Được làm chị em

04/05/2016 - 09:03

PNO - “Người dưng nhưng được làm chị em với nhau, là phúc phận. Bà quen chạy chợ nên ra ngoài mua bán, bà Tích ở nhà lo lắng việc nhà là được thôi..."

Hai người đàn bà tuổi xế chiều, không chồng, không con, nương tựa vào nhau dưới một mái nhà. Người đi xin từng nắm gạo, bán từng lá trầu, người ở nhà lo nấu cơm, giặt giũ.

Chúng tôi đến thăm đôi bạn già ở ngôi nhà nhỏ tại thôn 8, xã Mỹ Thắng, H.Phù Mỹ (Bình Định). Trước căn nhà đơn sơ, một cụ bà nhỏ thó xách gàu nước tưới từng khóm bông, một cụ cặm cụi nhóm lửa bên bếp. Hỏi thăm, nhà bà Dư Giàu (tên thường gọi của bà Lê Thị Giàu) phải không? Đúng rồi, bà Giàu nhưng nghèo nhất xóm con ơi. Bà già móm mém cười hiền hậu trả lời rồi mời khách vào nhà.

Duoc lam chi em
Hai người đàn bà được làm chị em với nhau ở cái tuổi gần đất xa trời. Trong ảnh bà Giàu và bà Tích (giữa) nhận phần quà từ các bạn trẻ ở xã Mỹ Thắng

Đôi bạn già Lê Thị Giàu (75 tuổi) và Nguyễn Thị Tích (63 tuổi), hai người đàn bà đơn thân, không quan hệ họ hàng, cùng dọn về ở chung với nhau. Bà Giàu lo chợ búa, bà Tích lo cơm nước, vun vén nhà cửa. “Già rồi, có một người bạn ở cùng, nói chuyện vui lắm. Mong gì hơn nữa. Cả đời không chồng, không con, mà cuối đời tìm được một người bạn, một người chị em là hạnh phúc. Chết cũng không lo chết trong cô đơn”, bà Giàu nói.

Năm ba câu chuyện chào hỏi, làm quen, trong mắt của hai bà, chúng tôi như con, cháu lâu ngày về thăm. “Ở lại ăn bữa cơm, hôm qua bà mới mua được một ký gạo, còn mua thêm 20 bánh tráng mì về để nhúng ăn dần. Mấy cháu ở lại cùng ăn”, hai cụ bà mời nhiệt tình.

Bên mâm cơm chiều, cuộc đời của hai cụ bà thấp thoáng hiện lên từ những câu kể rời rạc, chắp nối. “Nhà có hai chị em gái, ngày trước bà buôn bán chạy chợ nuôi cô em. Lớn lên, cô em mất trong chiến tranh, bà ở vậy nhang khói cho em, kiếm sống qua ngày. Tuổi già ập đến không hay, ngoảnh lại bà không có chồng, không có con, thỉnh thoảng có người cháu họ hàng xa ghé thăm.

Lúc còn khỏe, bà đi làng trên xóm dưới mua từng củ mì, củ khoai lang ra chợ bán. Nay già yếu rồi bà không đi xa được nữa, chỉ loanh quanh các xã mua từng nắm trầu về bán. Qua cầu tre lắt lẻo, bà đi từ xóm 8, xã Mỹ Thắng tới xã Mỹ Đức mua lá trầu về chợ bán. Mỗi ngày, bà bán trầu từ chợ Miễu rồi lên chợ Biển. Bán hết buổi trầu được vài ba nghìn đồng, người ta cho thêm cũng được 15.000đ/ngày. Số tiền này mua được ký gạo, mắm muối cho hai bà đủ dùng. Trời thương, nên ở tuổi bà mà vẫn đi bộ được khắp làng, khắp xóm mới có thể đi bán từng nắm trầu”, bà Giàu kể.

Bà Tích ngậm ngùi: “Ngày trẻ bà cũng lăn lộn mưu sinh. Bà đi ở thuê khắp xứ, có đồng tiền gửi về lo cho các em ở nhà. Năm qua tháng lại giờ thành bà già đơn thân. Không còn sức đi ở đợ, bà về quê. Con cháu, chị em cũng còn, nhưng bà không ở được với ai. May mắn, có người cho bà ở cùng, thành chị, thành em nương tựa lẫn nhau. Cũng là cái duyên, cái số. Bà sống từng này tuổi rồi, còn mong gì hơn có một người bạn, một người chị em khi nhắm mắt xuôi tay”.

Chẳng phải họ hàng chị em sao hai bà lại ở cùng nhà, chăm sóc nhau như người thân? “Bà Giàu ở xóm 8, bà thì ở tận xóm 4 (cũng xã Mỹ Thắng), có mấy lần đi xin gạo rồi gặp nhau. Bà Giàu có nhà, bà thì không, chẳng biết thủ thỉ làm sao, bọn bà về ở chung. Hai bà ở với nhau được hai năm rồi đó. Ngày ngày, bà Giàu đi chợ, còn bà ở nhà nấu cơm đợi bà ấy về cùng ăn. Thỉnh thoảng, em gái bà mang cho ký gạo, mắm muối… Em gái bà muốn bà về ở cùng, nhưng bà không ưng bụng.

Ở không quen, không hợp, ở với bà Giàu mà vui. Hai bà già có nhiều chuyện nói lắm. Chuyện ở chợ, chuyện ở làng trên xóm dưới bà Giàu đều biết về kể cho bà nghe. Mấy hôm nữa, bà đi thăm đứa cháu vài ngày rồi lại về. Để bà Giàu ở nhà một mình không đành lòng, bà đi rồi bà ấy sẽ buồn”, bà Tích cười, mắt lấp lánh niềm vui. “Người dưng nhưng được làm chị em với nhau, là phúc phận. Bà quen chạy chợ rồi nên ra ngoài mua bán, bà Tích ở nhà lo lắng việc nhà là được thôi. Người già cả mà, chẳng có chuyện gì mà cãi nhau, mà hờn dỗi, sống với nhau được thêm một ngày là tốt rồi”, bà Giàu tiếp lời, cười móm mém.

Ký ức của những năm tháng tuổi trẻ, hai bà không còn nhớ nhiều, vài ba câu chuyện gọi là. Hạnh phúc của hai bà hôm nay đơn giản là “được làm chị em”, sống với nhau đến cuối đời.

Thu Dịu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI