Đừng vô tình biến con thành người vô tâm

11/02/2025 - 11:44

PNO - Tôi từng chứng kiến trong đám tang của một người quen - chị con gái từ nước ngoài về, vật vã than khóc bên quan tài của mẹ rồi gào lên trước mặt những người thân của mình: biết là mẹ không qua khỏi, sao mọi người còn giấu con?

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Đặt mình vào vị trí của con

Cả tuần sau đó, chị lặng lẽ như một cái bóng. Chị không nói với người thân nửa lời, vì trong lòng chị vẫn còn giận họ, vì họ đã giấu chị việc mẹ chị bệnh trọng, vì họ mà chị đã không được gặp mẹ lần cuối. Dù ba chị đã giải thích: vì chị ở xa, lại vừa sinh con nhỏ, mọi người trong nhà không ai muốn chị phải lo nghĩ, buồn lòng.

Hành động của những người thân trong gia đình chị khởi phát từ sự lo nghĩ, từ tình thương dành cho chị. Dĩ nhiên, cơn giận đó theo thời gian rồi sẽ tan đi, nhưng chắc hẳn trong lòng chị sẽ mãi còn những day dứt, dằn vặt.

Tôi cũng từng chứng kiến nhiều câu chuyện tương tự như thế ở những hoàn cảnh, cấp độ khác nhau. Như anh chị bạn tôi, công ty sắp phá sản nhưng vẫn gồng mình lên để lo cho con đi du học. Tuyệt nhiên, anh chị không cho con biết gì cả, cũng chỉ vì không muốn con bỏ dở ước mơ. Lo xong thủ tục rồi, con chị vô tình biết chuyện, nó cự tuyệt không du học nữa và còn truy vấn ba mẹ: con đâu còn là con nít, sao việc hệ trọng như thế mà ba mẹ lại giấu con?

Ngay cả bản thân tôi, từ nhỏ vẫn ngây ngô tin rằng mẹ tôi thích ăn đầu cá, thích gặm xương như lời mẹ nói. Chỉ sau này lớn lên mới hiểu, đó chỉ là cái cớ để mẹ dành những phần ngon cho các con. Từ ngây thơ mà thành vô tâm, nhưng nhiều lúc tôi cứ đau đáu nghĩ về nó với rất nhiều sự ân hận, nuối tiếc.

Thương con theo cách nghĩ của mình, dù tất cả chỉ vì muốn điều tốt nhất cho con, nhưng có khi lại là một sự ích kỷ và phản tác dụng. Đặt mình vào vị trí của con để thương con cũng là điều nên làm, nhưng nhiều khi ba mẹ lại quên điều đó. Như có bà mẹ chở con đến trường thi hết cấp, ôm con một cái, bị con đẩy ra rồi tủi thân mà quên mất rằng, con không còn ở độ tuổi mẫu giáo như xưa.

Như người cha đơn thân có cậu con trai học giỏi nhất khối, nhưng từ khi yêu cô gái cùng trường thì học hành sa sút, ông đã tìm cách chuyển cho con sang trường khác. Kết quả là cậu con trai học tốt lên, sau này cũng là người thành đạt trong xã hội, nhưng tuyệt nhiên cậu không yêu ai nữa và cũng không lấy vợ. Cũng có những ông bố bà mẹ làm vô số những điều tốt đẹp cho con nhưng con vẫn cứ thờ ơ, hờ hững, bởi đó là những thứ ba mẹ thích, mong muốn chứ không phải thứ con cần.

Cho con cùng chia sẻ mọi buồn vui

Những gì có thể chia sẻ được với con - suy nghĩ, cảm xúc, trách nhiệm, nghĩa vụ… thì ba mẹ cũng nên làm và chọn thời điểm thích hợp. Đừng sợ những điều, những việc ta nói ra sẽ làm con lo lắng, ảnh hưởng đến thứ nọ, thứ kia… Con người, dù ở độ tuổi nào, cũng cần có những khó khăn, thử thách, những chướng ngại vật phải vượt qua thì mới trưởng thành.

Tôi rất ấn tượng với cách mà chị đồng nghiệp dạy con. Chị có 2 đứa con vừa ngoan, vừa giỏi, biết quan tâm và chia sẻ với ba mẹ. Chị bộc bạch: “Theo quan điểm của vợ chồng chị, đã là người trong nhà thì cùng chia sẻ những điều tốt đẹp và cả những khó khăn, chông gai để cùng nhau vượt qua. Hồi Bông, Bi còn nhỏ, mỗi lần về quê, ông bà làm gà, dành phần thịt ngon nhất cho cháu, nhưng chị nói: “Ông bà vất vả cả đời rồi, nuôi được con gà cũng chờ con cháu về mới thịt nên không phải nhường cho cháu. Như vậy cũng để các cháu có cơ hội quan tâm, chăm sóc ông bà”. Nghe mẹ nói vậy, Bông và Bi liền lấy cái đùi gà trong chén mình xé thịt cho ông bà ăn.

Từ đó về sau, 2 con rất để tâm trong việc chia sẻ với người khác. Việc nhỏ, nhưng dần dần hình thành tính cách, nhân cách cho con. Ngược lại, điều gì tốt nhất cũng dành cho con như một sự mặc định, sau này lớn lên, con dễ thành người ích kỷ, tính toán”.

Ảnh minh họa - Shutterstock
Ảnh minh họa - Shutterstock

Khi chúng tôi họp gia đình, bàn chuyện xây cất lại ngôi nhà cho ba mẹ ở quê. Mấy anh chị em lớn trong nhà đều thống nhất: em út còn khó khăn, không phải đóng góp. Nhưng khi ba tôi biết chuyện, ông ôn tồn bảo: “Anh chị em các con thương nhau như vậy, ba mẹ rất mừng; nhưng ba nghĩ thế này: nhà của ba mẹ và cũng là nơi các con đi về, sau này là chỗ thờ cúng khi ba mẹ qua đời, nên anh chị em trong nhà ai cũng phải có trách nhiệm chung. Em nó đóng góp thì các con cứ nhận, ít nhiều không quan trọng.Đừng để sau này mỗi lần bước về nhà em nó mặc cảm đây là nhà của các anh chị xây cho ba mẹ chứ không có phần đóng góp của mình”.

Đúng là chúng tôi chỉ làm theo suy nghĩ của bản thân mà không đặt mình vào vị trí của em. Người thấu đáo như ba tôi, trong lòng hẳn là thương đứa con khó khăn nhất, không muốn làm phiền con; nhưng ông lại không chỉ dựa trên suy nghĩ của mình để hành xử. Bởi vậy, dù em khó khăn, nhưng ngày lễ, tết, em biếu ít tiền hay lì xì mừng tuổi, ba mẹ tôi chưa bao giờ từ chối. Ông bà lại cất đi và cho con, cháu những khi thích hợp.

Thương con - thứ tình cảm bản năng, sẵn có trong mỗi bậc làm cha làm mẹ nhưng không phải cứ thế mà sử dụng nguyên bản. Hành trình lớn lên cùng con cũng là hành trình mà ba mẹ học cách sử dụng chữ “thương” sao cho đúng nghĩa và thực sự phát huy hết giá trị.

Thu Hoàn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI