Được gọi là thầy, cô thì có phải là nhà giáo?

03/04/2024 - 22:01

PNO - Những người làm trong đơn vị sự nghiệp giáo dục, không trực tiếp giảng dạy nhưng vẫn gọi chung là “thầy, cô”, vậy họ có phải là nhà giáo hay không?

Ngày 3/4, Đại học Quốc gia TPHCM đã tổ chức Tọa đàm pháp luật về nhà giáo của một số quốc gia và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

Ai được gọi là nhà giáo

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá - Giáo dục của Quốc hội cho biết, Luật nhà giáo được đưa ra bàn từ nhiều năm trước. Trong chỉ thị 40/2004/CT-TW về xây dựng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo đã đưa nhiệm vụ xây dựng Luật nhà giáo cho Bộ GD-ĐT. Năm 2008, quốc hội đã đưa dự luật này vào chương trình dự luật năm 2009, tuy nhiên sau đó đã đưa vào luật viên chức nên Luật nhà giáo viên đến thời điểm này vẫn chưa hoàn thiện. Hiện hoạt động của nhà giáo chủ yếu dựa vào luật viên chức, luật lao động cùng các thông tư, văn bản hướng dẫn khác.

Bà cho rằng hoạt động của nhà giáo đang bị chi phối chồng chéo bởi nhiều luật khác nhau nên cần thiết xây dựng bộ luật riêng về Luật nhà giáo. Trong đó, bộ luật này sẽ định danh rõ về chức danh nhà giáo. “Chúng ta hướng tới xác định ai là nhà giáo. Từ trước đến nay, những người làm trong đơn vị sự nghiệp giáo dục được gọi chung là “thầy, cô” nhưng họ có phải là nhà giáo hay không. Nhân viên trong trường học cũng tham gia vào quá trình đào tạo, giáo dục nhưng họ không phải là nhà giáo”, bà Mai Hoa đưa ra ví dụ.

- Ảnh: Nguyễn Loan
Cô Phạm Thị Xuân Oanh - giáo viên tại Trường THCS Lê Văn Tám (quận Bình Thạnh) trong một tiết dạy - Ảnh: Nguyễn Loan

Thứ 2, luật sẽ đưa ra chuẩn nghề nghiệp, khi đi vào nhóm nhà giáo khác nhau thì chuẩn nghề nghiệp này cần rõ ràng hơn, có chính sách chung nhưng cần có những quy định riêng cho từng nhóm nhà giáo ở các cấp, bậc học, vị trí công việc khác nhau.

Đặc biệt, một vấn đề lớn hiện nay là các cơ sở giáo dục phụ trách đảm bảo chất lượng nhưng lại “không nắm quyền, không nắm người” khi việc tuyển dụng hiện nay đang do Phòng Nội vụ quyết định.

Về chính sách tiền lương cũng vướng nhiều quy định. Hiện chúng ta đang trả lương theo vị trí việc làm, kinh nghiệm… Thực tế, theo quy định mới thì lương giáo viên có thể tăng nhưng thu nhập giảm; sự chênh lệch giữa lương giáo viên tăng và nhân viên, cán bộ quản lý trong ngành giáo dục…

Luật sẽ bảo vệ giáo viên, người làm công tác giáo dục

Còn theo tiến sĩ Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) luật nhà giáo kỳ vọng sẽ kiến tạo môi trường hoạt động nghề nghiệp tốt nhất cho nhà giáo, các quy định giúp nhà giáo hoạt động an toàn, được bảo vệ trong sự nghiệp của mình. Đồng thời chuẩn hóa nâng cáo chất lượng đội ngũ nhà giáo, tạo bình đẳng cho nhà giáo hai khối công lập và tư thục, nhà giáo có yếu tố nước ngoài…

Ông Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho rằng hiện có rất nhiều luật quy định về hoạt động của nhà giáo, chồng chéo nhưng lại không đủ. Do vậy cần thiết đưa ra bộ luật riêng để có những quy định với lực lượng lao động đông nhất trong lĩnh vực sự nghiệp nhà nước này.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng chia sẻ tại buổi tọa đàm - Ảnh: Nguyễn Loan
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng chia sẻ tại buổi tọa đàm - Ảnh: Nguyễn Loan

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhận định đây là một vấn đề rất lớn và phức tạp. Để xây dựng cần sự tham gia của 5 “nhà”, gồm nhà quản lý (Chính phủ, bộ ngành và ủy ban quốc hội) hoạch định chính sách; nhà đào tạo – là các thầy, cô giáo nơi đào tạo ra giáo viên; nhà sử dụng (quản lý các trường, phòng GD-ĐT); và cuối cùng là nhà thụ hưởng - là người học, đối tượng này rất rộng nên cần lấy ý kiến đóng góp và quá trình xây dựng luật.

Dù hiện nay có rất nhiều luật liên quan nhưng vẫn còn nhiều vùng trũng, ví dụ như khi phụ huynh xúc phạm giáo viên thì phải xử lý thế nào, điểm luật nào bảo vệ nhà giáo…

Ông mong muốn nhận được sự đóng góp của các cơ quan giáo dục, giáo viên, sinh viên, học sinh và xã hội để hoàn thiện dự luật, sớm ban hành để có cơ sở pháp lý bảo vệ, hỗ trợ cho nhà giáo yên tâm công tác.

Nguyễn Loan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI