí.

Còn nhớ, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước năm 2021, triển khai nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2022 do Bộ Tài chính chủ trì, Thủ tướng Phạm Minh Chính từng yêu cầu ngành tài chính chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, nhất là giảm chi đối với những khoản chi không thực sự cần thiết… Chưa kể Hà Nội còn bao vấn đề cấp bách đang chờ giải quyết như ùn tắc giao thông, ngập lụt, ô nhiễm, quá tải hạ tầng… Ngầm hóa cũng là một xu hướng tạo ra mỹ quan đô thị và hướng đến sự phát triển bền vững. Cho nên việc phát triển “thiết chế thông tin và truyền thông” hùng hậu gắn với hệ thống loa phường đến từng xóm ấp, tổ dân phố có vẻ đang đi ngược với xu hướng phát triển và mỹ quan đô thị.

Trước sự phản đối của dư luận, lãnh đạo Sở TT-TT cho rằng: Đài truyền thanh là hình thức thông tin cơ sở phát huy hiệu quả trong việc giúp người dân tiếp nhận đầy đủ thông tin thiết yếu. Đặc biệt, hệ thống loa phường có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua… Nói như vậy không sai, nhưng chưa đầy đủ! 

Nước ta có 63 tỉnh thành, địa phương nào cũng cần truyền đạt thông tin từ Trung ương tới cơ sở chứ không riêng gì Hà Nội. Trong dịch bệnh vừa qua, cả 63 tỉnh thành đều tham gia chống dịch chứ không riêng Hà Nội. TPHCM là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19, nhưng trong những ngày chống dịch căng thẳng nhất, chiếc loa phường cũng không hiện diện một cách đậm nét. Còn trong cuộc sống thường ngày, chiếc loa phường đã bị “khai tử” từ lâu! Vậy thì vì sao chỉ Hà Nội vẫn “kiên định” với “tư duy loa phường”? 

Tùng Hạ (TP. Hà Nội)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Trầm Kha 31-07-2022 21:43:18

    Thời đại 4.0 rồi mà sao Thủ đô lại còn sử dụng loa phường! Vừa tốn kém, vừa mất mỹ quan đô thị , vừa ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của nhiều người- nhất là trẻ em và người già. Tôi không đồng ý với quyết định phủ sóng loa phường của Hà Nội. Nếu cần thiết hãy lấy ý kiến người dân!

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI