Đừng xem nhẹ bệnh suy giảm trí nhớ ở người trẻ

08/07/2023 - 05:39

PNO - Bệnh nhân mắc bệnh suy giảm trí nhớ đang ngày càng trẻ hóa, đặc biệt ở người làm công việc văn phòng, thường xuyên chịu căng thẳng, áp lực. Nếu kéo dài sẽ làm cho trí nhớ và khả năng tư duy kém dần, thậm chí làm tăng nguy cơ dẫn đến sa sút trí tuệ hoặc bệnh Alzheimer.

 

Người bệnh đang được kiểm tra, đánh giá về giảm trí nhớ tại Bệnh viện Thống Nhất - ẢNH: AN NGUYÊN
Người bệnh đang được kiểm tra, đánh giá về giảm trí nhớ tại Bệnh viện Thống Nhất - Ảnh: An Nguyên

Mệt mỏi với… nhớ nhớ quên quên

Mấy tháng nay, anh N.H.L. (34 tuổi, ở Long An) thường xuyên được bạn bè, gia đình khuyên đi khám về thần kinh bởi rất mau quên. Thế nhưng, anh L. cho rằng bản thân không có bệnh, vẫn đi làm, sinh hoạt bình thường. Khoảng 2 tuần trước, anh hay làm mất tiền, điện thoại, chìa khóa xe…

Thậm chí, anh quên tắt bếp khi nấu ăn gây lửa cháy khiến cả nhà hoảng hốt. Nhận ra nguy hiểm, anh đến một bệnh viện chuyên khoa tâm thần để khám. Bác sĩ chẩn đoán anh bị mất ngủ kéo dài ảnh hưởng đến hệ thần kinh, cho thuốc về uống. Nhưng gần đây, anh phải tạm xin nghỉ phép do vừa trao đổi công việc với đồng nghiệp xong thì không nhớ gì. 

“Có lúc, tôi về nhà nằm nghĩ mãi mới nắm được một chút nội dung công việc. Tôi làm nghề tư vấn khách hàng, nhiều khi nói đó quên đó, hay phải mất 5-10 phút mới nhớ điều mà khách thắc mắc. Dù tôi đã uống nhiều loại thuốc tốt cho não nhưng vẫn không khắc phục được”, anh L. kể.

Khi đến Bệnh viện Thống Nhất khám, bác sĩ cho biết do công việc thường xuyên đối mặt với áp lực, kèm theo kinh tế gia đình đang gặp khó khăn nên anh L. bị một số vấn đề về sức khỏe tâm thần. Không được điều trị sớm, đúng cách nên kéo theo bị suy giảm trí nhớ.

Chị P.H.T.D. (50 tuổi, ở TPHCM) thì lại thường quên những việc xảy ra tức thì, phải mất một chút thời gian ngẫm nghĩ mới nhớ được. Chị D. cho rằng bản thân ăn thiếu chất, mất ngủ nên tự điều chỉnh lối sống để khắc phục. “Ban đầu, tôi thấy mình điều chỉnh được, nhưng sau đó mọi thứ khó khăn hơn. Ví dụ tôi muốn đi xuống bếp lấy đồ, tới nơi thì không nhớ mình cần gì, phải nghĩ khoảng 20 phút mới nhớ lại. Hay khi nói chuyện với người khác thì quên tên, hoặc không nhớ vừa nói câu gì. Ở nhà, mẹ của tôi đang bị giảm trí nhớ rất nặng, tôi rất sợ vài năm nữa mình sẽ giống như vậy”, chị D. chia sẻ.

Chị D. được bác sĩ tại Bệnh viện Thống Nhất kiểm tra, đánh giá, trắc nghiệm trí nhớ. Bác sĩ nhận thấy chị không bị sa sút trí tuệ, các chức năng nhận thức, sử dụng ngôn ngữ, đánh giá công việc… đều tốt. Tuy nhiên, khi hỏi bệnh sử, bác sĩ phát hiện cùng thời gian chị D. có các triệu chứng giảm trí nhớ, gia đình chị có một biến cố lớn. Sau đó, chị D. rơi vào rối loạn lo âu, trầm cảm, có khi giận dữ, suy nghĩ tiêu cực nhưng cố chịu đựng rồi rơi vào suy giảm trí nhớ, nhận thức.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Phương Nga - Trưởng khoa Nội thần kinh Bệnh viện Thống Nhất - cho biết, để điều trị cho chị D., các bác sĩ phải giúp chị “gỡ rối” tâm lý và sử dụng thuốc hỗ trợ nhiều tháng. Hiện tại, sau 2 tháng điều trị liên tục, bệnh nhân dần khắc phục được các rối loạn. Tuy nhiên, phải từ 3 đến 6 tháng mới có thể đánh giá được về trí nhớ.

Điều trị trễ tăng nguy cơ sa sút trí tuệ 

Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Nga cho biết suy giảm trí nhớ (chứng hay quên) là tình trạng suy giảm khả năng ghi nhận, lưu trữ và khôi phục thông tin. Người bị suy giảm trí nhớ thường gặp khó khăn trong việc ghi nhận (trí nhớ tức thì) và khôi phục thông tin (nhớ lại). Tình trạng này có thể làm cho trí nhớ và khả năng tư duy kém dần theo thời gian, thậm chí làm tăng nguy cơ dẫn đến sa sút trí tuệ hoặc bệnh Alzheimer. Ngày nay, tỉ lệ người dưới 30 tuổi bị suy giảm trí nhớ lên đến 14%, ở tuổi trung niên (40-50 tuổi) chiếm 22% trong tổng số người đến khám bệnh. Trong khi đó, người cao tuổi chiếm khoảng 26%.

Tại Bệnh viện Thống Nhất, trung bình mỗi tháng có khoảng 50-100 người trẻ, trung niên đến khám các vấn đề liên quan tới trí nhớ. Riêng tại Khoa Nội thần kinh, số người trẻ đang điều trị chiếm khoảng 1/3 bệnh nhân. Nguyên nhân của suy giảm trí nhớ ở người trẻ tuổi thường liên quan đến các yếu tố về lối sống như căng thẳng, áp lực công việc, phải làm nhiều việc cùng lúc, rối loạn giấc ngủ (mất ngủ, giảm chất lượng giấc ngủ...), lạm dụng rượu bia, sử dụng chất kích thích, chất gây nghiện, bóng cười… Ngoài ra, còn là biểu hiện của một số bệnh tâm lý tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu… hay một số bệnh lý cũng gây giảm trí nhớ như suy tuyến giáp, thiếu máu, u não, máu tụ mạn tính 
trong não.

“Hầu hết người bệnh không thừa nhận mình mắc bệnh, cho đến khi ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống được người thân động viên, mới đến bệnh viện khám”, bác sĩ Nguyễn Thị Phương Nga cho biết. Đa số người trẻ mắc suy giảm trí nhớ thường có biểu hiện kém tập trung, lơ đãng trong công việc. Việc học tập, tâm lý, cảm xúc cũng từ đó thay đổi bất thường. Có người dễ nóng giận, hờn dỗi, có người cảm thấy buồn, muộn phiền, thờ ơ với mọi thứ. Lúc này, nếu vẫn cố chịu đựng, người bệnh rơi vào trạng thái hay quên. Song song đó, khó ghi nhớ thông tin mới nên mất tự tin, hạn chế tiếp xúc, thậm chí lúng túng trong các mối 
quan hệ...

Thế nên, khi cảm thấy bản thân và người xung quanh có triệu chứng hay quên, chúng ta nên chủ động và động viên người thân, bạn bè đến bệnh viện có chuyên khoa để được đánh giá, kiểm tra trắc nghiệm về nhận thức như khả năng tập trung, trí nhớ tức thì... kiểm tra về các rối loạn, trầm cảm, lo âu… để bác sĩ xác định mức độ bệnh. Từ đó có liệu trình điều trị kịp thời. 

Làm gì để không bị suy giảm trí nhớ nghiêm trọng?

Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Nga khuyến cáo khi vừa phát hiện bệnh, người bệnh cần thay đổi một số thói quen, sinh hoạt tiêu cực, thay vào đó thực hiện một số vận động, chế độ dinh dưỡng như sau:

- Tập trung một việc ở một thời điểm, sắp xếp công việc hợp lý tránh việc cùng lúc phải giải quyết nhiều vấn đề. Nếu có nhiều thời gian, có thể ngồi thiền, tập khí công, yoga...

- Luyện tập thể lực thường xuyên để tăng cường lưu thông máu, tăng hô hấp, tăng ô xy lên não, chống ô xy hóa, chống viêm…

- Tránh lạm dụng rượu bia, chất kích thích, cà phê, trà vào buổi tối, tránh hoạt động thể lực và trí óc quá mức để ngủ sâu, ngủ đủ giấc.

- Hạn chế những loại thực phẩm nhiều carbohydrate và đường, chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, đồ uống có gas. Sử dụng nguồn thực phẩm lành mạnh, giàu dinh dưỡng cho não như cá biển (giàu a xít béo omega-3), thực phẩm giàu vitamin nhóm B gồm rau, trái cây màu xanh đậm, vàng đỏ, nấm, sữa, ngũ cốc, các loại hạt…

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI