Với thông báo đánh con từ một phụ huynh, đã có nhiều cánh tay giơ lên, ủng hộ nhiệt liệt, cùng thực hành “trò” này. Đặc biệt có bà mẹ tuyên bố “xanh rờn”: “Hôm nay con tôi khá ngoan, nhưng tôi cứ cho nó một trận vậy!”.
|
Thông báo đánh con được “hội đồng” phụ huynh hưởng ứng |
Cười mà xót xa
Đó có thể là một câu chuyện gây cười vì sự “đoàn kết” quá trớn của nhóm phụ huynh “hung tính”; gây cười vì cư dân “văn minh” đến nỗi đánh con cũng trịnh trọng cáo lỗi với hàng xóm.
Cười thì cười, nhưng rồi ai cũng xót xa vì cảm nhận hiện tượng đó đâu chỉ có ở “trend hài” mà trên thực tế đang gia tăng tình trạng phụ huynh bạo hành, la mắng con chỉ vì không quản trị được cảm xúc tiêu cực tích tụ trong mùa COVID-19.
Nghe tiếng cu Bin phía cuối hẻm khóc thét vì bị mẹ đánh, chị Hồng Nhung (ngụ Q.4, TP.HCM) luống cuống, không biết làm gì để can ngăn vì hẻm chị đang phong tỏa, ai nấy ở yên trong nhà. Không họ hàng, nhưng do Bin thường chạy sang chơi với cháu chị nên chị rất cưng Bin. Đợi tình hình lắng dịu, chị gọi điện hỏi han.
Giọng vẫn khản vì mới la đánh tơi bời, mẹ Bin tố: “Chị nghĩ có tức điên không? Đang lúc em bận gọi điện thoại thì Bin chui vào nhà tắm, đóng chặt cửa, đổ nguyên bịch bột giặt vào bồn cầu, nhét cả bông tắm vào nữa. Cầu nghẹt, may mà ba nó đã sửa thông. Bột giặt đã hết, đặt hàng khó khăn, lại tốn kém nữa. Em đánh cho nó tởn. Tức không chịu nổi!”.
Nghe nhắc đến tên mình, Bin vội thò đầu vào camera điện thoại, miệng mếu máo, giọng ấm ức phân trần: “Con làm thí nghiệm chứ bộ!”.
Nhìn vết đỏ trên cánh tay Bin, chị Nhung ứa nước mắt. Trước khi cúp máy, chị khuyên mẹ Bin vài điều, nhất là để vật dụng lên cao, ngoài tầm tay Bin và khi con lỡ phá rồi thì nhẹ nhàng cắt nghĩa cho con biết hậu quả, chứ đừng đánh. Con cái mình thương mình quý, không thể coi nó như… “bao cát”.
Mùa COVID-19, có 1.001 kiểu đánh mắng con nhưng chỉ bắt nguồn từ một nguyên nhân: ba mẹ bị ức chế. Bối cảnh của cuộc chiến không cân sức trong nhà bùng lên lúc con hứng chí moi hết quần áo, son phấn của mẹ ra làm trò “bung lụa”, hoặc bắt chước ba đem đồng hồ, xe cộ, máy móc ra… bảo trì.
Có trẻ mê xem điện thoại, không nghe ba mẹ gọi, không phụ giúp công việc nhà; trẻ mải đọc truyện hay chat với bạn đến khuya, ba mẹ nhắc lần trước, lần sau là “ăn bộp”.
Cũng có khi ba mẹ đang chú tâm vào làm việc online hoặc xem một bộ phim hay mà cứ bị con gọi giật, quấy rầy nên đổ quạu. Hoặc con xin phép một việc gì đó đang lúc ba mẹ cắm mặt vào màn hình máy tính, điện thoại nên ậm ừ cho xong, nhưng sau đó ba mẹ vẫn “quạt” con khi đã tận mắt chứng kiến… hiện trường quá sức tưởng tượng.
Vốn là người mẹ đáng tự hào trong hành trình “làm bạn với con” với hai đứa con trai 14 tuổi, gái 8 tuổi nhưng chị Lê Phương (ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) cũng không kiềm chế được, đã la hét hai con khiến chúng không tránh được cảm giác sốc và thất vọng.
Chị vội xin lỗi hai con rằng các con hoàn toàn không có lỗi, chỉ vì hôm nay mẹ đã xem quá nhiều tin tức xấu nên tâm trạng nặng nề. Tất nhiên là các con dễ dàng xí xóa khi “mẹ ngoan” vượt chốt lần đầu.
Để đề phòng mẹ lại “hóa phù thủy”, các con cấm mẹ vào xem những clip liên quan đến bệnh viện, xác chết, nghĩa địa trong nước và thế giới.
Hai anh em liên tục trấn an mẹ, rót nước cho mẹ uống, kiếm chuyện vui tươi để kể, giúp mẹ pha loãng tâm trí đen ngòm mấy tuần gần đây. “Thường vai trò ba mẹ là bảo vệ, nâng đỡ, hỗ trợ, dỗ dành con nhưng trong giai đoạn này thì mình chuyển vai mất rồi”, chị Lê Phương bộc bạch.
|
Bức tranh được phác họa bởi bé Lê Thương (bảy tuổi, con gái của thạc sĩ Lê Thị Minh Tâm) sau khi xem tọa đàm trực tuyến “Sài Gòn ơi, vững vàng nhé!” chăm sóc thân - tâm - trí - xã hội trong mùa dịch COVID-19 vào cuối tháng 7/2021, với sự tham gia của nhiều bác sĩ tuyến đầu, chuyên gia tâm lý - xã hội học… |
“Lắng” nỗi “lo” bằng việc làm tích cực
Vài tháng qua, cũng như xu thế chung, số lượng khách hàng tìm đến chương trình “Tập làm nhà tham vấn tâm lý cho chính bạn” dành cho tuổi 15 đến 24 tại Chi hội Tâm lý ứng dụng - giáo dục cộng đồng Hoa Súng (trực thuộc Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục TP.HCM, địa chỉ 224 Điện Biên Phủ, Q.3, TP.HCM https://www.facebook.com/ChihoiHoaSung) để tham vấn online tăng cao.
Trong đó có nhiều bạn tuổi teen vấp phải những vấn đề liên quan đến áp lực trong gia đình, không được ba mẹ hiểu.
Và cũng có nhiều phụ huynh chia sẻ đã xảy ra xung đột bất thường với con cái, dẫn đến đánh con vô cớ và mâu thuẫn chồng chất không giải tỏa được. Chỉ ở trong không gian hẹp nhà mình nhưng đôi khi mối quan hệ ba mẹ - con cái lại căng thẳng như hai ngọn lửa bùng lên.
Tiếp cận quá nhiều thông tin tiêu cực như bệnh tật, mất mát đã kích hoạt những lo lắng, bất an sẵn có bên trong của ba mẹ như mất việc, giảm thu nhập, bất tiện, tù túng trong sinh hoạt… vô tình đẩy căng thẳng, bất an lên cao trào.
Bản thân ba mẹ đã không thoải mái, không bình tĩnh, chưa quản lý tốt cơn nóng giận, bất an nên ngay lúc đó đối tượng gần nhất, dường như duy nhất để trút cơn giận là đứa con. Trút xong cảm thấy tội lỗi, lại càng căng thẳng, bất an.
Nhiều nghiên cứu trong mùa COVID-19 cho thấy những ai có stress trước đó rồi thì stress tăng lên, những ai có lo âu trước đó rồi thì lo âu tăng lên… Tâm trí con người có quy luật ngộ nghĩnh là một khi lo lắng sẽ càng tìm đến những gì mang tính bất an nhiều hơn, nếu để ngừa thì tốt rồi, đằng này lại nâng cấp lên thành lo âu.
Con trẻ cũng có nỗi sợ hãi vì ảnh hưởng trực tiếp từ gia đình, từ bạn bè, xã hội, lại thêm bị ba mẹ hành xử “rắn”, cảm thấy mình thực sự là nạn nhân.
|
Thạc sĩ tâm lý Lê Thị Minh Tâm |
|
Để nâng cao sức khỏe tinh thần, xây dựng mái ấm ôn hòa, an vui nhất là trong mùa khó này, thạc sĩ tâm lý Lê Thị Minh Tâm (Chi hội trưởng Chi hội Tâm lý Hoa Súng) đưa ra một số giải pháp:
Phụ huynh điều tiết thông tin, tiếp cận có chọn lọc với liều lượng hợp lý. Không săn lùng hoặc tạo ra những thông tin, hình ảnh, clip có tính hù dọa, gây tổn thương, hoang mang. Có thể chia sẻ nỗi đau với người khác nhưng tuyệt đối không sao chép bi kịch của người khác vào mình.
Thay vì đọc tin tức theo hướng tiêu cực, bi quan hoặc tự bói toán về tương lai thì nên tập cách chuyển hóa theo hướng “mình may mắn hơn người ấy ở những điểm nào?”. Mỗi ngày, tập kể ra vài điều để biết ơn.
Trong bức tranh toàn cảnh xã hội luôn tìm được đâu đó có sự tái sinh, hồi sinh, những con số lạc quan, tin tưởng vào ánh sáng cuối đường hầm.
Gia đình cần ổn định thói quen, giờ giấc, nếp sinh hoạt hằng ngày. Ba mẹ, con cái ôm điện thoại quá nhiều ảnh hưởng đến mắt, làm dây thần kinh căng thẳng cộng với nhịp sống thay đổi, xáo trộn, khủng hoảng dễ làm suy giảm sức khỏe thể chất và tinh thần.
Những mong đợi, yêu cầu đối với người khác, với con cái không đạt được dù nhỏ bé, vụn vặt, tự nhiên cũng khiến ba mẹ bực bội, dễ phát sinh mâu thuẫn và phản ứng thái quá.
Phụ huynh cần lưu ý đặc điểm lứa tuổi của con (ví dụ tuổi teen rất dễ nóng nảy, chống đối) từ đó có ứng xử nhẹ nhàng, kiên nhẫn, đừng ngại xin lỗi con khi lỡ có hành động quá lố. Cả nhà dành thời gian cho nhau, cùng vệ sinh nhà cửa, nấu ăn, làm đồ thủ công, vui đùa, chuyện trò, cùng tập thể dục, hít thở sâu, quản lý cảm xúc…
Thay vì lan tỏa sự giận dữ, gây hấn, chê trách người khác để mong che lấp sự bất an của mình thì có thể chuyển hướng thành hành vi nâng đỡ và hỗ trợ cho người thân, cộng đồng, lan tỏa tình yêu thương. Người có công, người có của, người có kiến thức, người có bàn tay để kết nối… cùng nhau “cho đi”.
Hành trình yêu thương đó sẽ giúp mình hiểu biết hơn, mạnh mẽ hơn, tinh thần yên ổn hơn. Yêu thương lan tỏa đến người thân, đến cộng đồng sẽ nhận lại một nguồn năng lượng tích cực, là yếu tố bảo vệ cho mình.
Tô Diệu Hiền