Rầm rộ bán sản phẩm bị Mỹ cấm lưu hành
Hiện viên uống trắng da đang được rao bán rầm rộ, chủ yếu là hàng nhập khẩu từ Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan với giá từ 400.000 - 1.750.000 đồng/sản phẩm. Chỉ cần lên Google, gõ từ khóa “viên uống trắng da”, sẽ xuất hiện hơn 28 triệu kết quả.
Trang website của nhà thuốc Sang Anh (đường AH1, Q.9, TP.HCM) đang quảng cáo rầm rộ viên uống trắng da Glutalagen của Thái Lan. Theo nhân viên nhà thuốc này, nhu cầu làm trắng da của giới trẻ rất cao nên viên uống trắng da bán rất chạy.
Trong vòng một năm, chỉ riêng viên uống Glutalagen, nhà thuốc này đã bán được hơn 3 triệu sản phẩm. Nhiều bạn trẻ uống viên làm trắng da đều đặn 2 - 3 lần/ngày, liên tục nhiều năm liền.
|
Nhân viên một cửa hàng mỹ phẩm làm đẹp tư vấn hiệu quả của khách trước và sau khi uống các viên trắng da. |
Không đứng ngoài cuộc, một số doanh nghiệp Việt Nam cũng sản xuất và tung ra thị trường sản phẩm viên làm trắng da với cam kết chỉ cần uống một hộp 60 viên, sẽ có làn da sáng mịn, không còn nám, tàn nhang. Chủ nhà thuốc Hải Huy (đường Bùi Văn Thủ, H.Hóc Môn, TP.HCM) cho biết, sản phẩm nội địa có giá chỉ từ 400.000 - 600.000 đồng/hộp nên được đông đảo sinh viên, công nhân mua uống.
Phần lớn viên uống trắng da ngoại nhập đang lưu hành trên thị trường đều không có nhãn phụ và thông tin nhà nhập khẩu. Chỉ một vài loại bán tại nhà thuốc có thông tin nhưng rất sơ sài.
Chẳng hạn, tại nhà thuốc Tân Hiệp (đường Phan Văn Hớn, Q.12, TP.HCM), trên bao bì sản phẩm viên uống trắng da Glutathione White 800, nhà nhập khẩu là Công ty TNHH Việt Mỹ, nhưng không hề có địa chỉ cụ thể; thành phần trên sản phẩm cũng ghi chung chung: L-Glutathione, vitamin C và các phụ gia thực phẩm khác.
Phó giáo sư - tiến sĩ - dược sĩ Nguyễn Hữu Đức (Trường đại học Y Dược TP.HCM) cho biết, các viên trắng da, chống nắng được xem là sự kết hợp giữa mỹ phẩm và thuốc bởi chúng thường xuyên gây ra những phản ứng phụ nguy hiểm cho người dùng. Vì vậy, tại Mỹ, các sản phẩm làm trắng da nói chung như tiêm trắng, tẩy trắng, viên uống đều bị cấm. Tại châu Á, người tiêu dùng thích da trắng nên các sản phẩm này bán rất chạy. Ở phương Tây, các sản phẩm này được liệt vào nhóm thuốc thay vì mỹ phẩm hay thực phẩm chức năng thông thường và thường được sử dụng để điều trị các bệnh về sắc tố. |
Thậm chí, một số sản phẩm viên uống đã bị Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấm và tịch thu nhưng vẫn được một số nhà thuốc quảng cáo rầm rộ. Chẳng hạn, liên tục các năm từ 2014-2017, FDA cấm và tịch thu viên uống trắng da của Công ty Flawless Beauty nhưng hiện viên uống trắng da Relumins Advance White 90 viên của công ty này đang được nhà thuốc Sức Khỏe (đường Yên Đỗ, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) rao bán.
Hiện sản phẩm viên uống chống nắng cũng đang được các cửa hàng mượn danh tổ chức y tế uy tín quảng cáo để thuyết phục người mua. Tại cửa hàng thuốc MeGa (đường Ba Tháng Hai, Q.10, TP.HCM), có hẳn hai nhân viên đứng ngay cửa, trên tay cầm sản phẩm viên uống chống nắng nội sinh Heliocare Oral Capsules được nhập khẩu từ Mỹ với giá 1.147.000 đồng/hộp 60 viên để giới thiệu với khách đi đường.
Lợi dụng sự ít hiểu biết của khách, các nhân viên này mặc sức giới thiệu sản phẩm được Trường đại học Harvard (Mỹ) mất 12 năm nghiên cứu, được Tổ chức Y tế HAS (Singapore) công nhận và bác sĩ da liễu tại nước này khuyên dùng.
Sản phẩm có nhiều khả năng thần kỳ như: ngăn lượng collagen suy giảm do ánh nắng đến 55%, tăng lượng tế bào mô lên 66%, tăng khả năng đề kháng và chống nắng đến 300%, hạn chế tác động của gốc tự do đến 50%... Nhân viên cửa hàng này còn xuống đường phát tờ rơi, mở sân khấu quảng bá rầm rộ. Có những ngày, khách đăng ký mua sản phẩm xếp hàng dài trên vỉa hè.
Hoạt chất trong thuốc làm sai kết quả xét nghiệm
Một số hoạt chất trong các viên uống trắng da, đẹp tóc, chống nắng mà giới trẻ hiện nay đang dùng có thể làm sai kết quả xét nghiệm. FDA từng nghiên cứu, liều cao vitamin B7 hoặc biotin - những hoạt chất thường có trong các sản phẩm làm đẹp - thường cao gấp 166 - 333 lần so với khẩu phần cần thiết trong chế độ ăn hằng ngày, do vậy làm sai hàng trăm kết quả xét nghiệm phổ biến, trong đó có cả xét nghiệm cấp cứu để chẩn đoán đau tim.
Các viên uống làm trắng da hiện nay đều quảng cáo có chứa glutathione - một chất chống ô-xy hóa. Thực tế, cho đến nay, không có bất kỳ nghiên cứu y học hay khoa học nào chứng minh hay ủng hộ lợi ích của glutathione bởi chúng gây nhiều tác dụng phụ.Tại Mỹ, đã từng có một trường hợp tử vong do đang sử dụng biotin liều cao khiến bác sĩ không phát hiện bệnh nhân lên cơn đau tim; một số trường hợp ảnh hưởng lên kết quả xét nghiệm về thai nghén, ung thư, thiếu máu do sắt.
“Hầu hết các viên làm trắng da chỉ có tác dụng trong thời gian sử dụng; nếu ngưng, sẽ trở lại tình trạng như cũ. Những ai vẫn đang mong muốn sử dụng sản phẩm làm trắng da nhưng thấy bao bì ghi nhãn có các cụm từ như Relumins, Tatiomax, T.P. Drug Laboratories, Laennec, Saluta, Tationil và Laroscorbine thì hãy loại bỏ chúng bởi toàn bộ các sản phẩm này đều thuộc Công ty Flawless Beauty, đã từng bị cấm tại Mỹ do chứa nhiều chất không an toàn", dược sĩ Nguyễn Hữu Đức cảnh báo.
Riêng với viên uống chống nắng, FDA khẳng định không hề có công dụng như quảng cáo và các sản phẩm này khiến người tiêu dùng gặp nguy hiểm về mặt sức khỏe khi tạo ra cảm giác giả. FDA từng gửi thư cảnh báo tới các công ty lén tiếp thị viên chống nắng nhưng không đáp ứng được các quy chuẩn về an toàn của FDA.
Mới đây, FDA đã lên tiếng cảnh báo và ban hành lệnh cấm với các loại viên uống làm trắng da, chống nắng.
Theo FDA, dù đã có rất nhiều tranh cãi về tác động không an toàn của các sản phẩm làm trắng da, thị trường sản phẩm này vẫn đang phát triển mạnh và dự kiến sẽ đạt 31,2 tỷ USD vào năm 2024.
Ngoài dạng tiêm, bôi đã khá phổ biến, gần đây, còn có thêm dạng kẹo, viên uống. Rất nhiều sản phẩm dạng này chỉ được phân phối qua thị trường chợ đen tại Mỹ và sau đó được tuồn về các nước đang phát triển, trở thành hàng cao cấp.
FDA lo ngại các sản phẩm làm trắng vì đã tìm thấy hai hoạt chất độc hại được sử dụng trong sản phẩm là thủy ngân và hydroquinine, là hai chất gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe như tổn thương thần kinh, mạch máu, hiện đã bị cấm tại Mỹ và châu Âu.
|
Thanh Hoa - Nguyễn Cẩm