Được đền bù 1,6 tỷ tiền đất phải 'tự nguyện' nộp lại một nửa cho xóm?

21/07/2017 - 19:00

PNO - Nhận được gần 1,6 tỷ đồng tiền chuyển nhượng quyền sử dụng đất và hỗ trợ để "nhường" đất cho doanh nghiệp làm dự án, 6 hộ dân tại Nghệ An đã phải “tự nguyện” nộp lại một nửa số tiền trên cho xóm.

Theo phản ánh của nhiều hộ dân xóm 1 (xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu, Nghệ An), từ năm 1993, 6 hộ dân xóm này cùng nhau khai hoang và canh tác trên diện tích khoảng 70.825 m2 đất nông nghiệp tại khu vực đập Mảnh (nay thuộc địa phận xã Diễn Ngọc). Năm 2016, UBND tỉnh Nghệ An giao khu đất trên cho công ty TNHH Việt Tiến để làm dự án.

Sau khi thỏa thuận, người dân và phía công ty cùng thống nhất bồi thường về đất, công khai hoang, hoa màu trên đất cho các gia đình có diện tích mảnh đất trên với tổng số tiền gần 1,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, các hộ dân này đã giao nộp lại một nửa số tiền trên cho xóm trưởng xóm 1.

Duoc den bu 1,6 ty tien dat phai 'tu nguyen' nop lai mot nua cho xom?
Nhiều người dân bức xúc, làm đơn yêu cầu xóm trả lại số tiền họ đã nộp.

Bà Cao Thị Phượng (56 tuổi) cho biết, gia đình bà khai hoang và canh tác trên mảnh đất có diện tích 697 m² đất nông nghiệp tại khu vực đập Mảnh từ năm 1993. Sau khi bàn giao đất cho doanh nghiệp, bà Phượng được Công ty TNHH Việt Tiến trực tiếp bồi thường về đất, công khai hoang, hoa màu trên đất cho gia đình hơn 153 triệu đồng. Tuy nhiên, thực tế bà Phượng chỉ được hưởng một nửa số tiền trên, số còn lại đã giao lại cho xóm trưởng.

“Đất này là công của chúng tôi tự khai hoang từ năm 1993 rồi trồng lúa từ đó đến nay. Năm nào được mùa thì mới trích một ít nộp cho xóm, còn nếu mất mùa thì thôi chứ không phải nộp sản lượng. Khi có dự án, xóm họp bàn và thống nhất chỉ cho chúng tôi hưởng một nửa số tiền đền bù, số còn lại phải giao lại cho xóm”, ông Lê Hồng Sơn, chồng bà Phượng cho biết.

Không chỉ riêng gia đình bà Phượng, 5 hộ dân khác tại xóm này cũng phải nộp lại một nửa tiền chuyển nhượng đất và hỗ trợ cho xóm trưởng. Cho rằng việc xóm thu lại 50% số tiền chuyển nhượng và hỗ trợ đất là sai quy định, các hộ dân này đã đơn gửi chính quyền các cấp khiếu nại, yêu cầu xóm trả lại số tiền trên.

Duoc den bu 1,6 ty tien dat phai 'tu nguyen' nop lai mot nua cho xom?
Cánh đồng nơi tranh cãi.

Mảnh đất tranh cãi

Trong khi các hộ dân trên đều khẳng định mảnh đất mình canh tác tại Đập Mảnh là do gia đình khai hoang từ năm 1993, thì người lại chính quyền xóm 1 lại cho rằng đây là đất nông nghiệp được xã Diễn Thành giao lại cho người dân xóm 1 canh tác.

Bà Phan Thị Liễu, Bí thư Chi bộ xóm 1 khẳng định đây không phải là đất do các hộ dân vỡ hoang mà là đất theo Nghi định 64. Theo bà Liễu, do người dân xóm 1 thiếu đất canh tác nên năm 1994, sau khi Nghị định 64 ra đời, UBND xã Diễn Thành đã chuyển toàn bộ đất trên cánh đồng này cho người dân xóm 1 canh tác. Sau khi nhận đất, xóm chia đất theo khẩu cho hơn 800 khẩu.

“Sau khi chia thì còn lại một phần đất nằm ngoài bờ đê. Vì đất này ít, lại sâu sục nên cán bộ xóm không chia mà cho các hộ gia đình đấu thầu sản xuất. Hàng năm các hộ này phải nộp quỹ về cho xóm, nếu mất mùa thì đươc miễn”, bà Liễu nói và cho biết sau khi có dự án thu hồi mảnh đất này, người dân xóm 1 cùng thống nhất thu lại một nửa số tiền đền bù. Một nửa còn lại trích cho các hộ dân vì đã có công canh tác, cải tạo đất.

Duoc den bu 1,6 ty tien dat phai 'tu nguyen' nop lai mot nua cho xom?
Ông Sơn cho rằng mảnh đất này do gia đình khai hoang từ năm 1993 và canh tác đến nay nên việc xóm thu lại một nửa tiền chuyển nhượng đất là sai quy định.

Ông Hồ Công Lực, xóm trưởng xóm 1 cho biết số tiền trên là do các hộ dân tự nguyện đem đến nộp chứ không ai thúc ép. Hơn nữa, các hộ dân này đều đồng ý nộp lại một nửa số tiền đền bù trong cuộc họp toàn xóm trước đó. Sau khi nhận 800 triệu đồng từ 6 hộ dân, xóm này đã chi 300 triệu để xây dựng các công trình trong xóm.

Trao đổi về vấn đề này, bà Hồ Thị Tâm, Chủ tịch UBND xã Diễn Thành cho biết, sau khi nhận được phản ánh, chính quyền xã này cũng đã nhiều lần mời đại diện xóm 1 và các hộ dân lên làm việc nhưng không tìm được tiếng nói chung. Do việc hồ sơ lưu trữ từ lâu, nên hiện chính quyền xã này đang xác định đây là đất theo Nghi định 64 hay đất các hộ dân khai hoang từ năm 1993 để có hướng xử lý.

“Các hộ dân này cũng thừa nhận là tự nguyện đem một nửa số tiền lên nộp lại cho xóm. Việc xóm và các hộ dân có đất làm dự án họp bàn với nhau không thông qua xã nên sau khi có khiếu kiện thì chúng tôi mới biết. Các hộ dân này yêu cầu xóm trả lại số tiền đã nộp sau khi người dân trong xóm đòi chia nhỏ tiền cho từng người chứ không để số tiền này làm các công trình của xóm”, bà Tâm nói.

Thành Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI