Đừng vì COVID-19 mà quên khám định kỳ

01/04/2022 - 06:42

PNO - Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên thời gian qua, nhiều người đã không khám sức khỏe tổng quát. Nhiều trường hợp khi cảm nhận được các triệu chứng bất thường của cơ thể mới tới bệnh viện thì bệnh đã tiến triển nặng. Những bệnh này lẽ ra đều có thể phát hiện sớm nếu được tầm soát định kỳ.

Bệnh chuyển nặng vì quên... khám 

Theo bác sĩ chuyên khoa I Phạm Công Nhân, Phó khoa Khám bệnh theo yêu cầu Bệnh viện Thống Nhất, khám sức khỏe tổng quát có ý nghĩa khác với khám bệnh thông thường. Việc khám sức khỏe tổng quát định kỳ mỗi năm giúp ta tầm soát cả những bệnh lý đang phát triển âm thầm. Còn đi khám bệnh nghĩa là ta đã có triệu chứng gây ảnh hưởng tới sức khỏe, chất lượng sống, lúc này điều trị bệnh không còn mang tính dự phòng mà ở thế bị động.

Nhiều bệnh được phát hiện khi khám tổng quát ở giai đoạn rất sớm chỉ cần điều chỉnh thói quen sinh hoạt và điều trị dự phòng là sẽ biến chuyển tốt. Thế nhưng, một khi đã xuất hiện dấu hiệu rõ ràng thì bệnh đã vào giai đoạn nặng, hiệu quả điều trị và tiên lượng xấu hơn rất nhiều.

Số lượng người tới khám sức khỏe tổng quát tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh đã rục rịch trở lại nhưng so với lúc chưa xảy ra dịch COVID-19 thì vẫn còn giảm sâu - ẢNH: T.A.
Số lượng người tới khám sức khỏe tổng quát tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh đã rục rịch trở lại nhưng so với lúc chưa xảy ra dịch COVID-19 thì vẫn còn giảm sâu - Ảnh: T.A.

Anh N.V.T. (38 tuổi, ngụ Q.Tân Bình) làm việc tại một công ty kiến trúc ở Q.3. Anh cho biết mọi năm cơ quan vẫn tổ chức khám sức khỏe tổng quát cho nhân viên. Lần được khám gần đây nhất của anh là vào đầu năm 2019. Sau đó, dịch bệnh bắt đầu bùng phát, công ty anh làm ăn cũng khó khăn hơn. Thay vì tổ chức cho nhân viên đi khám tổng quát thì cơ quan phát cho mỗi người một số tiền tượng trưng để tự túc.

Thu nhập sụt giảm, rồi TPHCM trải qua thời gian giãn cách nên chẳng ai nghĩ tới mình cần đi khám tổng quát. Lúc này, mọi người chỉ quan tâm tới COVID-19, rồi lại hậu COVID-19 và những biến động thị trường như xăng tăng, vật giá leo thang trực tiếp ảnh hưởng tới cơm áo gạo tiền.

Cách đây hơn hai năm, khi tầm soát sức khỏe cùng cơ quan thì chỉ số đường huyết của anh T. ở mức 6,5 mmol/l. Lúc ấy, bác sĩ bảo anh bị rối loạn đường huyết (tiền tiểu đường). Tới ngày 24/3, do dạo gần đây thường xuyên mệt mỏi, sụt cân dù ăn rất nhiều nên anh T. đến bệnh viện khám. Lúc này, chỉ số đường huyết của anh là 8mmol/l. Từ tiền tiểu đường bệnh đã chuyển thành tiểu đường mà anh không hay biết. 

Theo bác sĩ Nhân, kể từ sau khi TPHCM giãn cách tới nay, số người đi khám sức khỏe tổng quát tại Bệnh viện Thống Nhất đã bắt đầu tăng lại nhưng so với khi chưa có dịch COVID-19 thì giảm tới 50%. Theo đánh giá chung trên các lượt khám tổng quát tại Bệnh viện Thống Nhất thời gian này, nổi cộm nhất là nhóm bệnh về rối loạn chuyển hóa (tăng mỡ máu, đái tháo đường và một số bệnh lý đường tiêu hóa).

Chậm phát hiện bệnh, khó điều trị khỏi

Thạc sĩ Trần Quang Châu, Trưởng phòng Công tác xã hội Bệnh viện Lê Văn Thịnh, cho biết, từ tháng 10/2021, bệnh viện đã khởi động lại hoạt động khám sức khỏe tổng quát cho cá nhân và tập thể các đơn vị. Ông Châu cảm thấy rất đáng tiếc cho một số trường hợp, giá như chỉ cần được phát hiện bệnh sớm hơn vài tháng thì cục diện đã hoàn toàn khác. 

Chị N.T.N.V. (40 tuổi, ngụ TP. Thủ Đức), sau khi khám sức khỏe tổng quát, làm xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung thì phát hiện ung thư cổ tử cung giai đoạn hai, ung thư đã phát triển vượt ra ngoài cổ tử cung. Bệnh nhân đang được làm thêm các xét nghiệm và kỹ thuật cận lâm sàng khác để đánh giá xem tế bào ung thư đã lan rộng tới đâu.

Hơn hai năm nay, chị V. không đi khám sức khỏe tổng quát. Lần khám tổng quát trước đó của chị vẫn chưa ghi nhận gì bất thường. Đối với ung thư cổ tử cung, nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn càng sớm thì khả năng chữa khỏi và bảo tồn các chức năng sinh sản của bệnh nhân càng cao.

Chẳng riêng ung thư phụ khoa ở phụ nữ rất cần được tầm soát sớm mà cả các bệnh lý đường tiêu hóa, dạ dày ban đầu chỉ phát hiện với các dấu hiệu nhẹ như viêm loét, polyp nhưng nếu không được theo dõi sát và tái khám đúng hẹn thì cũng có thể chuyển biến ung thư.

Vào lần khám sức khỏe tổng quát gần đây nhất là cuối năm 2019, ông P.Đ.H. (63 tuổi, ngụ TP. Thủ Đức) đã phát hiện bị loét dạ dày, nhiễm vi khuẩn HP. Bác sĩ dặn ông phải điều trị triệt để, tái khám đúng hẹn, thế nhưng bệnh nhân đã không để tâm.

Mãi cho tới ngày 28/3, khi đi tiêu ra máu, cơ thể suy kiệt, mỏi mệt, ông H. mới chịu đi kiểm tra sức khỏe toàn diện. Lần này, bệnh nhân không chỉ loét dạ dày mà trực tràng còn có nhiều polyp vỡ ra gây chảy máu.

Ngoài bệnh lý bất thường đường tiêu hóa, ông H. còn được phát hiện thêm một số bệnh khác như máu nhiễm mỡ và rối loạn đường huyết. 

Cũng như nhiều bệnh viện khác, tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, lượt người đến khám sức khỏe tổng quát đang sụt giảm sâu so với bình thường. Năm 2020, bệnh viện khám sức khỏe tổng quát cho 13.000 trường hợp thì tới năm 2021 chỉ còn 3.228 trường hợp. Từ tháng 10/2021 tới nay, mới chỉ có 1.000 người tới bệnh viện tầm soát sức khỏe tổng quát.

Các nhóm bệnh nổi bật được phát hiện khi người dân tới kiểm tra sức khỏe tổng quát giai đoạn này là tật khúc xạ, răng hàm mặt, tai mũi họng, mỡ máu, đái tháo đường, tăng huyết áp. Sau khi khám xong, đa số bệnh nhân đều nhận định rằng những bệnh chuyển hóa sẵn có của mình bị nặng lên. 

Theo ông Trần Quang Châu, sở dĩ ít người khám sức khỏe tổng quát như vậy là do hai nguyên nhân chính. Thứ nhất, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh nên không đủ kinh phí chăm lo sức khỏe cho nhân viên, thậm chí còn có đơn vị phải giải thể, phá sản.

Thứ hai, mọi người giờ đây chỉ nghĩ tới hậu COVID-19 mà quên mất rằng còn rất nhiều bệnh khác nguy hiểm hơn, rất cần được tầm soát và phát hiện để can thiệp sớm.

Bên cạnh đó, một số người còn ngại đi khám sức khỏe tổng quát vì sợ bị “lòi ra bệnh”, lại thêm lo lắng. Đây là quan điểm hết sức sai lầm. Đang bình thường không có nghĩa là ta không có bệnh, một khi đau đớn không chịu nổi mới đi khám thì bệnh nặng rồi, thậm chí có những bệnh khi ở giai đoạn muộn mới phát hiện thì dù can thiệp cũng không thay đổi được gì nhiều.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI