Đừng xem nhẹ vấn đề tâm thần ở người trẻ

23/10/2023 - 06:09

PNO - Ra đời hơn 30 năm nay, ngày Sức khỏe tâm thần thế giới (World mental health day) 10/10 như một sự nhắc nhở về tầm quan trọng của sức khỏe tâm thần đối với từng cá nhân trong xã hội.

Thỉnh thoảng gặp H. - cháu tôi, sinh viên năm cuối một trường đại học y khoa - tôi thường hỏi những câu quen thuộc: “Chuyện học hành của cháu thế nào? Học vui không?”. Tôi thường nhận được những câu trả lời giống nhau của H. với một giọng mệt mỏi: “Đến đâu hay đến đó. Mà học xong, ra trường, cháu cũng chẳng biết làm gì nữa”. Mẹ H. cho biết, H. rơi vào tình trạng chán học, lo âu, mất ngủ hơn 1 năm qua do việc học căng thẳng và do cảm nhận nhiều bất ổn của cuộc sống sau đợt dịch COVID-19. 

Theo một nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Y học dự phòng năm 2021 về sức khỏe tâm thần của sinh viên một số trường đại học y khoa ở Việt Nam trong dịch COVID-19, có gần 13% trong 877 người được hỏi có dấu hiệu trầm cảm. Ngoài ra, khảo sát còn phát hiện mối liên quan giữa sức khỏe tâm thần với các yếu tố như chương trình học, nguồn tài chính, tương lai, bệnh mạn tính, tình trạng sức khỏe hiện tại.

Trong thông cáo gửi đi nhân ngày Sức khỏe tâm thần thế giới năm 2023, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ghi nhận, cứ 8 người trên hành tinh thì có 1 người có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Còn theo một nghiên cứu được WHO, Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT Việt Nam phối hợp thực hiện vào tháng 10/2021 trên gần 8.000 học sinh 13-18 tuổi ở 81 trường học của 20 tỉnh, thành phố, có gần 13% thường xuyên cảm thấy cô đơn, 17% khó tập trung học tập và hơn 15% có ý nghĩ tự tử. Trước đó, năm 2018, nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng cho ra kết quả: 30% trẻ em và thanh niên Việt Nam có vấn đề tâm thần. 

Theo WHO, sức khỏe tâm thần là một bộ phận không thể tách rời của sức khỏe, trong đó sức khỏe tâm thần không chỉ là không bị mắc rối loạn tâm thần mà còn bao hàm trạng thái thoải mái, sự tự tin vào năng lực bản thân, tính tự chủ, năng lực nhận biết những tiềm năng của bản thân. 

Trong một thế giới nhiều biến động như ngày nay, sự gia tăng các vấn đề tâm thần ở người trẻ có lẽ cũng là điều tất yếu. Vấn đề ở đây là giải quyết như thế nào. Không thể phủ nhận nỗ lực của nhiều ban, ngành trong việc ngăn ngừa và cung ứng các dịch vụ hỗ trợ sức khỏe tâm thần cho người trẻ. Nhưng thực tế, nguồn lực cho vấn đề này vẫn còn hạn chế.

Nghiên cứu của UNICEF và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy, nước ta thiếu hụt lớn về nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn để giải quyết các vấn đề tâm thần ở người trẻ, bao gồm chuyên viên tư vấn tâm lý, nhân viên công tác xã hội, nhà trị liệu tâm lý, bác sĩ tâm thần. 

Một rào cản khác khiến việc giải quyết vấn đề tâm thần người trẻ gặp nhiều khó khăn là nhận thức chưa cao của cộng đồng về sức khỏe tâm thần, như không quan tâm chữa trị hoặc chỉ chữa trị tại nhà. 

Năm nay, thông điệp mà WHO đưa ra nhân ngày Sức khỏe tâm thần là “Sức khỏe tâm thần là quyền con người phổ quát”. Theo đó, mọi cá nhân - dù là ai và ở đâu - đều có quyền sống với tình trạng sức khỏe tâm thần tốt nhất. Điều này bao gồm quyền được bảo vệ khỏi những nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, quyền được tiếp cận và chăm sóc dễ dàng với chất lượng tốt và quyền được sống hòa nhập trong cộng đồng mà không bị kỳ thị, xa lánh nếu có vấn đề tâm lý hay tâm thần.

Người trẻ là nguồn nhân lực then chốt giúp mọi quốc gia phát triển thịnh vượng. Điều này chỉ có được khi người trẻ là những người thật sự khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần. 

Phan Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI