Đừng vì sĩ diện

14/12/2013 - 13:13

PNO - PNO - Mỗi lần nghe hay đọc tin về những vụ bạo hành gia đình, chị lại giật mình xót xa. Nếu không được sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp thì không biết đời chị sẽ đi về đâu khi cố gắng níu kéo cuộc hôn nhân...

edf40wrjww2tblPage:Content

Chị là cô giáo cấp ba, tuy không đẹp nhưng dịu dàng, nhu mì, dễ thương. Anh phong trần, lãng tử, làm nghề cắt tóc kiêm ca sĩ hát đám cưới. Mối tình này bị cha mẹ chị phản đối quyết liệt vì chênh lệch. Nhưng trái tim lãng mạn của cô gái mê văn chương khiến chị yêu anh tha thiết. Ngày mới yêu, anh chiều chị hết mực, nâng niu như trứng mỏng. Hình ảnh người thanh niên ôm bó hoa đợi cô giáo trước cổng trường trở nên quen thuộc với nhiều người. Thế rồi, chị mang bầu, dù gia đình không ưng ý nhưng vẫn bấm bụng tổ chức đám cưới cho con. Cưới nhau xong, vợ chồng chị chuyển về ở tại cửa hàng nhỏ của anh. Đời không như mơ, sự thiếu hụt kinh tế khiến chồng trở nên cộc cằn thô lỗ. Đồng lương giáo viên của chị không đủ để lo cho gia đình, anh thì mải ca hát không phụ thêm gì.

Dung vi si dien
 

Trận đòn đầu tiên chị phải chịu là khi mới mang bầu được bốn tháng, một cú đạp ngay giữa bụng suýt làm chị mất con. Nguyên nhân chỉ vì, anh đi chơi về muộn, chị nhắc nhở vài câu. Thấy vợ đau đớn, máu chảy nhiều nhưng anh thản nhiên ra khỏi nhà sau khi buông thõng câu: “Chắc gì nó là con thằng này”. Lần ấy, nhờ người hàng xóm đưa chị lên bệnh viện kịp, nếu không con đã bỏ chị mà đi. Tính chị nhu mì, hiền hậu, ít than vãn nên chẳng ai biết được bi kịch chị đang phải chịu. Đánh được một lần, anh được đà lấn tới, cứ dăm bữa nửa tháng lại một trận. Những lần lên lớp với đôi mắt thâm, mặt xây xát, chị toàn tìm cách nói dối hoặc đeo kính đen để ngụy trang. Đối với chị, chuyện cô giáo bị chồng đánh ở vùng quê này ghê gớm lắm, bố mẹ chị chịu sao nổi điều tiếng. Bởi thế, trong tư tưởng của chị, chưa bao giờ nghĩ đến lối thoát mà chỉ cắn răng chịu đựng người chồng vũ phu. Dù lý do chồng đánh chị toàn những chuyện không đâu: nấu cơm không vừa ý, đi họp về muộn, làm việc khuya, không chu cấp tiền…

Nhưng đồng nghiệp của chị dần dần cũng biết, cô chủ tịch công đoàn gọi chị lên để nhỏ to tâm sự, chị vẫn một mực giấu biệt. Họ tìm đến chồng chị khuyên can, anh ta im lặng và sau đó về đánh chị vì tội “mách lẻo”. Biết không thể đụng đến lòng tự trọng của chị, nhà trường cử người về nhà mẹ đẻ của chị để tìm giải pháp. Gia đình chị bật ngửa khi biết chuyện vì từ ngày lấy chồng, chị ít khi về nhà. Nhờ mẹ tỉ tê, động viên, chị mới dám thú nhận về địa ngục mà mình đang sống và chưa có ý định thoát ra. Đồng nghiệp khuyên chị nên phản kháng, chính sự nhu mì, sợ mất danh dự khiến chồng chị được nước lấn tới. Nếu anh ta còn đánh chị, chị cứ hô hoán lên cho làng xóm biết để được bảo vệ, nếu anh ta còn đánh nữa thì nên ly hôn.

Sau một thời gian, chồng chị không thay đổi mà còn hung hãn hơn, chị đâm đơn ra tòa xin ly hôn người chồng vũ phu. Khác với tưởng tượng của chị, không ai chê trách chị, mọi người đều động viên chị.

Dung vi si dien
 

Giờ đây, chồng cũ đã bỏ đi xa vì không chịu được dư luận, hai mẹ con chị sống ấm êm bên nhau. Chị trở thành cán bộ tư vấn hôn nhân gia đình của phường, bằng kinh nghiệm của cuộc đời mình, chị thường khuyên những người phụ nữ gặp hoàn cảnh tương tự: Hãy đối mặt với sự thật và tìm lối đi ngay dưới chân mình chứ đừng vì hai tiếng “danh dự” hay sĩ diện mà tự vùi lấp cuộc đời mình trong bóng đêm…
 

HẢO HIỀN

Nạn nhân của bạo lực gia đình thường là phụ nữ, trẻ em. Có khi, họ là người thân, người quen, hàng xóm… của chúng ta. Liệu họ có thể bảo vệ được bản thân? họ cần ai hỗ trợ? bạn có kinh nghiệm gì trong việc phòng chống bạo lực gia đình? PNO rất mong nhận được những chia sẻ đóng góp của các bạn để chung tay ngăn chặn nạn bạo lực gia đình.

Mời bạn đọc tham gia diễn đàn: Bạo lực gia đình: Làm gì để tự giải thoát?

Bài gởi về theo các địa chỉ:

Vào trang chủ PNO, click vào Gửi bài

Hoặc viết vào phần Bình luận phía dưới

Hoặc gởi vào mail: truongsonpntp@yahoo.com

Trân trọng cảm ơn

PNO

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI