Đừng tước niềm tự hào bản thân của con

24/05/2022 - 10:27

PNO - “Em luôn cảm thấy tội lỗi với gia đình, em không biết mình sống để làm gì? Em cảm thấy tương lai mờ mịt" là một tâm sự của cô bé học lớp 11.

Những đứa trẻ được bảo bọc lâu ngày sẽ dần hình thành thói quen ỷ lại và phụ thuộc vào cha mẹ. Khi đến tuổi đi học các em khó tách rời khỏi cha mẹ để hòa nhập vào môi trường xã hội bên ngoài.

Đặc biệt, những trẻ này thường thụ động và thiếu các kỹ năng sống cần thiết như: kỹ năng ra quyết định, kỹ năng giải quyết vấn đề khi gặp các tình huống khẩn cấp. 

Ảnh mang tính minh họa - Jcomp
Trẻ được ủ bọc sẽ gặp khó khăn khi hoà đồng với bạn bè (Ảnh mang tính minh họa - Jcomp)

 

Trong quá trình tham vấn tâm lý cho các em tuổi vị thành niên, tôi gặp nhiều tình huống éo le của các em khi đi học, như câu chuyện của em T.T.M. (học sinh lớp Chín). 

Từ khi vào tiểu học, mỗi buổi trưa M. đều được mẹ đón về nhà nghỉ ngơi, ăn trưa. Đầu năm lớp Chín, do mẹ có việc bận nên M. ở lại trường. Cũng từ đó, M. thường xuyên trốn học, trốn ăn trưa, không chịu đi học. Theo mô tả của người mẹ, mỗi ngày để đưa được con đến trường, gia đình giống như trải qua một trận chiến: con gào khóc, la hét với bố mẹ, còn vợ chồng thì cãi nhau ầm ĩ. 

Nhận thấy con có dấu hiệu bất ổn, mẹ đưa con đi tham vấn tâm lý. M. tâm sự, từ nhỏ trong mỗi bữa ăn, mẹ luôn gỡ xương thịt, cá cho em, khi tự ăn ở trường em không biết cách gỡ nên nhiều lần bị mắc xương. Có lần, đau quá em hoảng sợ khóc trong lớp học.

Từ hôm đó, các bạn trêu chọc khiến em xấu hổ, em không dám ăn trưa ở trường nữa và cũng sợ đến trường. Thế nhưng, điều M. cảm thấy ấm ức nhất là sau đó, em chia sẻ với mẹ, bày tỏ mong muốn để em tự ăn cho quen, nhưng mẹ không đồng ý. Thậm chí, mẹ còn lấy cớ em bị mắc xương để chăm chút em nhiều hơn. 

Sự bảo bọc của cha mẹ còn có thể dẫn đến những bất ổn tâm lý khi trẻ bước vào độ tuổi vị thành niên. Bởi đây là giai đoạn hình thành bản sắc cá nhân, đứa trẻ nào cũng trải qua một cuộc khủng hoảng để trở thành người lớn. Trẻ bắt đầu có những suy nghĩ, trăn trở về bản thân, tương lai của mình và ý nghĩa trong cuộc sống. Trẻ hình thành những câu hỏi đầu tiên về hình ảnh và giá trị của bản thân. Với trẻ em, giá trị đó được thể hiện qua sự giúp đỡ cha mẹ, bạn bè, những người xung quanh và năng lực học tập...

Việc phụ giúp cha mẹ rửa chén sau bữa ăn cũng giúp trẻ cảm thấy tự hào về bản thân. Cha mẹ quá bảo bọc, con không có cơ hội tự lập hay phụ giúp cha mẹ, trẻ sẽ cảm thấy bản thân vô dụng... Và khi không cảm nhận được giá trị của mình, không có cơ hội để khẳng định bản thân, trẻ sẽ nảy sinh tâm lý tự ti, mặc cảm, chán ghét chính mình. Về lâu dài trẻ dần mất đi niềm tin vào năng lực, khả năng của mình và đây cũng là tiền đề gây ra những bất ổn tâm lý. 

Ảnh mang tính minh họa - Lifestylememory
Cha mẹ luôn nghĩ sẽ cho con những điều tốt nhất, nhưng chưa chắc điều ấy sẽ có  lợi cho trẻ (Ảnh mang tính minh họa - Lifestylememory)

 

Em Đ.T.T. là học sinh lớp 11. Theo lời mẹ em kể, em được bà ngoại chăm sóc từ nhỏ, vì là cô cháu gái duy nhất nên bà rất mực cưng chiều. Từ nhỏ, mỗi buổi sáng bà đều gọi cháu dậy đi học, chuẩn bị bữa sáng và đút cho cháu ăn. Cho đến nay, dù đã 16 tuổi, T. vẫn quen với việc này, hôm nào bà không đút thì em nhịn đói đến trường. Gần đây T. có biểu hiện bất thường, em tự làm tổn thương mình. T. được chẩn đoán trầm cảm kèm theo rối loạn ám ảnh cưỡng chế. 

T. chia sẻ: “Em luôn cảm thấy tội lỗi với gia đình, em không biết mình sống để làm gì? Bạn bè xung quanh đều có những mục tiêu rõ ràng còn em cảm thấy tương lai mờ mịt. Em không biết mình thích gì? Làm được gì? Em cũng không có gì đáng để tự hào. Cả đời này em có sống cũng chỉ ăn bám mẹ và bà ngoại”.

Khi chúng ta bảo bọc con cái, không cho con có cơ hội chăm sóc bản thân và cha mẹ là chúng ta đã tước đi của con quyền tự hào về bản thân, biến con thành những đứa trẻ vô ơn. Trẻ em cũng cần được học cách “cho đi”.

Cho đi không chỉ giúp trẻ học được cách thể hiện lòng biết ơn, mà qua đó trẻ còn nhận thức được giá trị bản thân và ý nghĩa tồn tại của mình trong cuộc sống, đó cũng là tiền đề cho sự phát triển lành mạnh và trưởng thành của trẻ. 

Thạc sĩ tâm lý Trần Thị Linh Giang

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI