Chẳng biết từ bao giờ, người ta xem việc văng tục, chửi bậy như một việc rất đỗi bình thường và hầu như ai cũng không ít lần phải nghe, chứng kiến người khác phun ra những ngôn từ tục tĩu.
Rất nhiều người có lẽ đã quen sống trong môi trường mà đi đến đâu cũng chạm phải cách hành xử kém văn minh đó. Việc họ làm lơ, cho qua hoặc thậm chí chính mình cũng bị lây nhiễm bởi “phong trào” ăn nói thô tục, hở cái là chửi bậy, ngoài đời thực cũng như trên không gian mạng xã hội.
Vậy nên, chuyện cô tân hoa hậu Việt Nam mới đăng quang bị đào bới lại trang cá nhân có nhiều phát ngôn tục tĩu, rất nhiều người cũng xem đó là chuyện vặt vãnh, bình thường, trẻ con và lên tiếng bênh vực cô gái đẹp.
|
Không chỉ tân hoa hậu Việt Nam 2020 văng tục, hoa hậu Đỗ Mỹ Linh cũng từng bị phát hiện chửi bậy trên Facebook cá nhân. Ảnh: Internet |
Vâng, cô hoa hậu có thể rất đẹp. Nhưng có ai dám chắc những phát ngôn vô cùng khó nghe kia cũng “đẹp” như chủ nhân của nó? Hay vì không gian mạng là một nơi của “cá nhân”, “riêng tư” nên việc thiên hạ nhảy vào soi mói thì sẽ bị chính chủ nhân công kích là “xâm phạm, cố tình đào bới” như chàng thí sinh MCK của chương trình Rap Việt đình đám vừa qua đã tuyên bố?
Giống như MCK, tân hoa hậu cũng hồn nhiên cho rằng phát ngôn của cô là bình thường, vô hại, mang tính cá nhân, không ảnh hưởng đến ai. Và tuyệt nhiên chẳng việc gì khiến cô phải xin lỗi công chúng.
Vâng, không việc gì một cô gái phải xin lỗi trong khi nhìn ngó xung quanh ai ai cũng văng tục chửi thề như cơm bữa. Nó thành một thói quen, nhưng tiếc thay là thói quen xấu và như một chất gây nghiện chẳng kém thuốc lá hay các chất gây nghiện khác.
Một người có thói quen văng tục, nếu ngày nào không nói được vài câu chữ tục tĩu như “vả vào mặt” người khác, chắn chắn sẽ bứt rứt khó chịu ghê gớm lắm.
Một người quen nói tục cũng kèm theo thói xấu khác chính là thiếu kềm chế. Chỉ một việc nhỏ thôi cũng có thể văng tục, vô tội vạ, bất kể giờ giấc, không gian, địa điểm. Đó chính là câu trả lời cho hiện tượng trẻ em, thanh thiếu niên hư sớm, văng tục chửi thề, hỗn láo xấc xược với cha mẹ, thầy cô, sẵn sàng “sửng cồ” khi bị nhắc nhở.
Các em sống trong môi trường mà ở nhà cũng nghe người lớn văng tục, hành xử thô bạo, ra đường cũng gặp, lên mạng cũng nghe cũng thấy, từ người bình thường đến các Idol… thì bảo sao trẻ không bắt chước học đòi.
|
Văng tục chửi thề từ bao giờ đã được xem là điều bình thường, phổ biến như cơm ăn nước uống hàng ngày - Ảnh: Internet |
Cái sự văng tục chửi thề không quẩn quanh trong xóm lao động nghèo dân trí thấp mà nó đã thành vòi bạch tuộc vươn tới cả các tầng lớp trí thức, nghệ sĩ, người nổi tiếng. Và lạ lùng thay, những người được xem là hình mẫu chuẩn mực cho thước đo văn hóa, lại xem việc văng tục chửi thề là thứ gì đó rất hay ho.
Không ít người sau cánh gà sân khấu văng tục chửi thề hay hơn hát. Không ít các status của giới trí thức, nghệ sĩ đầy rẫy những từ ngữ tục tĩu được viết tắt hoặc viết thẳng, huỵch toẹt chẳng kiêng nể ai.
Cho đến nay, nhiều khán giả vẫn vô cùng ngán ngẩm khi nghe đến tên một người mẫu nổi tiếng đanh đá, dữ dằn sẵn sàng chửi thề “bạt mặt” antifan mỗi khi họ có điều gì không vừa ý cô. Những ai theo dõi livestream bán hàng của cô cũng không khỏi đỏ mặt tía tai với những ngôn từ vô cùng tục tĩu của chủ nhân.
Hoặc sự việc ca sĩ Tuấn Hưng trong một phút bốc đồng đã đăng status chửi thề xúc phạm đến chương trình mình cộng tác: "*** bao giờ hát cho Bài hát yêu thích nữa" đã gây ra nhiều phản ứng từ khán giả. Tuy nhiên, nam ca sĩ nhanh chóng nhận sai và xin lỗi công chúng. Hay như Duy Mạnh và Pha Lê…
Văng tục chửi thề “nhè nhẹ” thì vẫn chấp nhận được. Đây chính là nguyên nhân khiến việc văng tục chửi thề nhanh chóng len lỏi vào từng con người. Sự dễ dãi, thỏa hiệp, chấp nhận và dung túng thói quen xấu này đã nuôi dưỡng nó ngày càng bành trướng ra thêm. Đến nỗi giờ văng tục chửi thề đã thành như cơm bữa.
Ra đường va chạm xe: văng tục rồi lao vào xử nhau như giang hồ, đi hát hò, ăn uống gặp một cái nhìn khó ưa của người lạ: văng tục, chửi thề rồi choảng nhau như phim, văng tục trên bàn nhậu, trong công ty, trường học, sân khấu…
Mạng xã hội đình đám như YouTube, TikTok, Facebook ngập tràn những clip, hình ảnh nhiều người văng tục thoải mái, vô tội vạ…
|
Những đứa trẻ chính là nạn nhân gián tiếp và trực tiếp của nạn văng tục, chửi thề từ người lớn xung quanh - Ảnh: Internet |
Tôi cảm thấy rùng mình khi nghĩ tới viễn cảnh ngày nào đó những từ ngữ kinh khủng kia sẽ vọt ra từ miệng con mình. Dù vợ chồng tôi có cố gắng trò chuyện bằng ngôn từ lành mạnh với nhau, với con, thì ngoài kia, dù có bịt tai con cũng không thoát khỏi những ngôn từ vẩn đục đó. Làm sao có thể bảo vệ con mình khỏi thói xấu từ những người xung quanh?
Bạn biết không, khi ta trồng 2 cái cây, một cây được nghe những lời yêu thương và một cây bị chửi rủa hàng ngày, cái cây bị chửi rủa sẽ nhanh chóng chết đi, trong khi cây kia ngày càng phát triển tươi tốt.
Người lớn ơi, nếu chúng ta cứ xem văng tục chửi thề như cơm ăn nước uống hàng ngày, thì đó chính là những thực phẩm đã nhiễm độc. Và nay mai, người ngộ độc không ai khác hơn ngoài con cháu chúng ta.
Tâm An
Diễn đàn: "Văn hóa" nói tục
Sự việc tân hoa hậu Đỗ Thị Hà bị chỉ trích vì từng nói bậy, chửi tục vẫn đang nhận được nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau về thói quen nói tục, chửi thề của một bộ phận công chúng, đặc biệt là giới trẻ và học sinh sinh viên.
Bên cạnh những suy nghĩ cho rằng nói tục, chửi thề là điều không thể chấp nhận ở những người có văn hóa thì cũng có cả ý kiến cho rằng chửi bậy chỉ là vui, là cách để giải tỏa stress, miễn là không nhằm vào ai hoặc có ý miệt thị người nào...
Để mọi cá nhân có thể bày tỏ quan điểm của mình, Báo Phụ Nữ Online mở diễn đàn "Văn hóa" nói tục để tiếp nhận và lắng nghe tất cả những ý kiến, góc nhìn của bạn đọc về vấn đề này. Mọi ý kiến xin gởi về địa chỉ mail online@baophunu.org.vn. Tiêu đề thư xin ghi "Bài tham gia diễn đàn "Văn hoá" nói tục".
Các bài viết được chọn đăng sẽ có nhuận bút theo chế độ của toà soạn.
Phụ Nữ Online
|