Đừng vì con sâu mà đổ cả nồi canh

12/12/2017 - 09:04

PNO - Rau nào mà chẳng sâu, nghề nào mà chẳng có người này người khác. Các cô rất cần được xã hội nhìn nhận một cách công bằng

Nghề giáo viên mầm non vốn rất cực nhọc, thời gian làm việc kéo dài, đồng lương không tương xứng với công sức nên chẳng mấy người muốn làm, còn người “trong cuộc” thì chỉ trông có cơ hội là “buông ra” ngay.

Cái tâm lý chỉ “muốn ra khỏi ngành” đó như càng bị thúc đẩy mạnh thêm sau những vụ lùm xùm khiến giáo viên mầm non  bị cư dân mạng xã hội “ném đá” không thương tiếc. Hơn lúc nào hết, nghề giáo viên mầm non đang cần được động viên, chia sẻ.

Dung vi con sau ma dỏ ca noi canh
 

Nản lòng vì làm cái nghề đang bị... chửi!

“Kiếm nghề khác làm thôi các bạn ơi, cô giáo MN đã bị rẻ rúng quá rồi!”. “Tôi mà có vợ làm giáo viên mầm non (GVMN) thì tôi bắt nghỉ ngay! Yêu nghề mến trẻ thì được gì ngoài đồng lương rẻ mạt và những lời mạt sát khi có chuyện sơ suất”... Đó là những dòng trạng thái của nhiều người đang xuất hiện nhan nhản trên các trang facebook.

Cô T.T.H., GVMN tại Q. Thủ Đức, TP.HCM bức xúc: “Cứ sau mỗi vụ lùm xùm, nghề nuôi dạy trẻ bị “ném đá” là các đồng nghiệp của tôi lại chán nản, muốn làm đơn xin nghỉ việc. Thật tình là đọc những lời chửi mắng, phê phán trên mạng xã hội, trên báo và cả sự phỉ báng phải nghe ngoài đời hằng ngày, tôi thấy mình bị tổn thương, xấu hổ đến mức chỉ muốn tìm việc khác làm ngay”.

Cô Nguyễn Thị Minh Uyên, người sáng lập hệ thống Trường MN Việt Đức, than: “Cả chục ngày qua, các cô giáo của tôi và GVMN nói chung đang rất khốn khổ, cả ngành MN thật sự khốn khổ. Là người quản lý, tôi chỉ biết an ủi, động viên các cô hạn chế đọc thông tin trên mạng về nghề của mình cho đỡ tủi. Bản thân tôi thì quen rồi, có phải lần đầu đâu! Mấy ai chịu hiểu cho mình, hiểu cái nghề GVMN là áp lực, mệt nhọc và bạc bẽo đến thế nào. Các cô dễ xúc động, lung lay khi bị quy chụp bằng những lời lẽ không hay, dù vô tình hay cố ý. Cái vòng luẩn quẩn cứ tiếp diễn: áp lực-chán nản-bỏ nghề-thiếu GV-phải sử dụng nhân sự không chất lượng-xảy ra vi phạm-xã hội lên án-áp lực-…”.

Chị Lê Thị Minh Trâm, một GVMN đã bỏ nghề sau 2 năm làm nhóm lớp MN tư thục, tâm sự: “Chúng tôi thường đùa nhau, cô giáo MN chẳng khác gì cửu vạn, ngày nào cũng phải bưng chồng khay cơm cao ngất cho học sinh. Giờ nghỉ trưa cũng phải thức trông trẻ. Công việc bắt đầu từ hơn 6g, nhưng nhiều hôm tôi và đồng nghiệp phải đợi phụ huynh (PH) đón con đến gần 19g mới được về”.

Chị tức tưởi: “Tuy nhiên, áp lực lớn nhất không phải là từ công việc mà đến từ tâm lý sợ PH. Nhiều cha mẹ cứ mặc định nếu con chưa ngoan hay gặp vấn đề gì thì đó đều là “lỗi ở các cô”. Tôi từng bị một PH mắng thậm tệ vì nghĩ chúng tôi đã không chăm sóc tốt để con họ bị bạn cắn”.

Dung vi con sau ma dỏ ca noi canh

Nhiều GVMN còn bị “sốc” những khi có chuyện nhưng PH không thèm trao đổi với GV mà “tố” thẳng với báo chí, hiệu trưởng hoặc chụp hình rồi đưa lên facebook để chửi rủa.  

Rất cần sự công minh

Chị Nguyễn Như Ng., GV Trường MN Tam Phú (Q. Thủ Đức) đã nghỉ việc, chia sẻ tại buổi tọa đàm về chủ đề "Bạo hành trẻ MN: vì đâu nên nỗi?", vừa diễn ra tại Trường ĐH Sài Gòn: “Mình chỉ khuyên các bạn nếu thật sự yêu trẻ thì hãy tiếp tục, còn nếu chỉ đi dạy để kiếm tiền thì nên tìm nghề khác. Nghề dạy trẻ lương thấp nhưng áp lực rất lớn”.

Đã vậy, những lời lẽ nặng nề của dư luận sau các vụ bạo hành trẻ càng khiến việc bỏ nghề đang trở thành một “cơn dịch” đáng lo ngại trong ngành giáo dục MN. Chỉ tính riêng TP.HCM - địa phương vốn có nhiều chính sách giữ chân GVMN nhất nước, mỗi năm đã có đến trên dưới 1.000 GVMN bỏ nghề. Ba năm gần đây, số GVMN bỏ nghề tăng dần đều từ hơn 900 (năm 2013-2014) lên 1.071 (năm 2014- 2015) và 1.115 (năm 2015-2016). 

Chị Nguyễn Lê Thanh Hà, một PH ở Q. Gò Vấp, chia sẻ, chị có hai con đã qua tuổi MN; từng theo các con qua nhiều trường và nhóm lớp MN từ công lập cho đến tư thục suốt 8 năm, chị nhận thấy phần lớn các cô là rất ổn; chỉ một số ít cô không giữ được bình tĩnh, có thái độ hăm he, quát nạt trẻ; gọi trẻ bằng “ông, bà”, xưng “tôi”; hoặc chỉ tay vào mặt trẻ răn đe…

“Đành rằng chuyện bạo hành trẻ là đáng lên án, nhưng mọi người rất cần ứng xử phân minh với chuyện đúng - sai, tốt - xấu để trách phạt đúng người xấu, tôn vinh, động viên người tốt. Nếu cứ vô tư “ném đá”, vô tư chửi bới cho hả giận thì chúng ta đã gây tổn thương cho những người làm nghề GVMN mà không biết sau đó chính con cái chúng ta sẽ nhận thiệt thòi gấp bội.

Thiếu các cô, chắc chắn không phải một "anh hùng bàn phím" nào đó thiệt thòi, mà cái thua thiệt sẽ rơi vào những đứa trẻ MN đang cần sự chăm sóc của các cô. Rau nào mà chẳng sâu, nghề nào mà chẳng có người này người khác. Các cô rất cần được xã hội nhìn nhận một cách công bằng”.

Cô Nguyễn Thị Minh Uyên cũng tha thiết: “Chúng tôi chỉ mong PH và xã hội có cái nhìn đồng cảm, công tâm và chung tay với nhà trường nuôi dạy trẻ. Sự đồng cảm, ghi nhận đúng công sức của GV từ PH chính là động lực giúp chúng tôi thêm yêu nghề và làm tốt hơn công việc vất vả này”.

Thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM cho thấy, số sinh viên (SV) bậc trung cấp ngành giáo dục MN sau khi vào học rơi rụng khá nhiều, số bám trụ đến ngày tốt nghiệp rất thấp, đặc biệt là ở trình độ trung cấp sư phạm MN.

Cụ thể, năm 2012 có 3.574 SV nhập học, đến năm 2014 chỉ còn 299 SV tốt nghiệp, số SV muốn theo nghề chỉ còn chưa đến 10%. Năm 2013 có hơn 4.000 SV thi đậu nhưng đến năm 2015 chỉ có hơn 1.000 SV ra trường. Năm 2016 có gần 2.000 SV tốt nghiệp trên tổng số 4.290 SV đầu vào. Cả 2 đầu vào-ra của nhân sự ngành MN đều gặp khó khăn nên 3 năm nay, TP.HCM chưa khi nào tuyển đủ GVMN đứng lớp.

Năm học 2014-2015, thành phố cần 1.837 GV thì chỉ tuyển được 1.335, thiếu 502 GV. Năm học 2015-2016 thiếu 371 GV, năm 2016-2017 thiếu 623 GV. Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, với quy mô 3.057 nhóm nhà trẻ; 10.347 lớp mẫu giáo, số GVMN thành phố hiện đang thiếu là 7.695 so với quy định của thông tư 06/2015. Nếu kết hợp cả việc đáp ứng được quy định số trẻ/nhóm, lớp trong điều lệ trường MN thì số GVMN đang thiếu lên đến 11.014, riêng GVMN công lập còn thiếu đến 3.319 GV. 


Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI