Đừng quên, còn hàng triệu đồng bào chưa tiêm vắc xin!

03/10/2021 - 18:46

PNO - Ngày 1/10, TPHCM nới lỏng giãn cách. Đó cũng là lúc xuất hiện 2 hình ảnh đông người với 2 hình thái khác nhau, nhưng nguy cơ thì như nhau.

Một bên là người dân nhập cư chọn cách trở về quê nhà, dù chính quyền TPHCM và các tỉnh đã thực hiện mọi giải pháp để chăm lo. Họ hòa mình vào đám đông hàng ngàn người - nơi các chốt chặn với nguy cơ lây nhiễm COVID-19 không nhỏ. Sự “tụ tập” khiến người ta xót xa lẫn lo lắng. Tạo ra sự bị động, quá tải ở các địa phương, gây ra nguy cơ bùng dịch ở các tỉnh.

Bên còn lại, những người có điều kiện ở yên trong nhà, nhưng họ vẫn chọn cách hình thành đám đông một cách chủ động để… vui. Họ gọi đó là “xả hơi”. Có những nhóm người còn hài hước một cách phù phiếm bằng cụm từ “đón giao thừa”, “mừng năm mới” để tụ tập trong một trạng thái vô cùng nguy hiểm: không có K nào: không khẩu trang, không khoảng cách, không khai báo y tế… Nhiều nhóm người, trong đó cả người nổi tiếng, tụ tập tiệc tùng gần chục người, ăn uống, tạo dáng, đăng tải lên mạng xã hội. Như thể COVID-19 chưa từng có mặt ở Việt Nam.

Thực tế, cột mốc 1/10 đánh dấu TPHCM và nhiều tỉnh, thành ở một trạng thái mới sau 4 tháng gồng mình chống dịch, nhưng điều đó không biểu thị cho việc COVID-19 đã qua đi. Không phải ngẫu nhiên lãnh đạo TPHCM và nhiều tỉnh, thành quyết định nới lỏng các biện pháp hạn chế, đã nhấn mạnh người dân không tụ tập đông người và phải tuân thủ 5K mọi lúc, mọi nơi, rằng chúng ta vẫn chưa chiến thắng dịch bệnh. Chúng ta bắt đầu những ngày bình thường mới, và sự bình thường đó được gắn chặt với yêu cầu 5K, không tụ tập đông người, ít nhất cho đến khi có diễn biến tích cực tiếp theo.

Hiện tại, số ca nhiễm hàng ngày trong cả nước đã có dấu hiệu đi xuống. Riêng TPHCM với 2.723 người nhiễm vào ngày 2/10 - con số thấp nhất sau 75 ngày trở lại đây, kể từ ngày 17/7 (với 2.786 ca). Nhưng, đây vẫn là con số khủng, TPHCM vẫn đứng đầu trong các địa phương có ca nhiễm trên cả nước. Ở TPHCM và nhiều tỉnh, thành các phương tiện công cộng vẫn chưa được hoạt động, dịch vụ ăn uống tại chỗ vẫn chưa mở cửa, học sinh vẫn học trực tuyến… Sự hiện diện của COVID-19 vẫn rõ ràng là vậy, nhưng nhiều người dường như đã quên. Họ quên rằng còn hàng triệu triệu đồng bào của chúng ta chưa được tiêm vắc xin hoặc chỉ mới tiêm được một mũi. Nhiều người dường như chỉ nhớ một điều duy nhất, là giải tỏa stress sau nhũng tháng ngày giãn cách. Dẫu biết rằng người lao động tự do sau một thời gian gồng mình ở lại thành phố đã vượt quá sức chịu đựng, nhưng nếu muốn về quê, hãy đăng ký và tuân theo hướng dẫn của cơ quan chức năng để đảm bảo an toàn cho mình và cho cộng đồng.

Rất nhiều nước trên thế giới lâm vào tình cảnh COVID-19 bùng phát trở lại sau khi mở cửa, nhất là với biến thể Delta, dù đã có độ phủ vắc xin ở tỷ lệ cao như Singapore, Mỹ hay một số nước châu Âu. Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng đều nằm trong nguy cơ tương tự, nếu không có giải pháp song song với việc mở cửa. Đặc biệt, không giải pháp nào, quyết sách nào có hiệu quả nếu không đi cùng ý thức của người dân. Đó là lý do rất nhiều lần, lãnh đạo Chính phủ kêu gọi người dân đồng lòng chống dịch, chia sẻ với chính quyền trong các biện pháp hạn chế xã hội. Vì đồng lòng cùng nhau là cách duy nhất để vượt qua đại dịch.

Không thể phủ nhận 4 tháng giãn cách xã hội là khoảng thời gian tạo ra rất nhiều bức bối, nhưng, ngay lúc này, nếu người dân không quyết tâm vượt qua khó khăn, không thể chiến thắng nhu cầu tụ tập, gặp mặt… của chính mình thì rất nhanh thôi, COVID-19 sẽ quay trở lại như 4 tháng trước. Để rồi sau đó là những ngày với số ca nhiễm, ca tử vong gấp hai, gấp ba…

Chúng ta đã đi một chặng đường dài 4 tháng với rất nhiều đau thương, mất mát và cả sự hi sinh của tuyến đầu chống dịch. Sự tàn khốc, rủi ro vẫn còn đó. Ai dám chắc sau lần “vui một chút” của một số người này không làm 4 tháng đó tái diễn một lần nữa?

Hậu Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI