Đừng vội trách bọn trẻ ỷ lại vào cha mẹ già

13/07/2022 - 05:50

PNO - Cứ mỗi lần chị Linh nói với bạn bè rằng sau này về hưu, chị sẽ tận hưởng cuộc sống, đi du lịch, nghỉ ngơi, học đàn, học vẽ, xem phim, đọc sách… chứ không bỏ hết mọi niềm vui tuổi già mà đi chăm cháu, làm người giúp việc cho con cái… bạn bè chị ai cũng cười cười: “Để xem”.

 

Một mẹ già bằng ba người ở

Nhà chị Linh ở một khu chung cư cũ. Một dãy hành lang có khoảng chục căn hộ, đa phần là những gia đình đã sống cạnh nhau gần 30 năm, hoàn cảnh nhà nào ra sao, đời sống của họ thế nào, chị Linh đều nhìn thấy hết.

Trước cửa nhà chị là gia đình cô Thoa. Vợ chồng cô chú ngày xưa là giáo viên cấp III. Cách đây vài chục năm, khi chị Linh còn là một cô bé, cô chú cũng còn rất trẻ. Họ từng là những người trẻ khỏe, mạnh mẽ, vui vẻ, yêu đời. Gia đình họ cũng vui vẻ, đầm ấm với hai đứa con: một trai một gái.

Thời gian thấm thoát trôi, các con của cô chú lớn lên, rồi ra ngoài sinh sống. Được chừng 5 năm, cậu con trai đầu mang về gửi ông bà đứa con trai nhỏ bị mắc bệnh tự kỷ. Đó là cột mốc chấm dứt chuỗi ngày được sống bình yên, thanh thản, hạnh phúc của hai người già đã nghỉ hưu.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

 

Chăm một đứa trẻ đã vất vả, chăm một đứa trẻ tự kỷ còn vất vả gấp trăm lần. Biết rõ điều đó nhưng vợ chồng người con trai cứ lờ đi, mặc cho lưng ông bà đã còng nay càng còng hơn. Mới có vài năm chăm cháu mà tóc hai ông bà bạc trắng. Thỉnh thoảng mới thấy vợ chồng cậu con trai ghé về, dẫn theo đứa con gái xinh xắn biết chơi đàn, biết múa ba lê… là niềm hãnh diện của cả hai. Dúi cho ông bà ít tiền, ít sữa để lo cho con trai lớn, rồi họ lại ung dung ra về. 

Đứa trẻ tự kỷ chẳng biết do thể trạng hay do được ông bà thương yêu mà lớn như thổi, to cao hơn trẻ đồng trang lứa. Tuy nhiên, ông bà chỉ biết cho ăn và dỗ dành, chứ làm sao biết cách dạy dỗ một đứa trẻ tự kỷ. Đứa bé càng lớn càng hay gào thét, đập phá đồ đạc. Sểnh ra một chút là nó lao vào nhà hàng xóm, giật đồ, chân trần chạy ra đường. Hai ông bà cứ đi tìm rồi lập cập níu chặt cháu, người đu, người đẩy, mang cháu về nhà. Riết rồi họ không dám mở cửa, ba người sống trong căn nhà lúc nào cũng tối tăm.

Nhiều lúc, nhìn cảnh họ, ai cũng xót xa, hiểu rằng họ sẽ phải chịu đựng như thế cho đến già, có lẽ là đến chết. Thậm chí có khi chết rồi cũng không yên lòng vì không biết đứa cháu tội nghiệp sẽ sống ra sao bởi cha mẹ nó gần như đã chối bỏ nó. Họ sợ, họ ghét, họ mặc cảm, họ xấu hổ vì một đứa con thiểu năng. Có ai hỏi sao không làm gì giúp cha mẹ, họ cười cười nói: “Ông bà thương cháu lắm. Giờ mà không có nó, ông bà chắc sống không nổi. Mà nó ở cùng ông bà từ nhỏ tới lớn, cũng đã quen với ông bà”.

Một nhà khác, tình huống có phần bớt bi đát hơn. Người con gái đầu ly hôn, chồng cô coi như không có chút nghĩa vụ nào, chối bỏ con mình. Nhà cửa chưa có, cô mang con về ở với ông bà. Ông bà mới nghỉ hưu vài năm, chưa kịp đi chơi cho thỏa thì vì thương con, thương cháu đã phải choàng lấy “nhiệm vụ làm ông bà”.

Thằng bé ngoan, kháu khỉnh, dễ thương nên ông bà cũng vui, dành hết tình cảm cho nó, chẳng so đo tính toán. Song, điều đó lại khiến cô em gái thứ hai khó chịu. Cô sinh con mà mẹ không túc trực trong bệnh viện 24/24 được. Rồi con cô chào đời, mẹ không thể bỏ thằng cháu đầu tới nuôi mẹ con cô như cô mong muốn. Đến khi cô đi làm, không biết gửi con cho ai, cô tốc về mắng cha mẹ là không biết xử sự.

Vậy là cuối cùng ông bà đành gạt nước mắt, bà sang ở nuôi cháu cho con gái thứ, ông ở nhà nuôi thằng bé đầu. Nhiều lúc nghe được ông gọi điện thoại, hỏi thăm cái chân bà nhức làm sao, cái lưng bà đau thế nào mà xót ruột giùm cho hai ông bà. Hàng xóm bảo: “Kệ tụi nó đi. Con tụi nó, tụi nó lo. Sao ông bà phải khổ vậy” nhưng ông bà nói: “Thôi kệ, cũng chỉ vài năm là cùng, rồi tụi nhỏ đi học là khỏe thôi”.

Không biết vài năm nữa sẽ thế nào, chứ cả chục năm rồi, cứ mỗi lần hè hay lễ tết là nhà ông bà như cái nhà giữ trẻ. Tắm rửa đứa nọ, đút đứa kia ăn, ông bà xoay như chong chóng. Chỉ có mấy đứa con, từ dâu đến rể đi đâu cũng khoe: “Nhà có ông bà đỡ lắm. Một mẹ già bằng ba người ở. Đây được cả ông lẫn bà…”. 

Bà không nuôi cháu là ích kỷ

Chứng kiến cảnh hàng xóm láng giềng từ trên xuống dưới, hàng chục hộ gia đình có ông bà già làm người giúp việc cho con, chị Linh vô cùng ám ảnh.

Chị cũng là người siêng năng, cả thời trẻ luôn cố gắng làm việc, tích cóp. Nhà chị không khá giả gì, nên khi con còn nhỏ, chị vẫn phải nương nhờ cha mẹ chút ít. Dù vậy, chị cố hết sức không đẩy hết mọi việc cho cha mẹ. Trưa nào chị cũng tất bật từ chỗ làm về nhà; chiều có bị la rầy, phạt trừ tiền chị cũng buông việc đúng giờ, về đón con.

Con vừa tám tháng, chưa cứng cáp, chị cũng nhất định cho con đi học. Chị cố gắng chọn nhà trẻ tốt, cố gắng giao lưu tốt với các cô giáo để các cô quan tâm đến con mình hơn. Cho đến khi con lớn, nhà đã có căn ở, căn cho thuê, chị vẫn làm việc, kiếm tiền tích lũy thêm. Ai hỏi sao chị phải khổ thế, chị trả lời: “Để đến già không phải nương nhờ vào con, không làm khổ con, rồi không vì này vì kia mà lao vào nuôi cháu cho con. Hễ kinh tế mình vững, đủ điều kiện sống thoải mái, con cháu có gì thì cũng có cách giúp con, chứ không phải lãnh vai “người làm” không công, mình khổ còn con mang tiếng ác’’.

Tuyên ngôn chị đưa ra là “Con ai nấy chăm” khiến nhiều bà bạn cười cười thách thức: “Để xem bà có làm được không hay lúc đó lại lao vào xin chăm cháu”. Chị lại phải đưa thêm một tuyên ngôn nữa: “Chơi với cháu chứ không nuôi cháu”. Từ những phản bác, chê cười của bạn bè, chị hiểu ra rằng đừng vội trách những đứa con ích kỷ, sinh con ra là mang về quẳng cho ông bà, bắt ông bà nuôi, coi đó là nghĩa vụ của ông bà. Chính cha mẹ, người lớn cũng phải tự thoát ra khỏi ý nghĩ “Nghĩa vụ của mình là giúp con nuôi cháu, không làm vậy là không được, sẽ bị mọi người và cả con cháu cười chê. Mình cũng phải dạy cho con ngay từ đầu để chúng tôn trọng tuổi già, niềm vui, sức khỏe, sự thảnh thơi của mình”.

Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz
Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz

 

Ngay khi con trai chị còn rất trẻ, chị đã nói: “Mẹ sẽ không ở nhà chăm con cho con đâu. Nếu con sinh con thì con và vợ phải tự tính trước mọi phương án, mẹ còn rất nhiều việc mẹ mơ ước được làm, giờ mẹ phải thực hiện. Mẹ chỉ giúp các con những khi cần thiết”.

Có điều kiện về kinh tế và được con hiểu biết, đồng tình, hai mẹ con chị mua hai căn hộ chung cư gần nhau để mẹ con, bà cháu có thể gần gũi nhau, đỡ đần nhau vào những lúc khó khăn. Vợ chồng con trai chị sinh con đầu, rồi sinh con thứ hai đều không bắt mẹ phải chăm lo. Biết sắp xếp mọi việc có kế hoạch, chuẩn bị cho các vấn đề về tài chính đầy đủ và vô cùng nỗ lực, họ đều tự lo được cho con mình. Thậm chí cả khi căng nhất thì một người nghỉ việc tạm thời, làm việc online, ở nhà chăm con chứ không bắt mẹ phải sang ở ngày đêm, cơm nước, chợ búa, tã bỉm…

Hiện tại, chị Linh sống thong thả, đi chơi, cà phê, gặp gỡ bạn bè rất vui vẻ. Tuy nhiên, chị nhất định không đi đâu vào Chủ nhật chỉ vì: “Có mỗi ngày này được gặp tụi nhỏ, đi chơi, đi ăn với vợ chồng nó, chiều về dẫn mấy đứa nhỏ xuống sân chơi, mong muốn chết”. Niềm vui được gặp các cháu vào cuối tuần là không thể thay thế và được chị ưu tiên hơn cả. Cái tình yêu bà cháu của chị nhẹ nhàng, thanh thản đến mức bà nào trước cười chị, giờ cũng… thèm. 

Thu Trân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI