Đừng xem mẹ như quản gia

13/03/2014 - 16:20

PNO - PN - Ngày con về ra mắt mẹ, mẹ thiện cảm ngay với khuôn mặt ngây thơ, dễ thương của con. Con nhỏ hơn con trai mẹ tám tuổi. Sự chênh lệch tuổi tác và vẻ non trẻ của con làm mẹ lo lắng. Nhưng rồi mẹ tự nhủ: không sao, mẹ sẽ chỉ...

Quả thật, chuyện gì con cũng không biết, mẹ phải dạy con từng chút. Mẹ ruột của con suốt ngày lo mua bán, ít có thời gian chỉ dạy con chuyện bếp núc. Rèn dạy con dâu là bổn phận, mẹ không thấy phiền. Mỗi khi có lỗi, con lại phụng phịu, “con không biết, mẹ đừng giận con nha”. Mẹ làm sao giận con cho được.

Thấy con đi sớm về tối, mẹ giành làm hết việc nhà, dọn cả phòng và giặt quần áo cho vợ chồng con. Đi làm về tới cửa, con đã gọi um, “mẹ, con về rồi nè”. Con sà vào bếp ôm lấy mẹ, ríu rít, “nấu gì mà thơm dữ vậy mẹ?”. Con bốc ngay vài miếng bỏ vào miệng, lúng búng khen lấy khen để. Mệt nhọc của mẹ tiêu tan. Mẹ mắng yêu, “lớn rồi còn ăn vụng, con mau đi tắm rồi ăn cho nóng”. Con cười giòn, “mẹ dễ thương quá hà”. Dâu của mẹ dở làm nhưng đã có mồm miệng đỡ chân tay, mẹ nghe cũng mát ruột... Sáng nào con cũng dậy muộn. Mẹ nghĩ con còn trẻ, đi làm mệt nhọc nên cần ngủ đủ giấc. Mẹ lớn tuổi, ngủ ít thì dậy sớm lo bữa sáng cho cả nhà cũng hợp lý. Con xem đó là nhiệm vụ của mẹ. Chủ nhật, con chẳng thèm dậy sớm phụ mẹ một tay. Dù vậy, mẹ cũng không để bụng.

Dung xem me nhu quan gia

Rồi con sinh cu Bo, việc thay tã, pha sữa con đều không biết, nên mọi việc đều do mẹ làm. Cu Bo năm tháng, con đi làm lại. Thấy con đi làm mệt, tối về còn thức đêm chăm cu Bo, mẹ để Bo ngủ với mẹ cho con được thẳng giấc. Mỗi đêm ba cữ bú, rồi còn thay tã, ru ngủ… nhiều bữa mẹ chóng mặt, lên huyết áp nhưng phải gắng gượng. Lẽ ra Chủ nhật con phải chăm cu Bo cho mẹ ngủ bù, con lại hồn nhiên khoán trắng cho mẹ. Sáng ra con nựng cu Bo, “mẹ mà thức đêm với con là khỏi đi làm luôn đó. Để bà nội cực vầy, mai mốt Bo phải hiếu thảo, thương nội thiệt nhiều nghe chưa”. Nhìn con tươi tỉnh đi làm, mẹ tự nhủ “thương dâu, thương cháu, thôi thì ráng thêm chút xíu”. Con trai thấy mẹ cực, cằn nhằn vợ. Sợ hai vợ chồng to tiếng, mẹ phải nói đỡ cho dâu. Mấy bà bạn thì bảo: “Dạo này thấy vẻ mặt chị kém lắm, lâu rồi cũng không thấy đi tập thể dục. Có dâu rồi còn cực hơn chưa có”. Mẹ cười gượng, “mấy chị có dâu rồi thì biết”. Nói rồi lại thấy buồn, bà An, cô Hiền cũng có dâu mà đâu có ai đầu tắt mặt tối như mẹ…

Cu Bo ba tuổi, vào lớp mầm, ban ngày mẹ được rảnh tay, khỏe được chút xíu. Con trai mẹ đi học ba tháng, con thì ngày nào cũng về muộn. Con bảo công ty đang bị thanh tra, công việc bù đầu. Một bữa mẹ rước cu Bo về thấy cháu lừ đừ, lát sau thì vừa ói vừa sốt. Gọi con hoài không được, hàng xóm đưa hai bà cháu vô bệnh viện. Mẹ nhờ cô hàng xóm lúc về ghé ngang công ty báo tin cho con. Ai dè công ty tắt đèn tối thui, bảo vệ nói mấy sếp đi công tác nước ngoài cả tháng. Mấy tuần nay nhân viên làm việc mới bốn giờ chiều là nghỉ. Hôm nay hình như tụ họp ở nhà hàng X. Nghe cô hàng xóm nói mà điện thoại mẹ tuột khỏi tay…

Cũng may cu Bo bớt sốt, bác sĩ cho về hôm sau quay lại thử máu. Hai bà cháu về nhà mấy tiếng sau mới thấy con về. Con líu lo, “tới giờ này mới tan sở, mệt muốn đứt hơi đó mẹ. Bo ngủ rồi hả mẹ, mẹ cực quá đi”. Mẹ cố nhìn kỹ vẻ mặt con, vẫn cái vẻ ngây thơ hồn nhiên mà sao mẹ thấy lạnh ngắt trong lòng...

Từ lúc nhận ra con gian dối, lạm dụng tình thương của mẹ, mẹ thấy lòng trống rỗng, không biết nên ghét hay giận con. Mẹ thương con thật lòng, xem con như con gái, con lại đối với mẹ như bà quản gia. Mẹ tự trách mình, phải chăng ngay từ đầu tại mẹ quá dễ dãi, quá nuông chiều con nên mới ra nông nỗi này?

 PHƯƠNG NGUYỄN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI